Multimedia Đọc Báo in

Chăm lo cho người có công đầy đủ, kịp thời

07:20, 27/07/2025

Từ nhiều năm nay, tỉnh Đắk Lắk luôn quan tâm, làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa và xem đó là trách nhiệm, sự tri ân đối với các thế hệ đi trước đã cống hiến xương máu cho nền hòa bình, độc lập hôm nay.

Phóng viên Báo và Phát thanh, Truyền hình Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đắk Lắk LÊ ĐỨC TỊNH chung quanh nội dung này.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lê Đức Tịnh.

♦ Thưa ông, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, xuyên suốt, công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho các gia đình chính sách và người có công tỉnh Đắk Lắk đã được triển khai như thế nào?

Trong 6 tháng đầu năm 2025, tỉnh đã triển khai thực hiện tốt các chính sách, chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng theo quy định; công tác tiếp nhận hồ sơ và giải quyết chế độ chính sách được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Hiện nay, toàn tỉnh Đắk Lắk đang thực hiện chi trả chế độ trợ cấp ưu đãi hằng tháng đối với trên 18.000 người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng, với kinh phí chi trả gần 54 tỷ đồng/tháng. Các gia đình có công với cách mạng đều có mức sống bằng hoặc cao hơn mức thu nhập trung bình của dân cư trên địa bàn và 100% xã, phường làm tốt công tác chăm sóc người có công.

♦ Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, sự tham gia tích của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng đã góp phần lan tỏa công tác đền ơn đáp nghĩa như thế nào, thưa ông?

Trong năm qua, toàn tỉnh đã huy động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được gần 14 tỷ đồng. Từ đó đã hỗ trợ người có công sửa chữa, nâng cấp 66 nhà Tình nghĩa, trị giá gần 1,5 tỷ đồng; xây dựng 79 nhà Tình nghĩa, trị giá gần 4 tỷ đồng; tặng 101 sổ tiết kiệm, với số tiền 83 triệu đồng; hỗ trợ người có công và thân nhân bị ốm đau, bệnh tật và gặp khó khăn trong cuộc sống với số tiền 73 triệu đồng. Một số địa phương đã trích nguồn kinh phí Quỹ Đền ơn đáp nghĩa để sửa chữa, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ tại địa phương mình quản lý.

Ngoài nguồn kinh phí của Trung ương, của tỉnh, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa các cấp còn thực hiện Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk năm 2025 theo Nghị định số 131/2021/NĐ-CP, ngày 30/12/2021 của Chính phủ và Quyết định số 21/2024/QĐ-TTg, ngày 22/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ, với tổng số hộ là 607/608 hộ, đạt tỉ lệ 99,84%.

Các phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng được các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh nhiệt tình hưởng ứng, đến nay 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống (53 Mẹ) đều được các đơn vị nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời; 100% người có công được hưởng ưu đãi trong việc khám chữa bệnh, cấp phát dụng cụ chỉnh hình, điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe…

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Tùng (phường Tân Lập). 

♦ Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay diễn ra trong bối cảnh cả nước thực hiện chính quyền địa phương hai cấp, vậy thưa ông, tỉnh đã triển khai công tác đền ơn đáp nghĩa như thế nào để bảo đảm luôn kịp thời, trọn vẹn?

Việc chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và lâu dài. Chính vì vậy, năm 2025, trong bối cảnh “vừa chạy vừa xếp hàng”, công tác này càng được tỉnh Đắk Lắk đặc biệt chú trọng, quan tâm, chủ động triển khai đồng bộ từ cơ sở, bảo đảm việc chăm lo cho đối tượng chính sách và người có công được kịp thời, trọn vẹn. Trong đó, khu vực phía Đông tỉnh (tỉnh Phú Yên cũ) đã hoàn thành việc tổ chức thăm, tặng quà các gia đình chính sách trước tháng 7.

Cùng với đó, nhiều hoạt động trọng tâm đang được tỉnh triển khai như: đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa; tổ chức tặng quà các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ; tổ chức các lễ dâng hương, dâng hoa, thắp nến tri ân tại nghĩa trang liệt sĩ cấp tỉnh, cấp xã; tổ chức đưa đoàn đại biểu người có công đi dự cuộc gặp mặt người có công, nhân chứng lịch sử tại Thủ đô Hà Nội…

Các hoạt động chăm lo cho người có công được tỉnh Đắk Lắk thực hiện thông qua nhiều hình thức như: thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật; cải thiện điều kiện sống cho người có công như hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà ở; chăm sóc y tế; tạo điều kiện vay vốn phát triển sản xuất; tặng sổ tiết kiệm; hỗ trợ kinh phí chữa bệnh; hỗ trợ học nghề, tạo việc làm cho con em gia đình chính sách; tổ chức đưa người có công đi điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung…

Việc lan tỏa đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người có công; đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng, nhất là trong thế hệ trẻ đối với các thế hệ đi trước đã cống hiến xương máu cho nền hòa bình, độc lập của dân tộc.

♦ Xin cảm ơn ông!

Thúy Hồng (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


Kỳ 2: Thắp lửa tri ân
Những nỗ lực trong hành trình "tri ân xoa dịu nỗi đau", không chỉ bằng chính sách “Đền ơn đáp nghĩa” của Đảng, Nhà nước, mà còn qua muôn vàn nghĩa cử cao đẹp của cộng đồng.