Phát huy vai trò, vị thế của Mặt trận trong tình hình mới
Trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng, đối mặt nhiều thách thức, đặc biệt là khi cả nước nói chung và Đắk Lắk nói riêng thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, vai trò của MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên trong việc gắn kết lòng dân càng được khẳng định. Sự đồng thuận, tin tưởng của nhân dân là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của tỉnh trong tình hình mới.
Gắn kết lòng dân
Là tổ chức liên minh chính trị - xã hội rộng lớn, trong thời gian qua, MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh là mối dây liên hệ, gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Nhân dân luôn tin tưởng và ủng hộ chủ trương đoàn kết của Mặt trận; Mặt trận tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, ngày càng thể hiện rõ nét vai trò của tổ chức đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Chính sự gắn bó, đoàn kết và thấu hiểu đó, hoạt động của MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều thành tích nổi bật.
Công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương được triển khai sâu rộng, tạo nên sự đồng thuận cao trong toàn xã hội. Đặc biệt, các hình thức tập hợp, vận động nhân dân đã được chủ động đổi mới, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để tiếp cận rộng rãi hơn các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới trẻ. Việc thực hiện hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” đã phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, tạo tiền đề vững chắc để người dân tham gia vào quá trình xây dựng và phát triển địa phương.
Các hoạt động kêu gọi, khơi dậy những tấm lòng nhân ái, những nghĩa cử cao đẹp cùng chung tay giúp đỡ người nghèo được lan tỏa trong xã hội. Nổi bật là thực hiện chương trình “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình có công, toàn tỉnh đã xây dựng và sửa chữa hơn 7.600 nhà (trong đó xây dựng mới hơn 5.730 nhà, sửa chữa gần 1.890 nhà) với tổng kinh phí hơn 418 tỷ đồng. Từ các nguồn vận động và tiếp nhận, nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, MTTQ các cấp đã trao gần 165.000 suất quà tặng hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh với tổng giá trị hơn 68 tỷ đồng, bảo đảm mọi nhà đều đón Tết ấm áp. Đây là minh chứng sinh động cho tinh thần đoàn kết, sự sẻ chia, trách nhiệm và quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong chăm lo đời sống nhân dân, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
![]() |
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng (thứ ba từ bên trái sang) trao đổi với các đại biểu dự Hội nghị tiếp xúc với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vùng Tây Nguyên năm 2025. Ảnh: Đăng Triều |
Dưới sự tập hợp, tuyên truyền, vận động của MTTQ các cấp trong tỉnh, sức mạnh của khối đại đoàn kết cũng được thể hiện rõ nét, nhất là sự hưởng ứng tích cực của nhân dân trong thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ và địa phương phát động. Các mô hình "Dân vận khéo", "Khu dân cư kiểu mẫu", "Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" tiếp tục được nhân rộng, không chỉ cải thiện đời sống vật chất mà còn thắt chặt tình làng nghĩa xóm, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.
Công tác dân tộc và các chính sách dân tộc được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số được chú trọng thực hiện. Ước tính, đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm còn khoảng 2,73% và tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn khoảng 9,77%.
MTTQ các cấp tiếp tục bám sát địa bàn, hướng mạnh về cơ sở, thực hiện gần dân, sát dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân, làm cầu nối vững chắc trong mối quan hệ máu thịt “Đảng vì dân, dân tin Đảng”... |
Công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam tỉnh ngày càng được triển khai hiệu quả, rõ rệt hơn, góp phần nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm của bộ máy nhà nước. Mặt trận cũng chú trọng tăng cường đối thoại, lắng nghe trực tiếp từ cơ sở, từ các nhóm dân cư đặc thù như đồng bào dân tộc thiểu số, người có đạo, thanh niên, phụ nữ..., qua đó nắm bắt sát sao hơn những tâm tư, nguyện vọng và cả những khó khăn, vướng mắc của từng cộng đồng.
MTTQ Việt Nam tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến công tác đối ngoại nhân dân và vận động kiều bào. Hiện có hơn 21.000 kiều bào ta đang định cư, học tập, công tác và làm ăn, sinh sống ở gần 30 vùng lãnh thổ, quốc gia trên toàn thế giới. Họ luôn nêu cao tinh thần tự trọng, tự hào dân tộc, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, xây dựng cuộc sống, giữ mối quan hệ gắn bó với gia đình, người thân, và đóng góp thiết thực, hướng về xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Khẳng định vai trò trong hành trình mới
Cùng chung quyết tâm triển khai thực hiện tinh gọn bộ máy tổ chức và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, ngay sau khi đi vào hoạt động theo mô hình tổ chức mới, MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên sẽ bám sát chức năng nhiệm vụ để triển khai đồng bộ các hoạt động. MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt chính trị, chung sức thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng sắp xếp tổ chức bộ máy từ Trung ương đến cơ sở tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; tăng cường công tác tuyên truyền, tập hợp, vận động các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài; động viên cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân đồng thuận, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội; cổ vũ các doanh nghiệp và người dân đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Đồng thời huy động mọi nguồn lực, khơi dậy mạnh mẽ sức sáng tạo của mọi người dân, đồng lòng, chung sức thực hiện thắng lợi "4 nghị quyết trụ cột" của Bộ Chính trị (Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về “Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”; Nghị quyết số 59-NQ/TW, ngày 24/1/2025 của Bộ Chính trị về “Hội nhập quốc tế trong tình hình mới”; Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về “Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”; Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế tư nhân”).
MTTQ các cấp tiếp tục bám sát địa bàn, hướng mạnh về cơ sở, thực hiện gần dân, sát dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể, tăng cường các hình thức tuyên truyền, vận động, tập hợp quần chúng nhân dân qua không gian mạng. Làm tốt hơn nữa chức năng giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, làm cầu nối vững chắc trong mối quan hệ máu thịt “Đảng vì dân, dân tin Đảng”... Tạo được sự gắn kết cộng đồng, quy tụ và huy động được sức mạnh của nhân dân để thực hiện có hiệu quả những chủ trương, quyết sách, chiến lược của Đảng, Nhà nước, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Y Giang Gry Niê Knơng
Chủ tịch Ủy ban MTTQViệt Nam tỉnh
Ý kiến bạn đọc