Multimedia Đọc Báo in

Bên ven bờ Hiền Lương…

16:16, 24/05/2022

Trên hành trình thiên lý Bắc Nam, có một dòng sông, một cây cầu không ai có thể quên: sông Bến Hải và cầu Hiền Lương.

Sông không rộng, cầu không dài nhưng đó là dòng sông mang nhiều nỗi đau nhất, 20 năm cha xa con, vợ mất chồng, anh biệt em chỉ vì một tầm nước, một mái chèo, khắc khoải đợi chờ và đẫm nước mắt. Những "ngày Bắc, đêm Nam", những thao thức trong từng câu thơ, từng bài hát đã bắt đầu từ đây, cầu Hiền Lương - sông Bến Hải - vĩ tuyến 17.

Bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, cùng chung một nguồn nước với sông Xê Băng Hiêng nơi đỉnh 820, nhưng Xê Băng Hiêng ngược phía Tây, qua Lào rồi đổ vào sông Mê Kông, còn sông Bến Hải men theo chiều thấp dần của núi đồi xuôi về Đông đổ ra cửa Tùng Luật.

Tôi đã hơn một lần theo chân những người thợ rừng ở lâm trường Bến Hải lang thang trong những cánh rừng thượng nguồn của dòng sông. Ở quãng sông chảy qua xã Vĩnh Ô, lòng sông cạn có thể xắn quần lội sang bờ kia - chưa đầy mươi mét. Nơi đây không có những cánh rừng thạch xương bồ để sông thơm vị ngọt như sông Hương, nhưng chính nơi đại ngàn này, một ngày rất xa vua Hàm Nghi đã theo đường thượng đạo, từ Tân Sở (Cam Lộ) băng qua đèo dốc hiểm trở để ra căn cứ Sơn Phòng (Tây Quảng Bình).

Cũng chính từ phía thượng nguồn này, những đoàn quân chủ lực, bộ đội vận tải... vượt Bến Hải vào chiến trường miền Nam, ém quân chuẩn bị cho chiến dịch 1972 giải phóng Quảng Trị, từ nơi này pháo của ta đã giã dồn dập vào Đầu Mầu, Tà Lơn, Làng Vây...

Cầu Hiền Lương những năm thập niên 60 của thế kỷ trước. Ảnh tư liệu

Chiếc cầu Hiền Lương  7 nhịp có ai ngờ trở thành chứng nhân của lịch sử không phải 2 năm, như lời hẹn trước lúc lên tàu tập kết ra Bắc, mà tận 20 năm. Nhà văn Nguyễn Tuân đã lặng lẽ đếm từng nhịp chân trên 7 nhịp Hiền Lương mà chi li từng chữ nghĩa: "Cầu có 7 nhịp, 7 nhịp cộng lại chỉ dài 178 mét. Và ván cầu tổng cộng chỉ có 894 miếng ván. Chiều dài cầu, miền Bắc miền Nam mỗi bên giữ 89 mét, nhưng ván cầu thì 450 tấm thuộc Bắc, như thế là ta hơn mấy tấm" (bút ký Sông Tuyến).

Đây là chiếc cầu được Pháp bắc từ năm 1950, còn trước đó ngàn xưa vẫn "qua sông lụy đò". Oái ăm thay, chỉ chưa đầy 5 năm sau, chiếc cầu với chức năng nối đôi bờ trở thành chiếc cầu cách chia hai nửa thân mình của đất nước! 

Năm 1967, chiếc cầu 7 nhịp ấy bị đánh sập bởi bọn Mỹ. Chiến tranh leo thang ra miền Bắc, Vĩnh Linh trở thành đất địa đầu, đối mặt trực tiếp với đạn bom và hủy diệt. Trên dòng sông này đêm đêm vẫn có những đơn vị bộ đội lặng lẽ qua sông vào đánh địch phía bờ Nam.

Trên dòng sông này, những trận càn của địch đã đẩy bà con các xã Trung Sơn, Trung Hải vượt sông dưới tầm đạn giặc ra với miền Bắc. Máu đã loang đỏ quãng sông phía Vĩnh Sơn, Vĩnh Long.

Nhưng lá cờ Tổ quốc vẫn bay trên đầu cầu và cuối dòng Bến Hải, những đoàn thuyền nan của nhân dân Vĩnh Linh từ Vĩnh Quang, Vĩnh Giang, Vĩnh Thạch đã băng qua bom đạn đi tiếp tế cho đảo thép Cồn Cỏ.

Có trở về nơi cuối dòng sông này, cầm lấy chiếc đèn pin và chui vào tầng sâu địa đạo Vịnh Mốc bên bờ sông mới hiểu được ý chí kiên cường của người dân đất thép. Địa đạo Vịnh Mốc sâu và rộng hơn địa đạo Củ Chi rất nhiều.

Ở đây có hội trường, bệnh xá, nhà ăn, giếng nước... tất cả đều ở trong lòng đất. 17 em bé đã ra đời dưới lòng sâu địa đạo này (và trận bão số 8 năm 1985, cả làng xuống đây tránh bão đã có thêm một cậu nhóc chào đời trong cơn cuồng phong dữ dội ấy!).

Đêm hội “Thống nhất non sông” hòa nước nguồn Pác Bó và Cửu Long vào nước sông Bến Hải.

Tôi thuê chiếc thuyền của Trần Văn Tương, một chàng trai làm nghề chài lưới trên sông Bến Hải để làm một chuyến lên thượng nguồn con sông, rồi từ đó thả trôi về chân sóng Cửa Tùng, theo con sông từ nguồn ra bể. Con thuyền này cũng nhỏ y như những con thuyền nan thuở trước. Mất chưa đầy hai phút để chiếc thuyền từ bờ Bắc sang bờ Nam. Cũng quãng sông ấy, những năm chiến tranh, nhà thơ Thanh Hải đã cảm khái: “Cách nhau chỉ một mái chèo/Mà đi trăm núi vạn đèo tới đây”. Không chỉ trăm núi vạn đèo, đó là cả 21 năm dài đằng đẵng (1954 - 1975) với bao nhiêu nước mắt, máu xương, chia ly và bi tráng.

Thuyền chạy ngược lên phía thượng nguồn, từ giữa dòng sông nhìn về phía chiếc cầu trên Quốc lộ 1 đang rộn ràng những chuyến xe trên đường thiên lý Bắc Nam vun vút, cạnh đó chiếc cầu sắt cũ được phục dựng làm di tích theo kết cấu nguyên bản cây cầu cũ được xây dựng hồi 1952 và bị bom ném sập vào năm 1967. Phục dựng cây cầu “di tích” này cũng có nhiều chuyện để nói. Số là sau khi chiếc cầu làm giới tuyến tạm thời bị sập năm 1967, mãi đến năm 1974 một chiếc cầu khác được xây dựng bằng bê tông cốt thép cách cây cầu cũ vài chục mét về phía hạ lưu. Đến năm 1996 Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quyết định xây cây cầu mới, chiếc cầu cũ xây năm 1974 đứng trước một cuộc đấu tranh quyết liệt: giữ lại làm di tích hay phá đi và phục dựng một lại cây cầu y hệt như cây cầu chứng tích của thập niên 1950 - 1960? Nhiều người bảo: Phục dựng y như cây cầu cũ hồi 1954 chắc gì tìm ra được các dầm thép nguyên bản? Trong khi cây cầu xây 1974 vẫn mang ý nghĩa tượng trưng: đó là cây cầu chứng kiến thời khắc đất nước thống nhất vào năm 1975. Dĩ nhiên, làm di tích, phục dựng được một cây cầu nguyên bản là vô cùng ý nghĩa. Cuối cùng thì toàn ngành GTVT đã vào cuộc “truy lùng” tìm kiếm những nhịp dầm thép y như kết cấu cây cầu hồi năm 1954 nhằm lưu giữ một chứng tích đặc biệt trong hành trình thống nhất đất nước.

Để có được cây cầu giống với thiết kế ban đầu gồm hai nhịp dầm thép Eiffel hai đầu mố và 5 nhịp bailey ở giữa,  Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành trên khắp cả nước nỗ lực tìm kiếm những nhịp cầu cũ đang còn lại trên địa bàn, nếu đúng như kiểu dáng của cây cầu cũ hiện còn lưu giữ trong hình ảnh tư liệu sẽ bằng mọi giá ưu tiên đưa về cho công trình phục chế cầu Hiền Lương. Riêng 5 nhịp dầm dã chiến bailey thì đã có tại  Khu Quản lý đường bộ 4, khó nhất là tìm ra hai nhịp Eiffel. Sau bao nhiêu nỗ lực kiếm tìm cuối cùng người ta cũng phát hiện ra 2 nhịp dầm thép  Eiffel đúng như người Pháp đã thiết kế cầu Hiền Lương năm xưa đang nằm tại… Sở GTVT Gia Lai. Sau hơn một năm thi công, nguyên trạng chiếc cầu cũng đã được hoàn thành. Còn nhớ ngày khánh thành chiếc cầu chứng tích được phục chế, đại tá Nguyễn Thanh Hà, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Quảng Trị, những năm 1954 - 1967 là công an vũ trang tại đồn giới tuyến cầu Hiền Lương đã sờ tay lên từng vì cầu mà nghẹn ngào: Thật không ngờ có thể làm được y hệt cây cầu như mấy chục  năm trước!    

Nếu dòng sông chia ra đôi bờ như sự phân ly thì cây cầu nối hai bờ sông chính là biểu tượng của sự gắn kết. Giờ đây, từ thượng nguồn sông Bến Hải ra tới cửa Tùng - nơi dòng sông gặp biển, không chỉ là một cây cầu như 60 năm trước mà có gần chục cây cầu khác, mỗi cây cầu đều chứa một câu chuyện, ấp ủ riêng một khát vọng. Và để hiểu hết ý nghĩa của mỗi nhịp cầu, hãy đến và đặt bước chân mình trên những cây cầu bắc qua dòng sông giới tuyến năm xưa. Để đi qua những nhịp cầu này, cả đất nước này, cả dân tộc này phải “hành quân” ròng rã hơn hai mươi năm với bao nhiêu máu xương đổ xuống dọc dặm dài Tổ quốc!

Lê Đức Dục


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.