Multimedia Đọc Báo in

Đẳng cấp Mesi và Argentina

08:11, 20/12/2022

Không cần phải bàn luận nhiều, mọi người có lẽ đều nhất trí rằng Pháp và Argentina gặp nhau ở chung kết là xứng đáng. Về tình cảm, đây là trận quyết đấu trong mơ, thỏa mãn đa số tâm tư, tình cảm của người hâm mộ; cái kết không thể hài lòng hơn với FIFA và chủ nhà Qatar.

Trên bục nhận huy chương, Messi để lại hình ảnh đáng nhớ. Siêu sao 35 tuổi được Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani khoác lên vai chiếc áo choàng, có tên gọi bisht, màu đen để thể hiện lòng tôn trọng, biểu tượng cho quyền lực tại quốc gia Hồi giáo này. Thực tế, Messi và Argentina xứng đáng được trao quyền lực và Cúp Vàng năm nay.

Trong bóng đá, yếu tố "thiên thời" và "nhân hòa" đóng vai trò vô cùng quan trọng đến thành tích chung. Pháp được yêu thích và được đánh giá cao về khả năng vô địch không? Câu trả lời là có. Nhưng, tương quan sự ủng hộ đội nào nhiều hơn? Có thể trả lời luôn: Messi và Argentina. Tình cảm đó tạo nên một nguồn năng lượng cực mạnh thúc đẩy tinh thần, bản lĩnh, đẳng cấp lẫn độ sáng suốt của Argentina.

Nhưng niềm tin cũng phải dựa trên năng lực chuyên môn. Sau chệch choạc ở trận ra quân, đội bóng xứ Tango càng đá càng hay. Điển hình nhất là Messi, dấu giày của anh in đậm lên mọi bước đi của đội bóng. Anh khép lại giải đấu với 7 bàn và 3 kiến tạo. Messi đạt tổng cộng 13 bàn trong lịch sử tham dự World Cup. Cộng thêm 8 kiến tạo, tiền đạo thủ quân của Argentina tham gia trực tiếp vào 21 bàn ở cúp thế giới. Đây là điều chưa cầu thủ nào làm được.

Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani mặc chiếc áo choàng đen quyền lực cho Messi. Ảnh: AFP

Cho dù thế, ít ai ngờ Argentina đã hoàn toàn lột xác trong trận chung kết. Đầu tiên là lối chơi tấn công táo bạo ngay từ khi nhập cuộc thay vì thăm dò hay rình rập sơ hở của đối thủ. Argentina ở trận chung kết chơi khác hẳn Argentina khi đấu Croatia ở bán kết. Họ không cho Pháp cầm bóng nhiều như cách họ đã để Croatia làm ở bán kết. Thay vào đó, Scaloni chỉ đạo các học trò chủ động cầm bóng và tấn công đối thủ. Argentina nhập cuộc cực kỳ tự tin và cách họ chủ động gây sức ép mạnh mẽ ngay sau tiếng còi khai cuộc đã khiến người Pháp bất ngờ và rơi vào tình thế đối phó bị động. Nhưng Argentina vô địch không chỉ nhờ tài thao lực của Huấn luyện viện Scaloni, đôi chân ma thuật của Messi và những khoảnh khắc bừng sáng của Di Maria, họ cần đến một Elimiano Martinez phản xạ xuất thần trong khung gỗ để bù đắp cho sai lầm nghiêm trọng của Otamendi và để ngăn cản người Pháp lên đỉnh vinh quang ở kỳ World Cup thứ hai liên tiếp. Ở loạt sút luân lưu cân não, Messi và đồng đội cho thấy bản lĩnh hơn. Nếu như Pháp quá phụ thuộc vào Kylian Mbappe, thì ở Argentina, mọi cá nhân đều có thể tỏa sáng, tạo thành khối thống nhất.

Đa số đều lâng lâng hạnh phúc với Messi. Argentina có thể không vô địch nhưng Messi thì khác. Thế nên, chiến thắng trước Pháp còn có bóng dáng của định mệnh. Đồng thời, chấm dứt mọi tranh cãi về Messi. Anh đã bước vào ngôi đền của những huyền thoại, thậm chí nhiều chỉ số còn nhỉnh hơn một số tiền bối. Pele chưa bao giờ thi đấu ở châu Âu. Diego Maradona chưa từng vô địch Champions League (trước đây là European Cup). Johan Cruyff không thể vô địch World Cup. Ronaldo Luis Nazario de Lima chưa từng vô địch Champions League. Cristiano Ronaldo thậm chí chưa bao giờ vào đến một trận chung kết World Cup. Những cái tên kể trên là thần tượng của nhiều thế hệ người hâm mộ bóng đá, và hay được đem ra so sánh trong các cuộc tranh luận với Messi.

Nhìn lại 32 đội tham dự World Cup năm nay, chúng ta có thể thấy trình độ các đội có sự chênh lệch không cao. Hay nói cách khác, nhiều nền bóng đã đang có dấu hiệu thụt lùi, như Bỉ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Brazil, Đức. Ngay cả Anh cũng cho thấy giới hạn chưa thể vượt ngưỡng. Đấy cũng là cơ hội để bóng đã châu Phi và châu Á bứt lên tiệm cận đẳng cấp.

Tạm biệt Qatar, hẹn gặp tại World Cup 2026 với đồng chủ nhà là Mỹ, Mexico và Canada.

       Phong Uyên


Ý kiến bạn đọc