Multimedia Đọc Báo in

Triển vọng từ phát triển kinh tế trang trại tại huyện M'Drak

09:12, 13/05/2015
Những năm qua, mô hình kinh tế trang trại được nhiều hộ nông dân tại huyện M’Drak lựa chọn là hướng phát triển kinh tế bền vững. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, kinh tế trang trại vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra, đòi hỏi sự quan tâm, tháo gỡ về mặt chính sách của các cấp, các ngành và nỗ lực của chính chủ trang trại.

Trang trại tổng hợp của ông Lê Phạm Mạnh tại xã Ea Riêng là một trong những mô hình trang trại đầu tiên ở huyện M’Drak. Sau nhiều năm dành tâm huyết nghiên cứu thổ nhưỡng và học hỏi kinh nghiệm làm kinh tế trang trại, ông Mạnh đã quy hoạch các loại cây trồng phù hợp trên diện tích đất rộng hơn 100 ha; trong đó khoảng 70 ha đất trồng keo, 2,5 ha cà phê, 1.000 m2 ao cá, đất trồng cỏ chăn nuôi bò… Diện tích rộng, lại được áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăm sóc cây trồng, vật nuôi nên hiệu quả kinh tế của trang trại ngày một tăng cao; mỗi năm, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho gia đình ông Mạnh sau khi đã trừ chi phí, tạo việc làm thời vụ cho khoảng 20 lao động địa phương với mức lương từ 2,5 triệu đồng/tháng.

Chị Bùi Thị Hương (thôn 1, xã Krông Á, huyện M’Drak)  đang chăm sóc đàn heo tại trang trại chăn nuôi của gia đình.
Chị Bùi Thị Hương (thôn 1, xã Krông Á, huyện M’Drak) đang chăm sóc đàn heo tại trang trại chăn nuôi của gia đình.

Xã Ea Pil (huyện M’Drak) hiện có 6 trang trại, trong đó chủ yếu là mô hình trang trại tổng hợp và trồng cây hằng năm. Nhiều mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, điển hình như trang trại trồng cây hằng năm của gia đình ông Phạm Đình Thưởng với tổng diện tích 24 ha, tạo việc làm cho 14 lao động thường xuyên, giá trị sản lượng hàng hóa năm 2014 đạt trên 900 triệu đồng; trang trại tổng hợp của gia đình ông Hoàng Văn Thụ với tổng diện tích 22 ha trồng mía, keo, cao su và chăn nuôi heo, bò, gia cầm…, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động và giá trị sản lượng hàng hóa mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Các trang trại đã tạo ra lượng sản phẩm nông nghiệp lớn, góp phần tăng thu nhập cho nông dân và góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Thực hiện Chương trình số 16 của Huyện ủy M’Drak về “Phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác xã trên địa bàn huyện giai đoạn 2011 – 2015”, những năm gần đây, nhận thức của người nông dân đã có nhiều thay đổi, nhiều hộ đã mạnh dạn tập trung các nguồn lực, tiếp cận các nguồn vốn vay đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trang trại, nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật. Tại các xã và thị trấn, đội ngũ cán bộ chuyên môn về nông nghiệp cũng được tăng cường để hỗ trợ bà con về các quy trình kỹ thuật như chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi… Nhờ vậy, nhiều trang trại đã có hiệu quả cao như trang trai gia đình ông Nguyễn Minh Khang (xã Cư Prao), ông Phạm Văn Mạnh, Lê Quang Khải (xã Krông Á), bà Ngô Thị Vân (xã Cư Króa), ông Lê Công Hoan (xã Ea Mdoal), ông Nguyễn Gia Thiện, Nguyễn Đức Thái (xã Ea Riêng)… Theo thống kê, huyện M’Drak hiện có 25 trang trại với tổng diện tích 608 ha, trong đó 14 trang trại tổng hợp có diện tích từ 4 – 100 ha; 5 trang trại chăn nuôi với số lượng đàn từ 200 – 1.000 con; 6 trang trại trồng cây hằng năm diện tích 14 – 25 ha. Tính đến cuối năm 2014, tổng số vốn đầu tư của các trang trại là trên 44,2 tỷ đồng, tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ của các trang trại đạt trên 59,2 tỷ đồng, mang lại tổng thu nhập gần 18,2 tỷ đồng, bình quân mỗi trang trại thu nhập trên 728 triệu đồng, góp phần tạo việc làm tăng thu nhập cho 273 lao động (trong đó lao động là chủ trang trại 67 người, lao động địa phương 206 người).

Từ hiệu quả của các mô hình phát triển kinh tế trang trại, có thể thấy đây thực sự là hướng đi bền vững cho nông dân huyện M’Drak. Tuy nhiên, hiện nay nhiều trang trại trên địa bàn huyện vẫn đang gặp khó khăn bởi phần lớn trang trại có quy mô nhỏ, mang tính tự phát, thiếu vốn sản xuất. Theo quy định tại Nghị định số 41 ngày 12-4-2010 của Chính phủ về “Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn” thì đối tượng là chủ trang trại được xem xét cho vay không có bảo đảm bằng tài sản với mức tối đa 500 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện nay diện tích đất của các trang trại phần lớn là thuê mượn, chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không thể vay vốn ngân hàng. Mặt khác, lao động tại các trang trại chủ yếu là lao động phổ thông chưa qua đào tạo và bồi dưỡng về kỹ thuật; trình độ quản lý, chuyên môn của các chủ trang trại còn hạn chế, việc tổ chức sản xuất, kinh doanh và quản lý kinh tế chủ yếu theo kinh nghiệm nên hiệu quả sử dụng lao động chưa cao, đầu ra cho sản phẩm còn manh mún…

Thiết nghĩ, để phát triển kinh tế trang trại, huyện M’Drak cần tạo điều kiện sớm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất kết hợp với cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại, tạo điều kiện cho chủ trang trại tiếp cận với nhiều nguồn vốn tín dụng, nhất là với các nguồn vốn ưu đãi. Đồng thời, cần chú trọng tạo ra liên kết giữa trang trại với các doanh nghiệp, tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân; mở các lớp đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật… Có như vậy, kinh tế trang trại mới thực sự phát huy tiềm năng và thế mạnh, góp phần giảm áp lực lao động việc làm, thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xóa đói giảm nghèo và đạt mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

 Thu Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.