Multimedia Đọc Báo in

Đại hội đồng Liên hiệp quốc khóa 76: Trách nhiệm cao và cam kết mạnh của Việt Nam với các vấn đề toàn cầu

18:02, 22/09/2021

Trong Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hiệp quốc khóa 76 diễn ra tại trụ sở của Liên hiệp quốc ở New York, Mỹ, lãnh đạo các quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, sẽ cùng nhau thảo luận nhằm giải quyết những thách thức chung.

Từ ngày 21 đến 27-9, Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hiệp quốc khóa 76 sẽ diễn ra tại trụ sở của Liên hiệp quốc ở New York, Mỹ. Đây là sự kiện đa phương thường niên lớn nhất hành tinh, quy tụ nhiều lãnh đạo, nguyên thủ các nước tham dự để cùng chia sẻ quan điểm, tìm giải pháp cho các vấn đề toàn cầu.

Trọng tâm ứng phó với đại dịch

Tuần lễ cấp cao của Đại hội đồng Liên hiệp quốc năm nay dự kiến thu hút sự tham dự của đông đảo Lãnh đạo cấp cao các nước, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, các thể chế tài chính quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden, Nhà vua Jordan Abdhullah II, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng các nước Nhật Bản, Ấn Độ, Anh và Israel… để cùng trao đổi, tìm ra giải pháp với những vấn đề toàn cầu và nhất là những giải pháp phòng, chống, vượt qua đại dịch COVID-19.

Phiên thảo luận cấp cao của Đại hội đồng Liên hiệp quốc diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, ảnh hưởng sâu rộng đến sự ổn định, phát triển bền vững của mọi quốc gia.

Tuy hòa bình, hợp tác và phát triển tiếp tục là nguyện vọng thiết tha của các dân tộc nhưng xung đột, căng thẳng vẫn tiếp diễn ở nhiều khu vực, thậm chí có nguy cơ lan rộng hoặc trở nên trầm trọng hơn do ảnh hưởng của đại dịch. Ngoài ra, các thách thức về việc ứng phó với biến đổi khí hậu, thu hẹp khoảng giàu nghèo, bất bình đẳng xã hội thì vẫn hiện hữu.

Tuần lễ cấp cao Kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76 (UNGA76) diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, ảnh hưởng sâu rộng đến sự ổn định, phát triển bền vững của mọi quốc gia. (Nguồn: Getty)
Tuần lễ cấp cao Kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76 (UNGA76) diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, ảnh hưởng sâu rộng đến sự ổn định, phát triển bền vững của mọi quốc gia. (Ảnh: Getty/Baoquocte.vn)

Trong bối cảnh đó, trong lời phát biểu khai mạc khóa họp 76 Đại hội đồng Liên hiệp quốc (UNGA76) ngày 14-9 vừa qua, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi thế giới hãy nỗ lực hơn nữa trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, tình trạng biến đổi khí hậu và chấm dứt chia rẽ, thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng do chính con người tạo ra.

Tổng thư ký Guterres nhấn mạnh, thế giới phải tập trung chống đại dịch, kẻ thù chung của loài người, cần tăng tốc chiến đấu với dịch hiệu quả hơn bằng cách cung cấp vắc xin, thiết bị y tế, và phác đồ điều trị cho tất cả mọi người trên toàn cầu. Ông cũng khẳng định mong muốn các nước hãy cam kết và giữ cam kết với những mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu sẽ được đưa ra tại Hội nghị Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) tại Glasgow (Anh) sắp tới.

 

"Thế giới hãy nỗ lực hơn nữa trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, tình trạng biến đổi khí hậu và chấm dứt chia rẽ, thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng do chính con người tạo ra".

 
- Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres

Tổng thư ký Liên hiệp quốc cũng kêu gọi chấm dứt chiến tranh trên khắp hành tinh, nhất là trong thời điểm hiện nay khi thế giới có quá nhiều thách thức và chia rẽ trong nhiều lĩnh vực, nhất là khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, giữa một bộ phận những người có tất cả điều kiện vật chất tốt nhất và cộng đồng những người không có được những điều kiện sống cơ bản nhất như thức ăn, nước uống và dịch vụ y tế. Chính đói nghèo và bất bình đẳng cũng là rào cản khiến nhiều trẻ em chưa có cơ hội đến trường, chưa được phát triển kỹ năng để có được cuộc sống tốt hơn trong tương lai.

Đặc biệt, Tổng thư ký Liên hiệp quốc nhấn mạnh, khoảng cách lớn giữa những người đã được tiêm chủng trong khi hàng triệu triệu người khác vẫn không thể tiếp cận vắc xin COVID-19 và khoảng cách này lại do chính con người tạo ra, do chính các hệ thống kinh tế dựng lên rào cản đối với những người nghèo và những người dễ bị tổn thương nhất.

Theo ông Guterres, chính tư tưởng muốn thống trị về chính trị là nguyên nhân gây ra bất ổn xã hội, gây mất lòng tin, là nguyên nhân gây ra khủng bố và các cuộc xung đột vũ trang trên thế giới.

Tuy nhiên, những thách thức này hoàn toàn có thể hóa giải nếu các nước thành viên Liên hiệp quốc cùng đoàn kết hợp tác trên tinh thần của chủ nghĩa đa phương.

Với hy vọng đó, tại Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hiệp quốc khóa 76 lần này, các nhà lãnh đạo và nguyên thủ các nước sẽ cùng nhau chia sẻ quan điểm, thể hiện nỗ lực chung giải quyết các vấn đề toàn cầu, từ các vấn đề an ninh đến phát triển, từ thách thức an ninh truyền thống như xung đột, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chạy đua vũ trang đến các thách thức phi truyền thống hoặc đang nổi lên gay gắt như phòng, chống dịch bệnh, khủng bố, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh mạng…

Ba mục tiêu lớn của Việt Nam

Từ ngày 21 đến 24-9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hiệp quốc khóa 76. Chuyến công tác diễn ra đúng vào thời điểm Việt Nam kỷ niệm 44 năm gia nhập tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh (20-9-1977 – 20-9-2021).

Tháp tùng Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến công tác lần này có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc và các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đồng Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Cuba Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến.

Tham gia Đoàn còn có Thượng tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an và Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga, Đại sứ Việt Nam tại Cuba Lê Thanh Tùng và lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương.

Theo Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hiệp quốc, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, việc Chủ tịch nước tham gia và phát biểu tại tuần lễ cấp cao Đại hội đồng và các hoạt động lớn nhất trong năm của Liên hiệp quốc có một ý nghĩa rất đặc biệt, thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao và cam kết rất mạnh của Việt Nam với cương vị là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.

Ngoài Phiên thảo luận chính tại Đại hội đồng, Chủ tịch nước sẽ dự 3 phiên họp cấp cao bao gồm phiên về hệ thống an ninh lương thực toàn cầu, phiên cấp cao về an ninh khí hậu tại Hội đồng Bảo an và phiên thảo luận cấp cao toàn cầu về ứng phó với đại dịch.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Abdullah Shalid. (Nguồn: TTXVN)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Abdullah Shalid. (Ảnh: TTXVN)

Đại sứ Đặng Đình Quý khẳng định tất cả những hoạt động này đều nhằm 3 mục tiêu trước mắt là ứng phó với đại dịch giải quyết hậu quả và phục hồi kinh tế xã hội sau đại dịch.

"Đây là những thách thức trực tiếp đối với chúng ta cũng như đối với toàn cầu", Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh.

"Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham gia và phát biểu tại tuần lễ cấp cao Đại hội đồng và các hoạt động lớn nhất trong năm của Liên hiệp quốc có một ý nghĩa rất đặc biệt, thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao và cam kết rất mạnh của Việt Nam với cương vị là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc" - Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hiệp quốc.

Ngoài ra, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ gặp gỡ nhiều nguyên thủ quốc gia, các đối tác tại Mỹ để trao đổi các biện pháp phòng, chống COVID-19 và phục hồi sau đại dịch; đồng thời thúc đẩy việc hỗ trợ, chuyển giao vắc xin COVID-19; gặp các doanh nghiệp sản xuất vắc xin hàng đầu của Mỹ để có được những cam kết chuyển giao sớm nhất, nhanh nhất, nhiều nhất vắc xin có thể cho Việt Nam cũng như thuốc chữa bệnh, trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống COVID-19.

Việc Chủ tịch nước tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao của Đại hội đồng Liên hiệp quốc khóa 76 và trao đổi với các lãnh đạo cao nhất của Liên hiệp quốc là dịp để Việt Nam gửi đi thông điệp mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về nước Việt Nam tự cường, có khát vọng và tầm nhìn phát triển, có đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và rộng mở, đã, đang và tiếp tục đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào công việc chung của cộng đồng quốc tế.

Ghi nhận những đóng góp tích cực của Việt Nam, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres đã khẳng định: "Việt Nam đã luôn là đối tác mạnh mẽ của Liên hiệp quốc kể từ khi gia nhập tổ chức vào năm 1977. Việt Nam đã có những đóng góp tích cực và có trách nhiệm tại Liên hiệp quốc và trong các vấn đề toàn cầu, nhất là tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc; Việt Nam là một nhân tố quan trọng đóng góp vào hòa bình, ổn định trong khu vực".

Theo Baoquocte.vn
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.