Multimedia Đọc Báo in

Chấm dứt tình trạng 30 điểm vẫn không đỗ đại học

08:25, 27/06/2022

Ngày 10/6, Bộ GD-ĐT đã chính thức ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022 (Quy chế 2022).

Theo Quy chế 2022, điểm đáng chú ý nhất là bắt đầu từ năm 2023 điểm ưu tiên sẽ có sự thay đổi lớn. Những thí sinh đạt từ 22,5 điểm trở xuống, điểm ưu tiên sẽ giữ nguyên. Còn từ 22,5 điểm trở lên/tổ hợp 3 môn sẽ giảm tuyến tính. Điểm ưu tiên (gồm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng) = [(30 – Tổng điểm đạt được)/7,5] x Mức điểm ưu tiên (khu vực và đối tượng).

Thí sinh trao đổi về bài thi sau khi kết thúc môn Toán tại điểm thi Trường THPT Chuyên Nguyễn Du. Ảnh: Lan Quỳnh
Thí sinh trao đổi về bài thi sau khi kết thúc môn Toán Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại điểm thi Trường THPT Chuyên Nguyễn Du - Ảnh minh họa.  Ảnh: Lan Quỳnh

Đối với phụ huynh, công thức này có vẻ hơi rối và có gì đó lấn cấn bởi cùng một trường, cùng khu vực, cùng đối tượng nhưng điểm ưu tiên lại cao thấp khác nhau. Nhưng công thức này sẽ giải quyết tình trạng các học sinh cư trú ở địa bàn thành phố thi đạt 30/30 điểm của 3 môn nhưng vẫn trượt đại học vì không được cộng điểm ưu tiên.

Hiện tượng “dở khóc dở cười” này đã xảy ra một vài năm gần đây khi điểm chuẩn một số ngành trên 30 điểm/3 môn và nhiều người gọi đó là hiện tượng “bất bình đẳng ngược”, khi mà một chính sách sinh ra với mục tiêu giảm thiểu bất bình đẳng, ưu tiên cho những học sinh ở vùng khó khăn lại tạo ra một kiểu bất bình đẳng mới: học sinh ở thành phố thiệt thòi hơn học sinh vùng cao!

Hiện nay, thí sinh khi thi tuyển/xét tuyển vào đại học sẽ có 2 loại điểm ưu tiên gồm ưu tiên đối tượng và ưu tiên khu vực. Đối tượng ưu tiên là những đối tượng thuộc nhóm ưu tiên sẽ được cộng điểm khi xét tuyển vào đại học được Bộ GD-ĐT quy định cụ thể trong quy chế tuyển sinh. Theo đó, nhóm ưu tiên 1 sẽ được cộng mức cao nhất là 2 điểm, nhóm ưu tiên 2 sẽ được cộng 1 điểm. Điểm ưu tiên khu vực được tính theo 3 mức: Khu vực 1, Khu vực 2 nông thôn và Khu vực 2. Cụ thể: Khu vực 1 được cộng 0,75 điểm; Khu vực 2 nông thôn được cộng 0,5 điểm; Khu vực 2 được cộng 0,25 điểm.

Từ năm 2022 trở về trước, nếu một thí sinh thuộc đối tượng ưu tiên 1 và khu vực ưu tiên 1 thì điểm ưu tiên tối đa sẽ là 2,75 điểm. Nhưng cũng thí sinh đó, từ năm 2023 trở đi, điểm ưu tiên sẽ thay đổi căn cứ vào điểm thi của thí sinh đạt trên hay dưới mốc 22,5 điểm. Theo công thức của Bộ GD-ĐT, nếu thí sinh nói trên thi đạt 22,5 điểm thì điểm ưu tiên vẫn là 2,75 nhưng nếu điểm thi là 23 điểm, điểm ưu tiên sẽ được tính: [(30 – 23)/7,5] x 2,75 = 2,56. Nếu thí sinh này đạt 29 điểm thì điểm ưu tiên sẽ chỉ còn 0,36. Trong trường hợp thí sinh này đạt 30 điểm thì mức điểm ưu tiên sẽ bằng 0.

Những năm gần đây, có hiện tượng điểm trúng tuyển đại học lên tới trên 30 điểm/3 môn. Điều này có nghĩa là thí sinh ở thành phố không được cộng điểm ưu tiên, dù có làm một bài thi hoàn hảo, đạt 30/30 điểm vẫn trượt đại học. Đây rõ ràng là một điểm bất cập và bất bình đẳng cho các thí sinh ở thành phố bởi các em không hề có lỗi khi sinh sống và học tập ở nơi có điều kiện tốt hơn những bạn đồng trang lứa ở những vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tuy nhiên, nếu không có chính sách cộng điểm ưu tiên cho học sinh vùng khó khăn thì cũng không ổn bởi rõ ràng điều kiện tiếp cận với các hoạt động giáo dục ở các khu vực khác nhau có sự chênh lệch rõ rệt.

Vì vậy, chính sách cộng điểm ưu tiên cho những thí sinh thuộc diện ưu tiên nhưng vẫn đảm bảo hài hòa tối đa lợi ích của các thí sinh khác là nhân văn, và cần thiết. Công thức tính điểm ưu tiên mới của Bộ GD-ĐT sẽ giúp đảm bảo hài hòa lợi ích của mọi thí sinh, xóa bỏ tình trạng vô lý là đạt điểm tuyệt đối vẫn trượt đại học.

Bình An


Ý kiến bạn đọc