Multimedia Đọc Báo in

Làm nhiệm vụ từ tấm lòng tri ân...

07:51, 26/07/2017

"Tôi tên Trần Văn Toan, là thân nhân liệt sỹ Trần Văn Thiềng. Hôm nay tôi và gia đình đến thăm, thắp hương cho các liệt sỹ. Xin cảm ơn Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, Ban quản lý Nghĩa trang đã nhiệt tình giúp đỡ; chăm sóc các phần mộ...” – đó là đôi dòng tâm sự của một thân nhân liệt sỹ lưu lại trên cuốn sổ nhật trình khi tìm đến Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh.

Tuy chỉ là vài câu viết vội, nhưng cũng đã phần nào ghi nhận công việc lặng thầm của Tổ Quản trang nơi đây.

Tổ quản trang có 5 thành viên nhưng lại quản lý, chăm sóc Nghĩa trang rộng hơn 9 ha (gồm: khuôn viên, công trình tượng đài, vườn cây, hàng trăm cây cảnh và gần 2.200 ngôi mộ liệt sỹ), khối lượng công việc khá nhiều. Đặc biệt, vào dịp tháng Bảy, lượng người đến viếng Nghĩa trang đông hơn nên các thành viên Tổ quản trang lúc nào cũng bận rộn. Ngoài chăm sóc các phần mộ, cây cảnh, bảo vệ nghĩa trang, việc tiếp đón thân nhân liệt sỹ cũng rất được coi trọng. Anh Trần Thiện Thắng, thành viên Tổ quản trang chia sẻ: “Một tháng có khoảng 1-2 đoàn ở tỉnh xa đến; còn trong tỉnh thì hầu như ngày nào cũng có người đến thăm viếng. Thường thì trong tháng Bảy và các dịp lễ, Tết có nhiều người đến viếng hơn. Tuy vất vả, nhưng chúng tôi luôn động viên nhau càng cố gắng hoàn thành công việc và tiếp đón thân nhân các liệt sỹ được chu toàn hơn...”.

Thành viên Tổ quản trang Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh chăm sóc các phần mộ.
Thành viên Tổ quản trang Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh chăm sóc các phần mộ.

Trong số những người đến viếng thăm, biết bao nhiêu là nước mắt nhỏ xuống nơi đây, ai cũng đau đáu trong lòng nỗi niềm về những người đã khuất. Từng câu chuyện, kỷ niệm về các liệt sỹ được thân nhân gợi nhắc, tưởng nhớ, chia sẻ cùng thành viên Tổ quản trang. “Nhìn thân nhân liệt sỹ đến viếng, nghẹn ngào khóc bên phần mộ nhiều khi mình cũng không cầm được nước mắt. Có người vì quá xúc động mà chân bước không nổi, mình phải dìu đến tận mộ. Công việc quản trang có nhiều đặc thù, khác với các công việc khác nên các thành viên trong tổ vẫn thường tự nhủ với nhau: phải làm cho tròn trách nhiệm, làm vì cái tâm, từ lòng tri ân với những người đã hy sinh vì Tổ quốc...”, chị Trần Thị Hoa, Tổ trưởng Tổ quản trang tâm sự.

Có lẽ chính bởi điều đó, mà các anh chị đã gắn bó với công việc này khá lâu; hầu hết mọi người đều có thâm niên hơn 10 năm: chị Trần Thị Hoa gắn bó từ năm 2003; anh Trần Thiện Thắng từ năm 2002; anh Nguyễn Quốc Toản là năm 2003; anh Đỗ Viết Mão năm 2005; anh Nguyễn Xuân Hòa năm 2006. Đặc biệt, chị Trần Thị Hoa, nhân viên nữ duy nhất, lại là Tổ trưởng, không ít người thắc mắc vì sao chị lại kiên trì với công việc dường như chỉ dành cho nam giới. Mỗi lúc như vậy chị lại trả lời: “Công việc này đâu chỉ dành riêng cho nam giới, ai cũng làm được, miễn là có lòng thành...”.

Không riêng chị Trần Thị Hoa, các thành viên khác của Tổ Quản trang cũng có chung suy nghĩ như vậy. Anh Trần Thiện Thắng cho biết: “Trong 2.191 ngôi mộ an táng tại Nghĩa trang thì 1.298 ngôi mộ đã xác định được danh tính; 113 mộ có một phần thông tin; số còn lại chưa rõ tên. Đã có nhiều người đến thăm viếng, tìm kiếm mộ liệt sỹ, hoặc xin chuyển hài cốt các anh về quê an táng. Chứng kiến nỗi đau mất mát người thân chưa nguôi ngoai qua thời gian, tôi đều không khỏi xúc động. Mỗi lần tiếp đón thân nhân các liệt sỹ đến thăm viếng, tìm mộ chúng tôi đều dành tình cảm chân thành, quý mến như người nhà, hỗ trợ họ hết sức...”.

Luôn tự hào, tận tâm, gắn bó với công việc, các thành viên trong Tổ quản trang vẫn ngày ngày lặng thầm làm tròn trách nhiệm của mình, chăm sóc các phần mộ liệt sỹ. Và với các anh chị, đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn là sự tri ân với những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh để có được hòa bình, hạnh phúc như hôm nay...

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc