Hậu cần trong Chiến dịch Điện Biên Phủ: Kỳ tích sức người và lòng dân
Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 là sự kiện “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của quân và dân ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Có một "mặt trận" thầm lặng nhưng mang ý nghĩa sinh tử, là "mạch máu" không ngừng chảy để nuôi dưỡng sức chiến đấu và đưa chiến dịch đến thắng lợi cuối cùng, đó chính là công tác bảo đảm hậu cần - một kỳ tích của sức người và lòng dân trong hoàn cảnh thiếu thốn, gian nguy trăm bề.
Thay đổi phương châm tác chiến
Thời điểm ấy, địa hình Điện Biên Phủ là một thung lũng lòng chảo, nằm lọt thỏm giữa núi rừng Tây Bắc hiểm trở. Từ các căn cứ hậu phương lớn của ta đến được mặt trận là cả một hành trình dài từ 400 – 500 km, xuyên qua những dãy núi cao, vực sâu, suối thẳm, trong khi đó đường sá vô cùng cheo leo, hiểm trở.
![]() |
Đoàn xe đạp thồ ngày đêm vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược lên mặt trận Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN |
Thử thách Điện Biên Phủ như nhân lên gấp nhiều lần khi Bộ Chính trị quyết định thay đổi phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” để bảo đảm chắc thắng. Phương châm này đặt ra một bài toán đặc biệt khó cho công tác hậu cần đối với một quân đội còn non trẻ, gần như chỉ dựa vào sức người với các phương tiện thô sơ, thiếu thốn, nghèo nàn. Thay đổi phương châm, nhu cầu hậu cần cũng tăng lên gấp nhiều lần với hàng chục nghìn tấn vật chất các loại để bảo đảm cho hàng chục nghìn người tham gia chiến dịch.
"Nhân dân ta đã lập được một kỳ công hoàn toàn ngoài sự ước lượng của địch. Chúng ta đã bảo đảm việc cung cấp tiếp tế cho một lực lượng bộ đội lớn, tác chiến trên một mặt trận rất xa hậu phương, trong một thời gian dài, một việc mà quân địch cho là chúng ta không thể nào làm được”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết trong cuốn “Điện Biên Phủ 50 năm nhìn lại” - Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. |
Trong khi đó, lực lượng địch ở Điện Biên Phủ được bố trí thành tập đoàn gồm 49 cứ điểm rất mạnh với 3 phân khu yểm hộ lẫn nhau, được địch ví là pháo đài “bất khả xâm phạm”. Mỗi cứ điểm đều có khả năng phòng ngự, nhiều cứ điểm được tổ chức lại thành trung tâm đề kháng phức tạp nhưng kiên cố khi có lực lượng cơ động, có hỏa lực, xung quanh có hào giao thông, hàng rào thép gai và có khả năng độc lập phòng ngự rất mạnh.
Công tác hậu cần là mặt trận của toàn dân
Đối mặt với những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua, ta đã biến công tác hậu cần trở thành một "mặt trận" thực sự, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân cùng tham gia. Hậu cần được tổ chức thành hai tuyến, gồm hậu phương và chiến dịch.
Tuyến hậu phương giao dân công vận chuyển phương tiện, vũ khí, đạn được và lương thực, thực phẩm cho tuyến chiến dịch ở Ba Khe (Nghĩa Lộ) trên đường 13 hướng từ Việt Bắc sang và ở suối Rút, bãi Sang trên đường 41.
Tuyến hậu cần chiến dịch trải dài 350 km, được tổ chức thành các binh trạm để bảo đảm cho bộ đội vừa hành quân vừa chuyển vật chất lên tuyến trước.
Để giải bài toán khoảng cách và địa hình, gần 21.000 "ngựa sắt" - xe đạp thồ đã được huy động từ các địa phương phục vụ chiến dịch.
Với sự thông minh và sáng tạo, lực lượng dân công hỏa tuyến đã cải tiến xe đạp thành những "chiến mã" có khả năng tải từ 200 – 300 kg hàng hóa chỉ với sức người.
Nhờ xe đạp thồ, việc vận chuyển trên những con đường nhỏ, đường mòn, đường khó đi đã trở nên hiệu quả hơn rất nhiều so với xe cơ giới vốn chỉ đi được đường lớn và dễ bị địch phát hiện. Hình ảnh đoàn xe đạp thồ nối đuôi nhau, lặng lẽ vượt đèo, băng suối trong đêm đã trở thành hình ảnh lay động nhất về công tác hậu cần chiến dịch.
![]() |
oàn xe cơ giới trên đường vào chiến dịch. Ảnh: TTXVN |
Cùng với xe đạp thồ và sức người gánh bộ, công tác mở đường, sửa đường cũng là một kỳ tích. Để bảo vệ các tuyến vận tải, bộ đội công binh cùng hàng vạn dân công đã bám trụ đêm ngày tại các trục đường để giao thông được thông suốt; việc vận chuyển lương thực được tiếp tục, góp phần đưa hàng hóa đến gần chiến trường nhanh nhất có thể.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngành hậu cần đã huy động hơn 87.000 người tham gia, trong đó có 53.830 người tham gia chiến đấu, 8.458 người tham gia cứu chữa thương bệnh binh. Khối lượng vật chất bảo đảm lên tới 20.000 tấn, trong đó có tới 1.200 tấn đạn, 1.733 tấn xăng dầu, 14.500 tấn gạo, 268 tấn muối, 577 tấn thịt, 1.034 tấn thực phẩm và 177 tấn vật chất khác. |
Nhằm bảo đảm sức khỏe cho bộ đội chiến đấu liên tục, dài ngày, có rất nhiều biện pháp, sáng kiến đã được ngành hậu cần vận dụng. Đơn cử như, hậu cần Đại đoàn 316 đưa nhiều đàn bò từ Thanh Hóa lên Điện Biên Phủ, vượt qua quãng đường dài 500 – 600 km; hậu cần Đại đoàn công pháo 351 đưa hàng chục tấn thịt ướp muối; hậu cần Đại đoàn 312 tổ chức hơn 100 chiếc xe thồ chuyên vận chuyển thực phẩm từ Phú Thọ lên mặt trận; Đại đoàn 308 vận động các đơn vị khai thác tại chỗ thực phẩm rừng như củ mài, rau rừng, cá suối… Tham gia cùng bộ đội, nhân dân Tây Bắc cũng đã huy động 7.311 tấn gạo, 389 tấn thịt, hàng trăm tấn rau xanh, hành chục nghìn lượt dân công cùng ra chiến dịch.
Công tác hậu cần hiệu quả đã trực tiếp quyết định cục diện và kết quả của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Hậu cần tốt không chỉ bảo đảm bộ đội ta có đủ lương thực, thực phẩm, đạn dược để duy trì sức chiến đấu trong suốt thời gian dài mà còn cho phép ta triển khai thành công phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Tuyến tiếp tế của ta bằng sức người với phương tiện thô sơ dù cùng cực gian khổ, hy sinh, vẫn luôn giữ vững tinh thần kiên cường, sắt đá.
Song Quỳnh
Ý kiến bạn đọc