Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ những chương trình phát triển lâm nghiệp

10:33, 04/05/2015

Trong những năm qua, sự hỗ trợ đầu tư của các chương trình, dự án phát triển lâm nghiệp tại Dak Lak đã góp phần bảo vệ hiệu quả diện tích rừng tự nhiên, trồng mới rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, thay đổi tập quán canh tác cũng như ý thức người dân trong quản lý bảo vệ rừng, môi trường sinh thái... trên địa bàn.

Từ dự án chiến lược 5 triệu ha rừng

Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 661/QĐ-TTg, ngày 29-7-1998 là một trong những chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa quan trọng đối với ngành lâm nghiệp của cả nước cũng như đối với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Để  thực hiện Dự án, từ năm 1999, tỉnh đã thành lập 17 dự án cơ sở, bao gồm 7 ban quản lý dự án cơ sở rừng phòng hộ đặc dụng, 10 ban quản lý dự án cơ sở của các công ty lâm nghiệp, UBND cấp huyện. Năm 2004, sau khi chia tách tỉnh Dak Nông, Dak Lak còn lại 15 dự án cơ sở. Sau 10 năm thực hiện dự án (1999-2010), toàn tỉnh đã trồng mới gần 50.000 ha rừng phòng hộ, sản xuất; 100.000 ha rừng được giao, khoán quản lý bảo vệ (QLBV); khoảng 10.000 ha rừng được khoanh nuôi tái sinh... Tổng mức đầu tư 570,5 tỷ đồng, trong đó, 135,2 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, số còn lại (435,3 tỷ đồng) được huy động từ vốn liên doanh, liên kết, hoặc vốn tự có của doanh nghiệp (DN). Việc khoán QLBVR bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực: rừng được tăng cường bảo vệ, còn người dân có thêm nguồn thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo. Tổng diện tích đất lâm nghiệp đã giao 567.822 ha, trong đó, BQL rừng phòng hộ, đặc dụng 284.254 ha; các công ty lâm nghiệp 221.542 ha; đơn vị lực lượng vũ trang 8.791ha; các tổ chức khác 16.537 ha; 36.698 ha giao cho 4.455 hộ, nhóm hộ, cộng đồng, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số 3.698 hộ. Đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế rừng, tỉnh đã thu hút nhiều tổ chức, DN tham gia với nhiều mô hình liên kết, bình quân mỗi năm khoảng 5.000-6.000ha rừng sản xuất. Kết thúc dự án, toàn tỉnh có 15.191 hộ gia đình với 72.855 lao động tham gia, hưởng lợi, trong đó có 1.520 hộ nghèo (chiếm  10%), chủ yếu là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Thu nhập từ dự án dưới 25%/tổng thu nhập hộ gia đình là 47.352 lao động, chiếm 64,9 %, thu nhập từ dự án chiếm từ 25% - 50%/tổng thu nhập hộ gia đình là 18.214 lao động, chiếm 25%; thu nhập từ dự án trên 50%/tổng thu nhập hộ gia đình là 47.352 lao động, chiếm 10%. Chính từ các mô hình liên kết này đã tạo được sự gắn kết trong phát triển kinh tế lâm nghiệp, diện tích đất có rừng vì vậy không ngừng tăng lên qua các năm, từng bước xã hội hóa nghề rừng. 

  Thăm rừng trồng liên kết dưới 1 năm tuổi xen canh với ngô của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Phước An.
Thăm rừng trồng liên kết dưới 1 năm tuổi xen canh với ngô của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Phước An.

Dự án FLITCH: gắn kết người dân với rừng

Là dự án phát triển nghề rừng tương đối toàn diện, từ quy hoạch, trồng, giao khoán, bảo vệ rừng cũng như phát triển hạ tầng nông thôn, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái..., dự án FLITCH triển khai thực hiện tại tỉnh ta từ tháng 6 – 2007 trên 20 xã của 4 huyện: M’Drak, Ea Kar, Krông Bông và Lak, với tổng kinh phí hỗ trợ, đầu tư 11,64 triệu USD. Trong đó, vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) là 6,56 triệu USD, vốn đồng tài trợ không hoàn lại từ Quỹ ủy thác Lâm nghiệp 0,88 triệu USD, vốn đối ứng do ngân sách Trung ương và địa phương bố trí 2,48 triệu USD và nguồn đóng góp của người hưởng lợi bằng công lao động và hiện vật 1,72 triệu USD. Qua 4 hợp phần gồm: phát triển và quản lý tài nguyên rừng bền vững; xây dựng năng lực thông qua các lớp đào tạo; quản lý dự án và cải thiện sinh kế được triển khai đồng bộ, dự án bước đầu mang lại hiệu quả, nhất là đối với hợp phần quản lý, phát triển tài nguyên rừng. Sau khi hoàn tất công tác đầu tư cơ sở vật chất cho các ban quản lý dự án ở các địa phương, thực hiện công tác quy hoạch, lập kế hoạch quản lý tài nguyên rừng bền vững, năm 2009, dự án đã triển khai hỗ trợ trồng rừng cho các hộ gia đình, công ty lâm nghiệp, DN vừa và nhỏ.

Vườn ươm giống cây lâm nghiệp của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Phước An.
Vườn ươm giống cây lâm nghiệp của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Phước An.

Đến nay, toàn tỉnh đã trồng được trên 9.100 ha ha rừng sản xuất, trong đó, hộ gia đình 1.981 ha; DN vừa nhỏ trồng 1.373,13 ha; các công ty lâm nghiệp, ban quan lý rừng phòng hộ 5.655,74  ha. Bên cạnh đó, dự án đã hỗ trợ 5.810 hộ dân cải tạo vườn tạp, với tổng diện tích 1.482 ha; hỗ trợ 2.130 hộ thực hiện mô hình nông lâm kết hợp với 1.929,34 ha. Các mô hình này đã giúp người dân khai thác tốt quỹ đất, mang lại hiệu quả kinh tế, cải thiện thu nhập. Có thể thấy, khi nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho công tác phát triển rừng ngày càng hạn hẹp, thì dự án FLITCH đã góp phần khuyến khích người dân, DN tham gia nghề rừng. Còn đối với các công ty lâm nghiệp của tỉnh, trong tình trạng gặp nhiều khó khăn về tài chính, sự hỗ trợ của dự án đã giúp một số đơn vị “dễ thở” hơn trong nhiệm vụ trồng rừng. Ông Lương Vĩnh Linh, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án FLITCH tin tưởng, chỉ còn khoảng 1 năm nữa là kết thúc dự án, nhưng với những kết quả tỉnh ta đạt được trong quá trình thực hiện dự án những năm qua đang góp phần đẩy nhanh xã hội hóa nghề rừng với mục tiêu hướng đến là quản lý, phát triển rừng bền vững, cải thiện sinh kế, thu hút người dân tham gia, gắn bó với nghề rừng. Giai đoạn 2015-2020, các hộ sẽ bắt đầu được hưởng lợi từ Dự án khoảng 40-60 triệu đồng/ha. Theo hợp đồng ký kết, các hộ dân sẽ hoàn trả cho dự án 150 USD/ha sau khai thác. Số tiền này được bổ sung vào Quỹ CDF (quỹ phát triển xã) để tiếp tục tái đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng cũng như tiếp tục hỗ trợ người dân vay vốn phục vụ cho nhu cầu phát triển sản xuất, chăn nuôi, cải thiện đời sống.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khoác “áo mới” cho đô thị Buôn Ma Thuột
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), thành phố đã lựa chọn hàng loạt công trình đưa vào đợt thi đua đặc biệt để thực hiện. Qua đó, góp phần làm cho đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc hơn.