WikiLeaks sẽ tiết lộ thêm tài liệu mật về cuộc chiến Afghanistan
09:32, 25/10/2010
Phát biểu trước báo giới tại London (Anh) ngày 23-10, một phát ngôn viên của WikiLeaks cho biết trang mạng này sẽ sớm công bố thêm 15.000 hồ sơ mật về cuộc chiến tranh tại Afghanistan, bổ sung cho hàng chục nghìn trang tài liệu về cuộc chiến đẫm máu này đã được WikiLeaks tiết lộ trong thời gian qua.
Tuyên bố trên của đại diện WikiLeaks được đưa ra một ngày sau khi trang mạng này đã công khai 400.000 tài liệu quân sự mật liên quan đến cuộc chiến tranh Iraq, bao gồm cả thông tin về việc tra tấn những tù nhân bị bắt giữ hay hàng chục nghìn dân thường thiệt mạng. WikiLeaks cho biết 15.000 hồ sơ bổ sung về cuộc chiến của Mỹ và liên quân ở Afghanistan trước đó chưa được đăng tải do nội dung khá nhạy cảm. Hiện công tác rà soát, sàng lọc thông tin đã hoàn tất và trang mạng này sẽ sớm công bố những tài liệu trên.
Lính Mỹ ở Iraq. (Nguồn: Reuters) |
Bộ Quốc phòng Australia ngày 24-10 cho biết một đội đặc nhiệm của nước này sẽ vào cuộc để điều tra xem các trang tài liệu quân sự bị rò rỉ mới đây tác động ra sao đến Australia. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Australia, ông Stephen Smith, đội đặc nhiệm này sẽ rà soát kỹ ưỡng các tài liệu mới nhất bị rò rỉ. Ông nói: "Mối nguy hiểm lớn nhất của việc công bố những thông tin trái phép kiểu này là nó sẽ làm tổn hại về mặt an ninh cho các chiến dịch của chúng tôi, khiến người ta có thể nhìn thấu các hoạt động này". Tuy nhiên, ông Smith cũng kịp trấn an rằng do không có quân đồn trú ở Iraq, nên tác hại của vụ rỏ rỉ thông tin này sẽ không tác động đáng kể đến Australia.
Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki ngày 23-10 cho rằng vụ tiết lộ trái phép của WikiLeaks là một mưu toan nhằm phá hoại nỗ lực của ông nhằm duy trì chức vụ thủ tướng.
Trong khi đó, ông Maysoun al-Damlouji, phát ngôn viên của Liên minh Iraqiya do người Sunni hậu thuẫn và nằm dưới sự lãnh đạo của Cựu Thủ tướng Ayad Allawi, đối thủ của ông Maliki, cho rằng tài liệu về các vụ ngược đãi tù nhân của các lực lượng an ninh Iraq do WikiLeaks công bố, là hậu quả tất yếu của cơ chế khi quá nhiều quyền hành được trao cho một nhà lãnh đạo duy nhất.
G.N
(Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc