Multimedia Đọc Báo in

“Thư viện cô Nguyệt” mang niềm vui đến cho học sinh vùng sâu

08:23, 16/06/2022

Mấy năm nay, căn nhà nhỏ của một cô giáo tại xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp đã trở thành “thư viện”, mang lại niềm vui với sách cho học sinh địa bàn vùng sâu, vùng xa còn nhiều thiệt thòi.

Năm 2004, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Quy Nhơn, cô Lê Thị Bích Nguyệt về công tác tại Trường THCS Lý Tự Trọng, xã Ia Jlơi.

Các học sinh ở đây đa phần là con em đồng bào dân tộc thiểu số, dân di cư tự do thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; bố mẹ các em quanh năm suốt tháng ở trên nương rẫy, lo đủ cái ăn cho cả gia đình đã là khó khăn lắm, nói gì đến việc mua sách vở cho con.

Cô Nguyệt hiểu được những thiệt thòi trong hành trình đi tìm cái chữ của học sinh nơi đây nên ngoài công việc chính ở trường là giáo viên dạy môn Sinh học, buổi tối cô tranh thủ dạy miễn phí các em môn Toán, tiếng Anh.

Trước khi nghỉ hè, cô giáo Lê Thị Bích Nguyệt dọn dẹp sách vở trên kệ để chuẩn bị phục vụ các em học sinh đến đọc.

Cô Nguyệt nhận thấy, học sinh ở đây tuy điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng rất ham học. Tuy nhiên điều các em thiếu thốn nhất là sách. “Đây là điều tôi rất trăn trở. Tại sao mình không làm gì đó để các em có sách đọc?”, cô Nguyệt tâm sự. Từ suy nghĩ đó, năm 2020, cô quyết định mở “thư viện” tại nhà phục vụ các em. Không gian đọc sách là khu vực xưởng mộc của gia đình chưa sử dụng, được dọn dẹp sạch sẽ, đủ ánh sáng, quạt điện. “Thư viện” nhỏ này cũng được kê thêm những bộ bàn ghế bằng gỗ, tre cho các em nhỏ ngồi đọc sách. Nguồn sách ban đầu của “thư viện” một phần là của cô Nguyệt tích góp mua được trong nhiều năm dạy học, số còn lại được cô kết nối với Đội Công tác xã hội huyện Ea Súp để huy động quyên góp từ các tổ chức, cá nhân. Nhiều người biết đến thư viện nhân ái này đã chung tay ủng hộ các loại sách. Cứ thế, các kệ sách ngày một đầy thêm.

 

“Học sinh ở đây còn nhiều thiệt thòi, nhưng "thư viện" vẫn còn ít sách. Tôi mong mọi người hãy chung tay góp sách để những tủ sách ở đây ngày càng đầy thêm, giúp các em nhỏ vùng sâu có thêm niềm vui với sách”.

cô giáo Lê Thị Bích Nguyệt

Hiện, “thư viện” có chừng hơn 1.000 đầu sách gồm các thể loại như: Truyện cổ tích, truyện ngắn, thơ, sách khoa học thường thức, sách giáo dục đạo đức và rèn luyện kỹ năng sống. "Thư viện" cũng có sách nghiên cứu ứng dụng khoa học dành cho người lớn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Bởi vậy, không chỉ có các em nhỏ mà một số bà con trong vùng cũng đến mượn sách đọc để tìm hiểu cách làm kinh tế. Những khi rảnh rỗi, cô Nguyệt tranh thủ chuẩn bị nước để phục vụ độc giả và giải đáp cho các em nhỏ những kiến thức chưa hiểu.

Thời gian đầu, “thư viện” miễn phí của cô Nguyệt chỉ có một vài em đến đọc. Sau một thời gian, các em quen dần và rủ nhau đến nơi này càng đông. “Thư viện” nằm cạnh Trường THCS Lý Tự Trọng nên hầu như ngày nào cũng có nhiều độc giả, mỗi khi trống tiết, học sinh tranh thủ xuống lấy sách đọc. Tại đây, các em được thoải mái lựa chọn những cuốn sách mình thích. Với cậu học trò Nguyễn Văn Tuấn (học sinh lớp 7A, Trường THCS Lý Tự Trọng), em thích đọc truyện tranh nên thường xuyên đến “thư viện” mượn sách về nhà đọc; tuy nhiên em vẫn thích đọc tại chỗ hơn vì được chơi cùng các bạn và nghe cô giáo giải đáp những điều chưa hiểu.

Nhiều học sinh say sưa đọc sách tại "Thư viện cô Nguyệt".

Đang là thời gian nghỉ hè nhưng “thư viện” cũng không ngớt học sinh đến đọc sách. Điều này không những giúp các em nhỏ có thêm kiến thức mà còn hạn chế việc các em xem ti vi, điện thoại và tránh những trò chơi không an toàn. Quan trọng hơn, “thư viện cô Nguyệt” không chỉ tạo niềm đam mê với sách mà còn lan tỏa tinh thần sẻ chia cho các em nhỏ. Cô vận động học sinh trao đổi sách, bởi vậy, căn nhà cô trở thành điểm trung chuyển sách giữa các em. Bên cạnh đó, các em cuối cấp trước khi ra trường tự nguyện tặng lại sách cho các em lớp sau.

Đầu năm học vừa qua, cô Nguyệt tình nguyện vào dạy học ở một trường học thuộc xã biên giới Ia R'vê, huyện Ea Súp. Một phần sách tại nhà được cô chuyển cho thư viện Trường THCS Lý Tự Trọng mượn, số còn lại vẫn để lại nhằm phục vụ các em học sinh. Cô Lê Thị Bích Nguyệt chia sẻ, mỗi khi nhìn các em say sưa đọc sách, cô lại thấy vui. Điều cô mong muốn là truyền cho các em nhỏ nơi đây năng lượng tích cực và có thêm cơ hội tiếp cận với những người thầy là sách để khám phá bầu trời tri thức rộng lớn.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.