Multimedia Đọc Báo in

Điều kiện kinh doanh vận tải: Doanh nghiệp và người dân lúng túng

10:54, 04/01/2017

Từ ngày 1-1-2017, Nghị định số 86 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô sẽ chính thức có hiệu lực. Với những điều kiện chặt chẽ được áp dụng, nhiều doanh nghiệp (DN) và người dân có xe đang kinh doanh vận tải gặp khó.

Bên cạnh những điều kiện chung trong kinh doanh vận tải bằng xe ôtô quy định về tiêu chuẩn như xe ôtô phải bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; phương tiện phải bảo đảm số lượng, chất lượng phù hợp với hình thức kinh doanh… theo lộ trình quy định của Nghị định 86/2014/NĐ-CP, xe 7 tấn đến dưới 10 tấn bắt đầu kinh doanh vận tải phải có giấy phép kinh doanh vận tải trước ngày 1-7-2016; xe từ 3,5 tấn đến dưới 7 tấn phải có trước ngày 1-1-2017…

Đây là vướng mắc lớn nhất đối với các DN và người dân. Trước đây, các điều kiện kinh doanh vận tải hàng hóa chỉ áp dụng đối với những người chở hàng thuê cho người khác, nghĩa là “kinh doanh vận tải thu tiền trực tiếp” chứ không áp dụng đối với cá nhân hoặc DN tự chở hàng của mình. Tuy nhiên, Nghị định 86 đã quy định áp dụng điều kiện kinh doanh cả với loại hình “kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp”. Nghị định 86 nêu rõ: “Kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp là hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, trong đó đơn vị kinh doanh vừa thực hiện công đoạn vận tải nhưng đồng thời vừa thực hiện ít nhất một công đoạn khác trong quá trình sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc dịch vụ và thu cước phí vận tải thông qua doanh thu từ sản phẩm hoặc dịch vụ đó”. Hiện nay, với đặc thù DN của tỉnh đa phần là DN nhỏ và vừa nên rất nhiều trong số đó chỉ có số lượng nhỏ xe vận tải phục vụ nhu cầu của DN mình.                

Theo đại diện một DN kinh doanh thiết bị văn phòng tại TP. Buôn Ma Thuột, hiện DN này đang có 1 xe tải chỉ chuyên phục vụ việc vận chuyển hàng hóa của mình sẽ bị “vướng” Nghị định 86. Bởi muốn được cấp phép, phương tiện phải thuộc quyền sở hữu của đơn vị kinh doanh vận tải hoặc quyền sử dụng hợp pháp theo hợp đồng của đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức cho thuê tài chính hoặc tổ chức, cá nhân có chức năng cho thuê tài sản theo quy định của pháp luật. Muốn thỏa mãn yêu cầu trên, DN phải bổ sung ngành nghề kinh doanh vận tải vào Giấy phép kinh doanh.

Một trong những khó khăn cho các DN là việc chứng minh nơi đỗ xe của mình. Theo quy định, đơn vị kinh doanh vận tải phải có nơi đỗ xe phù hợp với phương án kinh doanh và bảo đảm các yêu cầu về an toàn giao thông, phòng chống cháy, nổ và vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật. Vấn đề đặt ra là ai kiểm tra, và kiểm tra như thế nào đối với quy định này?

Đại diện một DN xây dựng tại huyện Krông Ana cũng bày tỏ băn khoăn với những quy định cấp phép hoạt động vận tải. Hiện DN này đang có 2 xe tải chở vật liệu xây dựng cho các công trình của mình thi công. Để bảo đảm những quy định trên thì DN phải được cấp phép kinh doanh vận tải, phải có phù hiệu hợp pháp kinh doanh vận tải… Muốn vậy lại phải đáp ứng hàng loạt yêu cầu mà với những DN có số xe ít như vậy rất khó đáp ứng. Đây là khó khăn chung của nhiều DN trên địa bàn tỉnh hiện nay. Đó là chưa kể những hộ gia đình có xe tải phục vụ cho nhu cầu riêng của họ, nhưng muốn lưu thông cũng bị Nghị định 86 hạn chế. Con số này hiện nay là không hề nhỏ.

Một đối tượng khác là xe tham gia vận tải hành khách. Ngoài việc đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách hiện hành thì quy định mới về số lượng xe theo Nghị định 86 cũng gây khó khăn rất lớn. Theo quy định mới, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải khách du lịch vận chuyển hành khách trên hành trình có cự ly từ 300 km trở lên, đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các thành phố trực thuộc Trung ương phải có từ 10 xe trở lên; đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các địa phương còn lại phải có từ 5 xe trở lên, riêng đơn vị có trụ sở đặt tại huyện nghèo theo quy định của Chính phủ phải có từ 3 xe trở lên. Đối với những DN nhỏ, hoặc các hộ kinh doanh xe vận tải hành khách, để đáp ứng được yêu cầu về số lượng xe như trên là khó có thể thực hiện được.

Đành rằng, Nghị định 86 áp dụng nhằm tăng cường quản lý đối với hoạt động kinh doanh vận tải. Tuy nhiên có những quy định chưa sát với thực tế  khiến nhiều DN nhỏ và người dân lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” khi không đáp ứng những yêu cầu để được phép đăng ký kinh doanh vận tải. 

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.