Multimedia Đọc Báo in

Tạo sức bật cho tăng trưởng tín dụng

16:38, 05/03/2025

Với những tín hiệu tích cực của nền kinh tế và hàng loạt chính sách giảm áp lực lãi suất của Chính phủ đã tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh.

Tín dụng "bứt tốc"

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Khu vực 11, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn Đắk Lắk tiếp tục có những tín hiệu khả quan và có mức tăng trưởng khá ở hầu hết các lĩnh vực.

Đến hết tháng 2/2025, dư nợ tín dụng toàn địa bàn ước đạt 174.000 tỷ đồng (tăng 2,02% so với đầu năm, tăng 15,31% so với cùng kỳ năm 2024). Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn ước đạt 123.500 tỷ đồng (chiếm 70,98% tổng dư nợ); dư nợ cho vay trung, dài hạn ước đạt 50.500 tỷ đồng (chiếm 29,02% tổng dư nợ cho vay).

Khách hàng giao dịch tại Agribank Chi nhánh Bắc Đắk Lắk.
Khách hàng giao dịch tại Agribank Chi nhánh Bắc Đắk Lắk. Ảnh: Thế Hùng

Tín dụng đang tập trung mạnh mẽ vào các lĩnh vực ưu tiên, phục vụ sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 21.000 tỷ đồng (chiếm 12,07% tổng dư nợ toàn địa bàn, tăng 3,91% so với đầu năm), với trên 3.000 doanh nghiệp còn dư nợ; cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 87.000 tỷ đồng (chiếm 50% tổng dư nợ cho vay; tăng 1,51% ) với gần 450.000 khách hàng còn dư nợ; cho vay xuất khẩu đạt 2.750 tỷ đồng (chiếm 1,58% tổng dư nợ, tăng 5,36%); cho vay kinh tế tập thể đạt 309 tỷ đồng (chiếm 0,18% tổng dư nợ, tăng 1,31); tín dụng chính sách xã hội đạt 8.099 tỷ đồng (chiếm 4,65% tổng dư nợ, tăng 0,91% so với đầu năm), với gần 205.000 lượt khách hàng còn dư nợ. 

Giảm áp lực lãi suất

Đáng chú ý là khi các doanh nghiệp đang đẩy mạnh phục hồi sản xuất, kéo theo nhu cầu tín dụng lớn cho việc mở rộng kinh doanh và đầu tư, việc Thủ tướng Chính phủ có công điện (Công điện số 19/CĐ-TTg) yêu cầu NHNN thực hiện các biện pháp mạnh mẽ nhằm giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn với chi phí hợp lý, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm các mục tiêu vĩ mô đề ra đã tác động ngay đến lãi suất của các ngân hàng, nhất là nhóm ngân hàng thương mại cổ phần.

Theo đó, từ ngày 25/2 đến 3/3, có 10 ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất niêm yết đối với khách hàng thông thường là Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank), Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn công thương (Saigonbank), Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaovietBank), Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank), Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank), Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank), Ngân hàng TMCP Thịnh Vượng và Phát triển (PGBank).

Ngoài ra, còn có 7 ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm lãi gửi trực tuyến và lãi suất một số chương trình, với mức giảm từ 0,1% - 0,4% ở các kỳ hạn.

Trong khi đó, ở nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) áp dụng lãi suất huy động kỳ hạn 36 tháng ở mức 4,7%/năm (giảm 0,1%). Đây cũng là mức lãi suất áp dụng chung cho các kỳ hạn từ 24 đến 60 tháng. Và theo biểu lãi suất ngân hàng ngày 5/3, một ngân hàng thương mại nhà nước khác là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng giảm 0,2 điểm phần trăm các kỳ hạn tiền gửi trực tuyến từ 6 - 9 tháng, xuống còn 3%/năm; giảm 0,2 điểm phần trăm kỳ hạn 24 tháng, xuống còn 4,8%/năm. 

Đây là động thái tích cực của hệ thống ngân hàng nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về ổn định lãi suất tiền gửi, đồng thời đẩy mạnh giảm lãi suất cho vay, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trở lên. 

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Ana nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng ngành Y tế huyện Krông Ana đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân, nhất là đối với tuyến y tế cơ sở.