Cơn ác mộng từ bầu trời
Gần 60 năm trước, khi tôi bắt đầu cắp sách đến trường cũng là lúc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ lan rộng ra miền Bắc.
Miền Bắc ngày ấy bắt đầu từ huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) nằm bên bờ Bắc sông Bến Hải – nơi có giới tuyến quân sự tạm thời, được Nhà nước quyết định đổi thành đặc khu. Huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) quê tôi giáp với đặc khu Vĩnh Linh. Vĩnh Linh được coi là tiền tiêu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, và Quảng Bình là hậu phương trực tiếp của Vĩnh Linh. Do đó Mỹ ngụy ra sức đánh phá Quảng Bình, Vĩnh Linh để cắt đường tiếp tế của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam. Quảng Bình, Vĩnh Linh ngày ấy được mệnh danh là vùng “đất lửa”.
![]() |
Trẻ em đội mũ rơm ẩn nấp dưới giao thông hào tránh bom Mỹ. (Ảnh tư liệu) |
Ngày ấy, ngoài máy bay ném bom, địch còn dùng pháo từ Hạm đội 7 từ ngoài biển bắn vào. Làng quê tôi luôn ầm ào tiếng gầm rú của máy bay, tiếng bom, tiếng pháo địch. Người dân đã có kinh nghiệm: mỗi khi máy bay địch ném bom, chúng thường bổ nhào hạ độ cao sau đó mới cắt bom đánh vào mục tiêu. Nên khi tiếng máy bay nghe còn nhỏ thì nó còn ở xa hoặc đang bay cao do thám. Chỉ lúc nào nghe rú rẹt mới là lúc chúng đang đến gần và có thể cắt bom. Lực lượng dân quân canh gác đánh kẻng báo động cho người dân và học sinh xuống hầm khi có máy bay tới. Bọn trẻ chúng tôi phải học trong những lớp học nửa nhà nửa hầm ngay tại thôn. Khi có kẻng báo động máy bay, cô giáo hô chúng tôi chạy vào hai chiếc hầm chữ A ở hai bên hông lớp học. Học xong là đi ngay về nhà, ở nhà cũng có hầm chữ A. Ăn cơm cũng dọn mâm ngay gần cửa hầm để kịp vào hầm khi có kẻng báo máy bay. Ban ngày, trẻ con đi học về chỉ ở nhà không được đi đâu xa để kịp vào hầm tránh máy bay. Còn ban đêm, chập tối ăn xong là vào hầm chong đèn học bài rồi ngủ luôn trong hầm…
Cũng có những lúc hiếm hoi chúng tôi được tự do không phải vào hầm, đó là những ngày “ngừng bắn” nhân các dịp Tết Nguyên đán, Quốc khánh 2/9, sinh nhật Bác Hồ… (có lẽ do hai bên ta và địch có thỏa thuận). Những ngày này, ban đêm bọn trẻ chúng tôi rủ nhau đốt đuốc kéo đoàn đi quanh làng, rồi chạy ra con đường giữa cánh đồng hò hét cho thỏa thích, mặc người lớn can ngăn. Tôi nhớ lần đó là tối Mùng 3 Tết, vẫn chưa hết hạn ngừng bắn, lúc chúng tôi đang hò nhau cầm đuốc chạy ra cánh đồng thì có tiếng máy bay rẹt tới rất thấp. Chúng tôi hoảng hốt vứt hết đuốc chạy về nhà, còn trong làng người lớn kêu khóc chạy ra đồng tìm con. May là sau đó máy bay không quành trở lại, hú vía! Từ đó trở đi người lớn cấm chúng tôi không được đốt đuốc chơi đêm trong các dịp ngừng bắn nữa…
Sau này đọc sách báo, tôi biết có nhiều nơi chiến tranh còn ác liệt gấp nhiều lần quê tôi mà ở đó người dân phải sống trong lòng đất – địa đạo, không được thấy ánh nắng mặt trời. Kể từ sau ngày 30/4/1975 “Mỹ cút ngụy nhào”, đâu đâu cũng vang câu hát “trời của ta, đất của ta”. Tuy nhiên với tôi những năm tháng “ăn hầm ngủ hầm” vẫn in hằn trong ký ức. Thậm chí hình ảnh máy bay Mỹ còn hiện về trong những giấc mơ. Nhiều lần tôi hoảng sợ giật mình tỉnh giấc, toát cả mồ hôi vì mơ thấy những hình ảnh dị thường là hàng đàn máy bay Mỹ gầm rú, bay lượn quanh làng, neo trên lùm tre, mái nhà tìm người để bắt, để giết!
Chiến tranh khốc liệt đã lùi xa nửa thế kỷ. Tôi thấy mình may mắn không chỉ vì đã sống sót qua đạn bom mà quan trọng hơn, những năm tháng tuổi thơ dữ dội ấy đã giúp tôi hiểu được thế nào là khát vọng bầu trời, là giá trị của tự do.
Thế Nhân
Ý kiến bạn đọc