Multimedia Đọc Báo in

Làm giàu từ mô hình trồng cây ăn trái

08:51, 08/08/2018

Năm 2012, khi xem ti vi, đọc báo thấy nhiều người làm giàu nhờ thực hiện hiệu quả mô hình trồng cây ăn trái, chị Nguyễn Thị Thu (thôn 6E, xã Cư Elang, huyện Ea Kar) mạnh dạn phá bỏ 3 ha cây cà phê, sắn kém hiệu quả và đưa 500 cây ăn trái, gồm: cam sành, quýt, bưởi da xanh vào trồng thử nghiệm.

Nhờ chị chịu khó học hỏi và áp dụng đúng kỹ thuật nên vườn cây phát triển tốt, cho năng suất cao. Đất không phụ công người, sau 5 năm chăm sóc, các loại cây ăn trái đã cho thu hoạch và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mỗi cây cam, quýt, bưởi cho thu hoạch từ 15 - 20 kg quả, năm 2017 gia đình chị đã bán ra thị trường 20 tấn quýt, 27 tấn cam, 5 tấn bưởi. Với giá bán trung bình 17.000 đồng/kg quýt, 19.000 đồng/kg cam, 40.000 đồng/kg bưởi, sau khi trừ chi phí, gia đình chị Thu có lãi hơn 500 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Thu đang kiểm tra vườn quýt  của gia đình.
Chị Nguyễn Thị Thu đang kiểm tra vườn quýt của gia đình.

Chị Thu chia sẻ: Để các loại cây ăn trái có múi như cam, quýt, bưởi phát triển tốt và ra trái quanh năm, người trồng phải am hiểu kỹ thuật chăm sóc như vun gốc, tỉa cành, cung cấp lượng phân bón cũng như lượng nước thích hợp; thường xuyên thăm vườn để phát hiện sâu bệnh hại, kịp thời có biện pháp phòng tránh phù hợp. Tuy nhiên, theo chị không nên lạm dụng quá nhiều thuốc hóa học để phòng trừ sâu bệnh hại vì ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây. Khi bón phân cho cây, cần kết hợp sử dụng thêm những loại phân có chứa vi sinh vật có lợi nhằm cung cấp đủ lượng chất dinh dưỡng cần thiết cho cây. Chị Thu khẳng định: “Cây ăn trái dễ trồng, hiệu quả kinh tế cao, chi phí đầu tư ít. Nếu kiên trì thực hiện đúng kỹ thuật thì việc thu hồi vốn và khả năng làm giàu là không khó. Hiện nay trên thị trường rất ưa chuộng các loại trái cây nội địa, sản phẩm được thương lái vào tận vườn thu mua, nên không sợ “bí” đầu ra”.

Từ kinh nghiệm làm kinh tế của bản thân, chị Thu đã giúp đỡ hàng chục hộ gia đình khó khăn ở địa phương bằng các hình thức như: cung cấp giống cây trồng; trao đổi kinh nghiệm để giúp họ phát triển sản xuất.

Hoàng Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.