Multimedia Đọc Báo in

Nông dân Krông Ana hướng tới sản xuất cà phê hữu cơ

08:35, 08/01/2024

Thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ, huyện Krông Ana tập trung đầu tư sản xuất cà phê và cây ăn quả chất lượng cao.

Ông Phạm Ngọc Hùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Ana cho biết: Sản xuất cà phê hữu cơ trước mắt tập trung làm tốt việc tái canh, cải tạo nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trên diện tích cà phê hiện có. Bình quân mỗi năm trên địa bàn huyện thực hiện trồng tái canh, ghép cải tạo 290 ha cà phê kém chất lượng.

Bên cạnh định hướng của cơ quan chức năng, nông dân trồng cà phê tại huyện Krông Ana cũng chủ động thích ứng và có những giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng cà phê. Gia đình ông Trịnh Xuân Hà (xã Bình Hòa) là một trong những hộ thực hiện hiệu quả mô hình cà phê hữu cơ.

Ông cho hay, gia đình có 2.500 cây cà phê trồng từ năm 1994 trên diện tích hơn 2 ha, đến năm 2019 thì cây trong vườn bước vào giai đoạn già cỗi, cho ít cành, năng suất giảm dần. Với kiến thức tích lũy từ thực tế sản xuất và nắm bắt qua các lớp tập huấn kỹ thuật tái canh cà phê do Hội Nông dân xã tổ chức, ông Hà quyết định thực hiện tái canh bằng cách ghép cải tạo bằng chồi giống TR4 cho vườn cà phê, kết hợp chuyển hướng sản xuất cà phê hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ông sử dụng các loại phân có nguồn gốc hữu cơ thay thế cho phân bón hóa học kết hợp trồng xen tiêu vừa tạo bóng mát, vừa tăng thêm thu nhập. Sau bốn năm kiên trì đi theo hướng sản xuất hữu cơ, lớp đất vườn trở nên tơi xốp hơn, những cây cà phê được hồi sinh xanh tốt, tỷ lệ rụng trái ít hơn hẳn so với trước.

Mô hình cà phê hữu cơ giúp gia đình ông tiết kiệm từ 25 – 30% chi phí về nhân công diệt cỏ, thuốc trừ cỏ; giảm 40% chi phí phân bón, vận hành tưới; tăng năng suất lên ổn định từ 3 - 3,5 tấn/ha/năm.

Đầu ra cho sản phẩm cũng ổn định vì đã được Công ty TNHH Ê đê Café (buôn K’la, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana) thu mua hết với giá cao hơn giá thị trường 30%. Niên vụ cà phê vừa qua, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi gần 250 triệu đồng.

Ông Trịnh Xuân Hà thu hái chọn lọc cà phê hữu cơ.

Để nâng cao giá trị cho sản phẩm cà phê và góp phần bảo vệ môi trường, nhiều hộ dân, hợp tác xã tại huyện Krông Ana đã tìm tòi, nghiên cứu tạo ra các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc tự nhiên. Ông Lữ Văn Kỳ, Tổ trưởng Tổ hợp tác nông nghiệp hữu cơ Bình Hòa cho biết, để đáp ứng yêu cầu về sản phẩm cà phê sạch cho khách hàng, các thành viên của tổ hợp tác tuân thủ canh tác theo hướng không sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học trên diện tích 7,3 ha tại xã Bình Hòa. Đồng thời, tự nghiên cứu làm phân bón từ nguyên liệu có sẵn như: cá, trứng, các loại ốc để cung cấp dinh dưỡng cho cây, dần thay thế cho phân bón hóa học. Kết hợp với việc thu hái chọn lọc quả chín trên cây nên giá bán cà phê thành phẩm của tổ hợp tác dao động trong khoảng 170 - 180 nghìn đồng/kg, cao gấp đôi giá cà phê thị trường cùng thời điểm.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Ana thông tin, toàn huyện hiện có hơn 9.900 ha cà phê kinh doanh, trong đó hơn 50 ha cà phê canh tác theo hướng hữu cơ được Công ty TNHH Ê đê Café bao tiêu sản phẩm. Đây là công ty chuyên cung cấp các sản phẩm cà phê rang xay cho các tỉnh thành lớn trong nước như Đà Nẵng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... và xuất khẩu cà phê nhân xô hữu cơ sang các nước châu Âu như Đức, Canada. Hiện thị trường có nhu cầu cao về sản phẩm hữu cơ, phương thức sản xuất cà phê bền vững đang được nhiều người trồng cà phê quan tâm. Do vậy, địa phương tiếp tục khuyến khích người dân, doanh nghiệp, các tổ hợp tác tập trung sản xuất cà phê hữu cơ, nâng cao giá trị sản phẩm truyền thống của địa phương.

Giang Nga


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.