Multimedia Đọc Báo in

Nông dân huyện M'Drak liên kết để tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp

09:05, 22/06/2015
Lâu nay, hình thức tiêu thụ nông sản phổ biến của nông dân trên địa bàn huyện M’Drak vẫn là đưa ra chợ bán, qua thương lái hoặc đơn vị trung gian… nên giá trị nông sản luôn thấp hơn thị trường chung. Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện M’Drak đã đổi mới phương thức sản xuất, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm mỗi khi đến vụ thu hoạch thông qua sự liên kết tiêu thụ sản phẩm và cung ứng vật tư nông nghiệp.

Gia đình chị Bùi Thị Hương (ở thôn 1, xã Krông Á) có 12 chuồng với 30 con heo nái trên diện tích khoảng 200 m2. Trung bình mỗi năm, đàn heo này sinh sản khoảng 500 con heo con, trong đó, 90% lượng heo con được giữ lại để nuôi lấy thịt theo phương thức công nghiệp. Mỗi lứa heo từ 3,5 – 4 tháng, gia đình chị Hương cung cấp cho thị trường 8-12 tấn heo thịt, tổng sản lượng cả năm (3 đợt) đạt  30 – 40 tấn heo thương phẩm, mang lại thu nhập cho gia đình hàng trăm triệu đồng. Chăn nuôi quy mô lớn như vậy nên chị Hương đã làm việc trực tiếp với các công ty cung cấp thức ăn và tiêu thụ sản phẩm. Định kỳ, đơn vị liên kết cử cán bộ chuyên môn đến tận nơi hỗ trợ hướng dẫn các biện pháp chăn nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật và các giống mới lai tạo mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đối với đơn vị thu mua, do bảo đảm đủ số lượng sản phẩm theo yêu cầu, chị Hương có điều kiện thuận lợi để đàm phán giá nên mặc dù bán sỉ nhưng giá cả luôn cao hơn các hộ chăn nuôi khác. Chị Hương cho biết: “Trước đây, gia đình tôi chăn nuôi theo hình thức nhỏ lẻ do không có kinh nghiệm sản xuất, kiến thức khoa học kỹ thuật hạn chế. Khi quyết định thực hiện mô hình chăn nuôi phối hợp với các nhà máy, tôi mạnh dạn tăng đầu tư với quy mô lớn, cung cấp nguồn sản phẩm ổn định và được các đơn vị bảo đảm đầu ra thị trường nên hiệu quả kinh tế cao hơn”.

Bài, ảnh: Thu Nguyệt Chị Phạm Thị Nga (Tổ dân phố 4, thị trấn M’Drak) đang thu hoạch  cà tím Nhật Bản trên diện tích canh tác của gia đình.
Chị Phạm Thị Nga (Tổ dân phố 4, thị trấn M’Drak) đang thu hoạch cà tím Nhật Bản trên diện tích canh tác của gia đình.

Tại Tổ dân phố 4 (thị trấn M’Drak), liên kết trong sản xuất nông nghiệp đã giúp bà con nâng cao thu nhập, an tâm canh tác. Nông dân Tổ dân phố 4 có kinh nghiệm lâu năm trong việc trồng rau màu; trước đây, với điều kiện sản xuất manh mún, bà con luôn phải đối diện với tình trạng “được mùa, mất giá” và loay hoay kiếm thị trường tiêu thụ. Năm 2013, khi Công ty Thủy sản Bạc Liêu (Suối Dầu, Nha Trang) về thực hiện mô hình thí điểm trồng cà tím Nhật Bản cho hiệu quả ban đầu khả quan, nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích lúa không bảo đảm nguồn nước, cây hoa màu kém hiệu quả sang trồng loại cây này. Đến nay, trên địa bàn tổ dân phố đã có 16 hộ thực hiện mô hình trồng cà tím Nhật Bản, nhà trồng ít thì 1 sào, nhiều thì 3-4 sào. Theo nhẩm tính của các hộ sản xuất, trung bình mỗi sào trồng 1.000 cây giống, sau 2 tháng chăm sóc, trung bình mỗi cây cho thu hoạch 15 – 20 kg trái, với giá bán 5.000 đồng/kg cũng mang lại cho người trồng thu nhập hàng chục triệu đồng. Khi liên kết với doanh nghiệp, người thực hiện mô hình được hỗ trợ cây giống đến kỳ thu hoạch mới thanh toán, được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, quy trình phòng và trị bệnh… đặc biệt là các hộ dân không còn phải lo lắng đầu ra cho nông sản, bởi hiện nay, sau khi bà con thu hái xong thì xe của công ty đến tận nơi thu gom sản phẩm và thanh toán tiền hằng ngày. Anh Lê Công Hưng, một hộ nông dân thực hiện mô hình, chia sẻ: Trước đây, hầu hết bà con trồng rau màu ở đây đều phải tự lo từ khâu canh tác tạo ra sản phẩm đến khi bán ra thị trường. Hình thức tiêu thụ duy nhất là đưa ra chợ bán, giá cả bấp bênh, sức mua nhỏ lẻ nên thu nhập từ cây trồng của bà con rất thấp, đó là chưa kể thời điểm vào mùa thu hoạch, sản phẩm bị cạnh tranh do nguồn cung từ các nơi khác nên thường xuyên xảy ra tình trạng trồng rồi đổ bỏ hoặc bán với giá rẻ bèo. Thế nhưng, khi liên kết với nhà máy thực hiện mô hình trồng cà tím Nhật Bản, người nông dân đã bớt phần gánh nặng này. Anh Hưng hy vọng mô hình tiếp tục được nhân rộng, góp phần giúp bà con ổn định kinh tế.

Thực tế cho thấy, ở nhiều địa phương, việc liên kết được thực hiện hiệu quả đã tạo điều kiện cho bà con nông dân tiếp cận được các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hình thành tư duy làm ăn mới, tạo được vùng nguyên liệu, từng bước khép kín quy trình cung ứng phân bón, giống và thu mua, bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch cho nông dân, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững. Tuy nhiên, đối với huyện M’Drak - một huyện miền núi, vùng sâu vùng xa, thuần nông, điều kiện sản xuất còn lạc hậu, manh mún thì việc liên kết sản xuất hiện vẫn còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, một bộ phận nông dân vẫn nặng tư tưởng sản xuất tự cung, tự cấp, chưa có thói quen tìm hiểu và đón đầu thị trường, khả năng tiếp cận nguồn vốn, tổ chức sản xuất theo hướng liên kết còn mang tính tự phát, các mô hình liên kết hiệu quả mới còn quá ít so với tiềm năng phát triển nông sản của địa phương… Nông dân vẫn phải đối mặt với thực trạng khi sản phẩm làm ra, phải loay hoay tìm kiếm thị trường tiêu thụ và tình trạng “được mùa, mất giá” vẫn là điệp khúc trong sản xuất và tiêu thụ nông sản của người nông dân...

Thiết nghĩ, để ngày càng có nhiều mối dây liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, giữa nông sản với thị trường tiêu thụ rất cần sự trợ giúp của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.

Thu Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.