Multimedia Đọc Báo in

Tiếp nối truyền thống “tôn sư trọng đạo”

07:23, 20/11/2023

“Tôn sư trọng đạo” là truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Trải qua thời gian, xã hội có sự phát triển và đổi thay nhưng truyền thống ấy vẫn là một nét đẹp mang đậm giá trị nhân văn trong văn hóa người Việt.

Hiện nay, dù khoa học kỹ thuật phát triển, các phương tiện, thiết bị, máy móc hiện đại, người thầy vẫn có một vị trí đặc biệt quan trọng trong xã hội. Thầy cô là người truyền lửa, dẫn dắt, định hướng để học trò khám phá, tìm tòi tri thức; đồng thời tạo nền tảng về cả vốn sống, nhân cách để làm người. Thực tế cho thấy, đội ngũ nhà giáo trên địa bàn tỉnh luôn không ngừng đổi mới, sáng tạo, thi đua dạy tốt, là tấm gương sáng về đạo đức, sự tận tụy, tâm huyết với nghề...

Rất nhiều giáo viên nỗ lực, cống hiến hết mình vì sự nghiệp giáo dục với những việc làm mang đầy ý nghĩa nhân văn như cô Hoàng Thị Bảy (giáo viên Trường PTDT Nội trú THCS huyện Lắk) luôn tâm huyết, tình cảm dành cho học trò, hết lòng vì học sinh dân tộc thiểu số, giúp các em vượt qua khó khăn để học tập tốt; thầy Mai Văn Chuyền (giáo viên Trường THCS Ngô Mây, xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar) miệt mài kêu gọi hỗ trợ để thực hiện các chương trình, dự án giúp học sinh khó khăn, tiếp sức cho các em đến trường, ngăn dòng bỏ học...

Việt Nam là một dân tộc có truyền thống hiếu học và “tôn sư trọng đạo” đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó là sự tôn trọng, kính yêu thầy cô và biết trân quý những bài giảng bổ ích, là chăm chỉ học tập, tu dưỡng đạo đức. Hằng năm, xuất hiện nhiều tấm gương học sinh trên khắp mọi miền cả nước vượt khó học giỏi, đạt thành tích cao trong học tập, tại các kỳ thi trong nước và quốc tế. Theo thầy Mai Văn Chuyền, nhìn thấy các em học sinh trưởng thành, biết nỗ lực vượt qua khó khăn để trở thành người có ích là món quà tri ân lớn nhất dành cho thầy cô.

Trong xã hội ngày nay, người giáo viên vẫn có một vị trí đặc biệt quan trọng. (Trong ảnh: một tiết học tại Trường Đại học Tây Nguyên)

Hằng năm, đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, học sinh các trường đều mong muốn gửi gắm tình cảm biết ơn tới thầy cô giáo của mình, những người lặng lẽ ươm mầm xanh cho đất nước. Có nhiều cách tri ân thầy cô khác nhau, có trường thì học sinh cùng nhau tự tay làm những tấm thiệp chúc mừng thật đẹp, trường khác thì học sinh tập luyện các tiết mục văn nghệ để biểu diễn trong ngày kỷ niệm, cùng gửi những bó hoa tươi thắm và lời chúc mừng đến thầy cô...

Chị Nguyễn Thị Thảo (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Ngày còn đi học, tôi thường hay gọi ngày 20/11 là ngày Tết thầy cô giáo. Đó là ngày mà bạn bè trong lớp cùng hẹn nhau đi thăm từng nhà thầy cô, những món quà góp nhau đi chung có khi chỉ là quyển sổ, cây bút, thậm chí chúng tôi còn ngắt những bông hoa dại ven đường kết thành một bó hoa thật đẹp gửi tặng. Tới bây giờ, tôi vẫn luôn nhắc con của mình phải kính trọng và biết ơn công lao dạy dỗ, dưỡng dục của thầy cô giáo”.

Là một truyền thống đạo lý vô cùng tốt đẹp của dân tộc ta, “tôn sư trọng đạo” còn thể hiện ở việc dù có làm gì, ở đâu thì trong sâu thẳm tâm thức của họ vẫn luôn biết ơn, khắc sâu công lao của thầy cô giáo. Trong những dịp lễ, Tết, nhiều thế hệ học sinh cũ nay đã thành đạt, trưởng thành vẫn nhớ đến thầy cô, gọi điện, nhắn tin hỏi thăm sức khỏe, thậm chí quay trở lại trường cũ thăm cô thầy. Nhiều người trở thành mạnh thường quân, sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ giáo viên, học sinh gặp khó khăn của ngôi trường mình từng học.

Thầy Mai Văn Chuyền (Trường THCS Ngô Mây, huyện Cư M'gar) tặng sách vở cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Nhiều người được thầy cô dạy dỗ, dìu dắt nên người, giờ đây tiếp nối truyền thống đó, họ lại dốc lòng để dạy dỗ học trò của mình. Cô Nguyễn Minh Nguyệt (giáo viên Trường THPT Chuyên Nguyễn Du) bộc bạch, nhớ công ơn của thầy cô giáo, bản thân luôn không ngừng cố gắng để vừa dạy chữ, vừa dạy người, đổi mới các phương pháp dạy học, tích cực lắng nghe để thấu hiểu học sinh nhiều hơn. Đồng thời nỗ lực học tập từ bạn bè, đồng nghiệp để ngày càng hoàn thiện bản thân, phấn đấu góp phần nhỏ bé của mình với mục tiêu xây dựng trường học hạnh phúc trong thời đại mới.

Truyền thống "tôn sư trọng đạo" càng được thể hiện rõ nét, không chỉ gói gọn trong khuôn khổ thầy trò ở những bài giảng, tiết học, mà ngay cả trong những nếp sinh hoạt thường nhật. Có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật đặc sắc có chủ đề về người thầy, về nghề giáo cao quý. Vừa qua, Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Đêm nhạc “Giai điệu tri ân” như là món quà tinh thần quý giá gửi tặng các thầy cô giáo, những người công tác trong ngành giáo dục. Lắng đọng trong đêm nhạc là các ca khúc viết về người thầy như: Bài ca người gieo hạt, Người giáo viên mang khăn hồng tình nguyện, Một đời ơn thầy, Về thăm thầy cũ…

Thầy giáo, nhạc sĩ Huỳnh Ngọc La Sơn, tác giả của ca khúc “Bài ca người gieo hạt” đã vô cùng xúc động khi được chứng kiến các cô giáo, có những người từng là học trò cũ thể hiện nhạc phẩm của mình trên sân khấu. Nhạc sĩ trải lòng: “Đã gần 40 năm kể từ khi ra đời, ca khúc “Bài ca người gieo hạt” vẫn vang lên rộn rã, nhất là mỗi dịp 20/11 khiến tôi cảm thấy rất hạnh phúc, đây như một món quà tôi muốn chia sẻ và gửi đến quý thầy cô giáo, những người lái đò thầm lặng”.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đượm nghĩa tri ân
Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk luôn dành sự quan tâm đặc biệt, triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.