Multimedia Đọc Báo in

Chung sức xây dựng nông thôn mới

07:44, 15/02/2013

Những ngày này, khắp các địa phương trong toàn tỉnh đang sôi nổi thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới. Với phương châm “phát huy nội lực là chính”, nhiều hình thức phong phú, thiết thực, góp phần nhanh chóng thay đổi bộ mặt nông thôn đã và đang được triển khai.

Agribank Dak Lak: Ưu tiên vốn tín dụng phục vụ “tam nông”

Theo số liệu thống kê từ Agribank Dak Lak: đến cuối năm 2012 tổng dư nợ cho vay của chi nhánh đạt gần 8.827 tỷ đồng, trong đó riêng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn (NN-NT) đã xấp xỉ 8.082 tỷ đồng, tương đương 90% tổng dư nợ. Tính đến thời điểm hiện tại, đồng vốn tín dụng từ Chi nhánh đã phủ khắp các huyện, xã trên địa bàn do Chi nhánh quản lý, trong đó có 137 xã thực hiện chương trình nông thôn mới. Điều đáng quan tâm là trong một số thời điểm việc cho vay các ngành nghề khác có dấu hiệu chựng lại, nhưng riêng nguồn vốn cho vay NN-NT vẫn bảo đảm, tốc độ tăng trưởng dư nợ vẫn duy trì ở mức cao. Thực tế cho thấy: để làm được điều này, Agribank Dak Lak đã phải nỗ lực rất nhiều, trong đó đã chỉ đạo toàn hệ thống tăng cường công tác huy động để chủ động nguồn vốn, kịp thời giải quyết nhu cầu vay của khách hàng NN-NT; đẩy mạnh cải cách thủ tục vay vốn; chủ động giảm lãi suất cho vay; cán bộ tăng cường bám sát cơ sở, thực hiện tư vấn cho khách hàng trong việc sử dụng vốn vay bảo đảm an toàn, hiệu quả… Nhiều hộ nông dân là khách hàng của Chi nhánh Agribank Ea Kpam (xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar) tâm sự: Điều làm họ tâm đắc nhất là việc giải quyết hồ sơ vay vốn nhanh gọn và mức tiền cho vay cũng cao hơn, sát với nhu cầu thực tế. Nếu như trước đây, để chăm sóc 1ha cà phê, nông dân thường chỉ vay được vài chục triệu đồng thì hiện nay có thể được vay 50 – 70 triệu đồng. Về thời gian giải quyết hồ sơ vay vốn, trong thời gian khách hàng đi đăng ký giao dịch bảo đảm tại cơ quan có thẩm quyền thì ở Chi nhánh cán bộ tín dụng cũng tiến hành hoàn chỉnh hồ sơ. Khi khách hàng đăng ký giao dịch bảo đảm xong là có thể quay lại Chi nhánh hoàn tất các thủ tục còn lại và nhận tiền vay. Thông thường các bước này chỉ diễn ra trong 1 ngày làm việc, tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí cho khách hàng. Theo tâm sự của nhiều khách hàng, những việc làm này có ý nghĩa rất lớn trong việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, bởi lẽ mỗi đồng vốn tín dụng “rót” kịp thời vào lĩnh vực NN-NT luôn mang lại ý nghĩa về nhiều mặt. Khi có vốn, người nông dân sẽ có thêm điều kiện đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị của sản phẩm. Hiệu quả sản xuất đạt cao sẽ kích thích người dân chú trọng đầu tư, hăng say sản xuất và làm giàu ngay trên mảnh đất nông thôn, giúp hạn chế việc “tràn” về tìm việc ở các đô thị. Cũng từ đây, họ sẽ có thêm điều kiện góp tiền của, công sức, cùng địa phương đầu tư phát triển hạ tầng, xây dựng nông thôn ngày một giàu đẹp.

Giải ngân cho vay tại Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Ea Kpam
Giải ngân cho vay tại Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Ea Kpam

Lãnh đạo Agribank Dak Lak cho biết: việc ưu tiên vốn tín dụng cho NN-NT, bảo đảm đủ vốn để cho vay - đặc biệt là các hộ dân tại các xã thực hiện Chương trình Nông thôn mới - vẫn là nhiệm vụ trọng tâm.

Đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật về với nông dân

Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ về nhiều mặt, trong đó trình độ kỹ thuật và kỹ năng tổ chức sản xuất của bà con nông dân đã được tăng lên một bước, góp phần quan trọng vào việc tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Chẳng hạn, trong sản xuất ngô, đến nay diện tích ngô lai đã đạt 98%, góp phần đáng kể vào việc đưa năng suất đạt hơn 5,5 tấn/ha. Từ khi ngô lai thay thế giống ngô địa phương, thu nhập của nhiều hộ nông dân, nhất là nông dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã tăng lên thấy rõ. Tương tự đối với cây lúa, nhiều giống lúa chất lượng cao, năng suất đạt từ 6,5 đến 8 tấn/ha, thời gian sinh trưởng ngắn… đã được đưa vào sản xuất trên diện rộng. Tính đến nay, lúa lai đã chiếm khoảng 20% diện tích trồng lúa toàn tỉnh; năng suất cao hơn lúa thuần từ 1,5 đến 2 tấn/ha. Nhìn chung, việc sử dụng cây con giống chất lượng cao trong sản xuất đã được áp dụng trên diện rộng, nhờ đó năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm cây trồng, vật nuôi cũng đã tăng đáng kể. Thực tế cho thấy: công tác khuyến nông có những đóng góp quan trọng trong việc mang lại những kết quả này. Những năm qua, hệ thống Khuyến nông của tỉnh đã bám sát yêu cầu thực tiễn cũng như mục tiêu, phương hướng sản xuất của địa phương, triển khai có hiệu quả việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật về với nông dân thông qua công tác tập huấn, xây dựng mô hình, dạy nghề cho lao động nông thôn… Chỉ tính riêng năm 2012 đã triển khai hàng trăm lớp tập huấn, hội thảo cho hàng chục nghìn nông dân, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ khá lớn; xây dựng và triển khai trên diện rộng nhiều mô hình như: sản xuất lúa lai, ghép cải tạo cà phê, trồng ca cao dưới tán điều, trồng đậu tương, nuôi thỏ sinh sản… Theo tâm sự của nhiều nông dân, cách thức cũng như chất lượng công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về với họ đã được nâng lên đáng kể trong thời gian gần đây. Chẳng hạn, nội dung tập huấn đã được cải tiến và xây dựng theo nhu cầu của bà con nông dân; phương pháp tập huấn có sự tham gia của bà con nông dân nên lớp học đã trở thành nơi trao đổi kinh nghiệm và thảo luận chuyên sâu. Tương tự, việc tổ chức hội thảo tham quan mô hình cũng là biện pháp quảng bá những kết quả trình diễn mô hình tiến bộ kỹ thuật của hộ nông dân cho cộng đồng nông dân địa phương theo kiểu “nông dân dạy nông dân”. Thông qua mô hình trình diễn, người nông dân được trực tiếp quan sát và nghe chính chủ hộ nói về cách thức thực hiện nên dễ tiếp thu, học tập lẫn nhau hơn.

Cán bộ khuyến nông đang hướng dẫn nông dân cách phát hiện và điều trị bệnh cho cây cà phê.
Cán bộ khuyến nông đang hướng dẫn nông dân cách phát hiện và điều trị bệnh cho cây cà phê.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: trong thời gian tới việc đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, tập huấn, dạy nghề cho bà con nông dân sẽ tiếp tục là ưu tiên hàng đầu. Riêng đối với công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân sẽ tập trung vào các nội dung chuyển giao giống mới, sản xuất theo hướng bền vững an toàn sinh học, bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh.

“Điện ông Phước”

Đó là cách nhiều người dân thôn Tiến Cường, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar nói về nguồn điện mình đang sử dụng. Có được nguồn điện thuận lợi để phục vụ sản xuất là nhờ sự đầu tư trạm biến áp, đường dây của anh Huỳnh Văn Phước.

Nông dân thôn Tiến Cường, Quảng Tiến sử dụng điện để bơm nước tưới cà phê
Nông dân thôn Tiến Cường, Quảng Tiến (Cư M'gar) sử dụng điện để bơm nước tưới cà phê

 Thôn Tiến Cường là địa bàn giáp ranh giữa xã Quảng Tiến với Ea Drơng và thị trấn Ea Pôk, bà con chủ yếu sống nhờ vào cây cà phê. Đất đai ở đây khá tốt nhưng điều kiện nước tưới lại không thuận lợi nên năng suất cà phê rất bấp bênh khiến cuộc sống người dân ở đây còn khó khăn. Trước đây, không có công trình thủy lợi, bà con phải sử dụng nước giếng đào, giếng khoan nên vào mùa khô tình trạng thiếu nước thường xuyên xảy ra. Trong khi đó, muốn sử dụng máy bơm để tưới cà phê cũng không được vì địa bàn ở xa đường điện. Để giải quyết khó khăn trên trong khi chưa có sự đầu tư của Nhà nước, năm 2011 anh Phước đã đầu tư 240 triệu mua máy biến áp công suất 100 KVA đưa điện từ đường dây trung thế về rẫy để phục vụ sản xuất. Bên cạnh việc phục vụ tưới nước cho 10 ha cà phê gia đình, anh còn tạo điều kiện cho 10 hộ khác kéo đường dây điện về rẫy với số vốn 200 triệu đồng. Có nguồn điện ổn định, vấn đề nước tưới được giải quyết, năng suất cà phê tăng lên so với trước. Thấy hiệu quả, nhiều hộ dân khác, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số cũng đăng ký kéo điện từ trạm biến thế của anh để phục vụ tưới nước cho cà phê. Hiện nay anh đã nâng công suất trạm biến áp lên 250 KVA và đầu tư thêm đường dây điện để phục vụ bà con với tổng số vốn 700 triệu đồng. Nguồn điện từ trạm biến áp của anh đủ phục vụ tưới cho các vườn cà phê của gần 60 hộ dân, với diện tích 100 ha trong vòng bán kính gần 1 km, trong đó có những hộ ở thị trấn Ea Pôk. Anh Phước chia sẻ: “Có được nguồn điện ổn định, công việc sản xuất hiệu quả hơn nhiều, chi phí tưới nước giảm đi một nửa, năng suất cà phê lại tăng lên”. Nhà Ama Thâm (buôn Sút, thị trấn Ea Pôk), có rẫy cà phê rộng 4 ha giáp ranh với địa phận thôn Tiến Cường nhưng lâu nay năng suất chỉ đạt hơn 2,5 tấn/ha do nước tưới không ổn định. Vụ cà phê vừa qua, ông đã kéo điện từ trạm biến áp của anh Phước về rẫy để phục vụ việc nước tưới. Nhờ đó công việc sản xuất hiệu quả hơn, mặc dù mất mùa do thời tiết nhưng năng suất vẫn đạt hơn 3 tấn/ha khiến ông rất vui mừng. Ông Nguyễn Văn Sĩ, Phó giám đốc Điện lực Cư M’gar cho biết: Bên cạnh đầu tư của Nhà nước, những năm qua công tác xã hội hóa trong xây dựng lưới điện trên địa bàn được đẩy mạnh, nhiều người dân đã đầu tư chi phí để lắp đặt trạm biến áp, kéo lưới điện để phục vụ sản xuất, sinh hoạt, trong đó hộ anh Huỳnh Văn Phước là một ví dụ…

Chung tay xóa nhà tạm cho người nghèo

Những năm gần đây, phong trào hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo trên địa bàn huyện Cư Kuin đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, bởi bên cạnh sự quan tâm của Nhà nước còn có sự tham gia của các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức quan tâm ủng hộ và sự chung tay của toàn xã hội.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà mới khang trang, bà Nguyễn Thị Chừ (buôn Ea Kmar, xã Ea Bhôk, huyện Cư Kuin) chưa hết vui mừng vì gia đình có được ngôi nhà mới... Bà Chừ là một trong những người nghèo nhất vùng, chồng mất sớm, đã 77 tuổi nhưng bà phải một mình nuôi hai người con đã bị nhiễm chất độc da cam, cuộc sống hết sức khó khăn. Trước đây ba mẹ con phải sống trong căn nhà gỗ tạm bợ, lúc nào cũng nơm nớp lo bị sập. Giữa năm 2012, gia đình bà được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam huyện Cư Kuin chọn để hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết trị giá 50 triệu đồng, trong đó các cấp Ủy ban MTTQ hỗ trợ 25 triệu đồng, số còn lại do bà con anh em và hàng xóm giúp đỡ. “Đến cuối cuộc đời, tôi mới có cái nhà đàng hoàng để ở. Tôi rất vui bởi đó là tài sản quý giá nhất của gia đình; hai đứa con vốn đã chịu nhiều thiệt thòi sẽ không còn phải ở trong ngôi nhà chật chội, dột nát". Tương tự, gia đình Y Ba Byă (buôn Ea Bhôk, xã Ea Bhôk) cũng rất phấn khởi vì năm nay sẽ được đón tết trong ngôi nhà mới chứa chan tình yêu thương của mọi người. Cũng giống gia đình ông Y Ba và bà Nguyễn Thị Chừ, riêng trong năm nay có 56 hộ nghèo trên địa bàn huyện Cư Kuin được hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết với tổng trị giá hơn 2,5 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh 800 triệu đồng, huyện gần 550 triệu đồng, còn lại là sự đóng góp của các doanh nghiệp, gia đình và hàng xóm.

Ông Trần Đình Quyến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Cư Kuin cho biết: để giúp các gia đình nghèo có điều kiện “an cư”, các cấp MTTQ luôn chú trọng công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát. Trong 5 năm gần đây đã xây dựng được 111 căn nhà đại đoàn kết (trị giá 5 tỷ đồng), hỗ trợ xây dựng 947 nhà chương trình 167, vận động được 1,5 tỷ đồng xây nhà cho người nghèo. Để có thêm kinh phí, địa phương đã vận động các doanh nghiệp trên địa bàn như: Công ty Cà phê Ea Sim, Công ty Cà phê Ea Ktur, Công ty Cà phê Việt Đức, Ngân hàng HDBank… hưởng ứng cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”; đồng thời, kêu gọi sự chung sức của toàn xã hội trong công tác hỗ trợ người nghèo xây dựng nhà.

Mở rộng hệ thống thủy lợi tạo nên những mùa vàng

Trước đây, cũng như nhiều xã khác trong huyện Ea Súp, hằng năm xã Ea Lê phải gánh chịu nhiều thiên tai, hạn hán; việc sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Toàn xã có hơn hai phần ba diện tích tự nhiên là đất nông nghiệp, nhưng phần lớn còn hoang hóa, diện tích lúa một vụ năng suất thấp chiếm hơn 60%, mùa nắng khô hạn, mưa thì ngập úng… khiến cho đời sống, kinh tế của bà con nơi đây quanh năm nghèo túng. Để khắc phục những hạn chế ấy, cán bộ và nhân dân xã Ea Lê đã nhiều lần họp bàn và đưa ra một giải pháp mang tính đột phá về xây dựng nông thôn mới của địa phương, đó là tiến hành cải tạo hệ thống giao thông thủy lợi, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng các tuyến kênh, mương nhánh dẫn nước đến khắp các ruộng, rẫy trên địa bàn xã. Chủ trương đúng đắn này được bà con rất ủng hộ, nhiệt tình đóng góp sức người, sức của xây dựng các tuyến kênh mương; nhiều hộ không ngần ngại hiến ruộng, vườn có công trình đi qua. Trong thời gian ngắn, toàn xã đã hình thành gần 65 km kênh mương nhánh, trong đó gần 23 km được kiên cố hóa, hứa hẹn những khởi sắc mới cho cuộc sống người dân nơi đây. Rõ nét nhất là đã giảm thiệt hại do thiên tai, hạn hán gây ra, bà con có điều kiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, ứng dựng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế...

Nhiều tuyến kênh mương thủy lợi của xã Ea Lê, huyện Ea Súp đang được xây dựng kiên cố hóa
Nhiều tuyến kênh mương thủy lợi của xã Ea Lê, huyện Ea Súp đang được xây dựng kiên cố hóa

Anh Nguyễn Văn Hoa, Phó chủ tịch xã Ea Lê cho biết: nhờ có hệ thống kênh mương nội đồng phủ rộng khắp nên bà con trong xã đã không ngừng mở rộng diện tích cây trồng và khép kín quy trình nông vụ; nhiều diện tích lúa một vụ đã tăng lên 2 vụ, hàng loạt cây trồng mới như ngô, khoai, đậu, rau màu khác… cũng phát triển theo. Đến nay toàn xã đã có 800 ha lúa hai vụ, đạt 103% so với kế hoạch đề ra (năng suất đạt 7,1 tấn/ha và sản lượng 5.680 tấn), 20 ha ngô lai, 322 ha đậu các loại… Cùng với đó, những giống cây trồng, vật nuôi truyền thống, kém hiệu quả cũng được bà con đồng loạt thay thế bằng các loại giống mới cho năng suất, chất lượng cao, như dòng lúa lai TH3 - 3, Bio 404, XI23; ngô lai LVN14, LVN 62, SSC586… Nhờ đó, đời sống người dân ngày càng phát triển, thu nhập bình quân trên đầu người hiện khoảng gần 20 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm đáng kể, góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới của địa phương ngày càng tốt hơn.

Giữ vững an ninh nông thôn từ sức mạnh lòng dân    

Song song với việc xây dựng hạ tầng cơ sở, đầu tư sản xuất thì tiêu chí giữ vững an ninh trật tự cũng được xem là nhiệm vụ then chốt trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở xã Ea Sô, huyện Ea Kar. Những năm qua, Đảng bộ và chính quyền nơi đây đã thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nhằm nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức phòng chống tội phạm trong nhân dân; chỉ đạo lực lượng Công an xã Ea Sô mở nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm và bài trừ tệ nạn xã hội, đem lại những kết quả khả quan. Đến nay, Ea Sô đã được huyện Ea Kar công nhận là Xã Văn hóa, với tỷ lệ người biết chữ đạt trên 95%, 100% trẻ em trong độ tuổi được đến lớp, xã đã hoàn thành 3/19 tiêu chí về nông thôn mới, trong đó có tiêu chí về giữ vững an ninh trật tự.

Người dân xã Ea Ô, Ea Kar tham gia làm đường giao thông nông thôn
Người dân xã Ea Ô (Ea Kar) tham gia làm đường giao thông nông thôn

Ông Nguyễn Thế Thủy, Chủ tịch UBND xã Ea Sô phấn khởi cho biết: có được điều này là nhờ Đảng bộ, chính quyền xã đã duy trì tốt sức mạnh từ lòng dân, luôn được nhân dân đồng tình ủng hộ; theo đó phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” có sức lan tỏa mạnh mẽ. Bà con nơi đây luôn có ý thức chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, Chính sách pháp luật của Nhà nước. Mỗi thôn, buôn đều xây dựng những quy ước, hương ước riêng, phù hợp với điều kiện, đặc điểm văn hóa nhằm giữ gìn tình đoàn kết, thống nhất trong cộng đồng. Thông qua hội đồng thôn, buôn, vai trò của người dân cũng được nâng lên đáng kể, đặc biệt là việc bà con tham gia đóng góp ý kiến và trực tiếp giám sát đối với việc thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, vận động nhau bảo vệ an ninh trật tự nông thôn, không để kẻ xấu lợi dụng, không tham gia các hoạt động trái pháp luật. Đồng thời luôn mở rộng tình đoàn kết, duy trì nét văn hóa ứng xử trong cộng đồng và giúp nhau lao động sản xuất phát triển kinh tế gia đình. Theo nhận thức của bà con nơi đây: kinh tế vững chắc, văn hóa xã hội phát triển sẽ kéo theo an ninh- trật tự được giữ vững; đồng thời nếu gìn giữ tốt an ninh- trật tự thì tài sản, tính mạng và sức khỏe của người dân mới được bảo vệ để yên tâm sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa.

Khi đoàn kết là sức mạnh

Ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng Phòng NN-PTNT, Phó Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (XDNTM) huyện Ea Kar cho biết: ngay từ khi triển khai thực hiện chương trình, Ban chỉ đạo huyện đã xác định đường giao thông nông thôn là một tiêu chí quan trọng đối với địa phương để hoàn thành các tiêu chí khác, Vấn đề đặt ra là phải tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của người dân. Muốn vậy phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến từng hộ dân bằng nhiều hình thức khác nhau, như tổ chức họp giải thích cho người dân hiểu các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó phải tích cực tổ chức tuyên truyền bằng băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi, băng đĩa hình và hệ thống truyền thanh… Đối với việc vận động nhân dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn cần thực hiện dân chủ rộng rãi trong tất cả các khâu như: họp bàn với các bí thư chi bộ, trưởng thôn theo đúng quy chế dân chủ; thành lập ban vận động cấp xã, xóm; tổ chức hội nghị dân chủ tại xã để quán triệt nội dung dự án và triển khai kế hoạch vận động nhân dân; thông báo những vấn đề người dân được hưởng lợi sau khi công trình được hoàn thành… Theo đó, nhiều xã đã làm rất tốt, nên người dân thấy được những lợi ích trong tương lai mà họ sẽ được thụ hưởng khi đề án xây dựng nông thôn mới hoàn tất; đồng thời họ cũng thấy được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc xây dựng nông thôn mới. Một số xã như: Ea Ô, Ea Sar, Ea Sô, Ea Đar, Cư Ni, Ea Kmút, Ea Týh đã tích cực triển khai trong công tác giải phóng đường giao thông, nhân dân đã tự nguyện đóng góp, hiến 239,660m2 đất, phá 1.800m tường rào, 100m2 sân bê tông, 30m2 công trình phụ, 6.106 cây cà phê, 3.630 cây điều và các loại cây hoa màu khác; đóng góp hàng ngàn ngày công giá trị lên đến 11 tỷ đồng. Điển hình xã Ea Ô, Ea Sar, Cư Ni đã mở rộng, làm mới được 92 km đường giao thông nông thôn (Ea Ô 54 km; Ea Sar 28 km; Cư Ni: 10 km). Ông Nguyễn Minh Chuyền, Chủ tịch UBND xã Ea Ô không giấu được niềm vui cho biết: ngay khi nhận được tin địa phương được chọn làm xã điểm của tỉnh trong XDNTM, người dân cũng như cán bộ đều rất phấn khởi nhưng cũng rất lo về tiêu chí đường giao thông nông thôn là một trong những tiêu chí khó thực hiện đối với một xã thuần nông như Ea Ô. Bởi muốn hoàn thành mục tiêu trên thì phải lấy đất của người dân và thực hiện đền bù, nhưng số tiền để chi trả cho vấn đề này quá lớn, ngân sách không đáp ứng nổi. Trước tình hình đó, Đảng ủy, chính quyền, UBMTTQ xã đã thống nhất kế hoạch vận động người dân hiến đất. Và cũng rất bất ngờ, trong các buổi họp dân lấy ý kiến, nhiều người dân đã ngay lập tức tình nguyện ủng hộ hàng trăm mét vuông đất mà không đòi hỏi bất cứ một s­ự đền bù nào. Trong phong trào này phải kể tới những tấm gương đóng vai trò tiên phong của những người dân ở thôn 2. Điển hình là hộ ông Đào Xuân Tài, đã hiến hơn 200m2 đất, trong đó 50 m2 bê-tông, cổng và hàng rào kiên cố, trị giá 100 triệu đồng… Từ đầu năm đến nay, toàn xã đã huy động nhân dân mở mới và nâng cấp 90km đường, trong đó nhân dân tự nguyện hiến 150 nghìn m2 đất, tự chặt bỏ, không đòi hỏi đền bù hàng chục nghìn cây trồng có giá trị khác... Tổng giá trị người dân xã Ea Ô hiến cho phát triển giao thông nông thôn lên đến hơn 5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, UBND xã còn tiết kiệm chi ngân sách hơn 500 triệu đồng để thuê máy móc, phương tiện san ủi nền đường.

Chương trình XDNTM đang như một làn gió mới thổi bùng lên niềm tin của người dân về một nông thôn mới khang trang hơn, no ấm hơn. Và yếu tố quyết định cho sự thành công này vẫn là sự đoàn kết, sự đồng thuận cao độ trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.

Ngọc Thông Thành Thuận

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đượm nghĩa tri ân
Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk luôn dành sự quan tâm đặc biệt, triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.