Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân

23:14, 30/06/2025

Việc vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp đang tạo thế và lực mới cho phát triển của các địa phương, trong đó có tỉnh Đắk Lắk. Từ vùng biển đến vùng biên giới, các xã đã chủ động khai thác lợi thế, tiềm năng, nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân, mở rộng không gian phát triển theo hướng bền vững.

Đổi mới tư duy, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân

Tại xã Ea Súp, từ những cán bộ lão thành, già làng, đến những cán bộ, nhân dân ai cũng phấn khởi, háo hức.

Ông Nguyễn Bá Bân, Chủ tịch UBND xã Ea Súp chia sẻ, được tín nhiệm giao trọng trách Chủ tịch UBND xã Ea Súp – một đơn vị hành chính mới thành lập trên cơ sở hợp nhất từ thị trấn Ea Súp, xã Ea Lê và xã Cư M’lan – là niềm vinh dự to lớn đối với cá nhân ông, nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề trước Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn xã.

Trong bối cảnh đất nước đang triển khai sâu rộng cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp (tỉnh, xã), ông nhận thức rõ rằng đây không chỉ là sự thay đổi về mặt địa giới hành chính, mà còn là bước chuyển căn bản về phương thức tổ chức, điều hành và phục vụ người dân.

Việc xóa bỏ cấp trung gian (huyện) đòi hỏi bộ máy cấp xã phải đủ năng lực, bản lĩnh và tư duy đổi mới để thích ứng và thực thi hiệu quả nhiệm vụ trong bối cảnh mới.

Đồng chí Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng trao đổi với cấp ủy, chính quyền xã Ea Knuếc về trọng trách mới của chính quyền địa phương hai cấp. Ảnh: Đinh Nga

Sau sắp xếp, huyện Krông Bông (cũ) có 5 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: Hòa Sơn, Dang Kang, Krông Bông, Yang Mao, Cư Pui. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Cư Pui Lê Văn Long cho biết, song song với công tác tuyên truyền, xã cũng đã chỉ đạo cán bộ dự kiến công tác tại đơn vị mới tiến hành triển khai các bước để chuẩn bị vận hành chính quyền địa phương hai cấp. Đến nay bộ máy chính quyền tại xã, cũng như cơ sở vật chất đã sẵn sàng để bước vào hoạt động.

 

“Việc tinh gọn bộ máy và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền là nhằm giúp địa phương thực sự tạo ra nguồn lực, động lực mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Đội ngũ cán bộ, công chức vì vậy cần quyết tâm, chủ động, sáng tạo, nắm chắc quy trình, phối hợp kịp thời với cấp trên để vận hành hiệu quả bộ máy hành chính mới, góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, đáp ứng kỳ vọng người dân, doanh nghiệp”-  Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Hoài Trung.

Xã Tuy An Đông được thành lập trên cơ sở 3 xã cũ là An Thạch, An Ninh Đông và An Ninh Tây. Sau sắp xếp, bộ máy hành chính của xã có 74 cán bộ, công chức, đa số đều trẻ tuổi, năng động, nhiệt huyết, có trình độ từ đại học trở lên.

Nhiều cán bộ đã có kinh nghiệm công tác ở các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể cấp huyện, cấp tỉnh trước đây. Khi được giao nhiệm vụ ở bộ khung xã mới, đội ngũ cán bộ, công chức xã đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động nghiên cứu, học hỏi, tiếp cận các quy định, hướng dẫn mới gắn với các đặc thù của địa phương theo đúng phương châm sắp xếp bộ máy nhưng không để gián đoạn công việc, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của người dân, doanh nghiệp.

Bí thư Đảng ủy xã Tuy An Đông Đặng Thị Hồng Nga cho hay, mặc dù cơ sở vật chất còn một số khó khăn khi số lượng cán bộ, công chức làm việc tăng lên nhưng xã đã ưu tiên bố trí bảo đảm đủ điều kiện cho Trung tâm Phục vụ hành chính công vận hành thông suốt, thuận lợi nhất ngay từ ngày 1/7. Theo đó, xã đã thực hiện kết nối, liên thông trên cơ sở dữ liệu của 3 xã cũ, tiến hành vận hành thử nhiều lần và kể cả vận hành thử trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính; khắc phục ngay khó khăn, vướng mắc phát sinh để khi số lượng hồ sơ, thủ tục tăng lên thì đội ngũ cán bộ, công chức vẫn bảo đảm giải quyết đúng hẹn cho người dân, doanh nghiệp.

Kết nối nguồn lực, khai thác dư địa mới

Xã Krông Pắc được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thị trấn Phước An, xã Ea Yông, xã Hòa An và xã Hòa Tiến (thuộc huyện Krông Pắc cũ), với tổng diện tích tự nhiên 112,52 km²; quy mô dân số 68.682 người. Với vị trí nằm dọc Quốc lộ 26, xã   có thế mạnh về nông sản, cà phê và sầu riêng, gắn với giá trị lịch sử Di tích Đồn điền CADA... Đây là một trong những lợi thế lớn của địa phương trong việc phát triển kinh tế mũi nhọn theo hướng công nghiệp – dịch vụ - nông nghiệp và vận chuyển hàng hóa.

Đặc biệt, sau hợp nhất, đây là nơi có lợi thế rõ rệt về phát triển nông nghiệp, nhất là hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái, gắn với kho chế biến và du lịch nông nghiệp. Điều này đã mở ra không gian mới cho phát triển nông nghiệp, với nhiều lợi thế cho kinh tế tập thể. Theo ông Mai Đình Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp sạch (xã Krông Pắc) quy mô hành chính xã được mở rộng về không gian sẽ tạo điều kiện để liên kết vùng tốt hơn. Có thế mạnh về phát triển cây cà phê và sầu riêng, khi địa bàn được mở rộng, Krông Pắc sẽ có nhiều dư địa để phát triển hơn trong tương lai.

Ra mắt Ban Chấp hành Đảng bộ phường Tuy Hòa nhiệm kỳ 2025-2030. Ảnh: Trang Diễm

Tại địa bàn vùng biên, xã Buôn Đôn có diện tích rộng lớn nhất cả nước với gần 1.114 km2; quần tụ 15 dân tộc anh em cùng sinh sống, tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm trên 75%. Điều kiện đặc thù ấy cùng vị trí chiến lược về an ninh, quốc phòng, Buôn Đôn là một trong 6 xã của toàn tỉnh được đổi tên trên cơ sở giữ nguyên diện tích của xã cũ. Về mặt nhân lực vận hành bộ máy mới, xã đã được bố trí 69 công chức, tăng thêm 40 biên chế so với trước đây, đa số là cán bộ từ các cơ quan, đơn vị cấp huyện cũ.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Buôn Đôn Sao Y Me khẳng định: “Chúng tôi kỳ vọng rất lớn vào mô hình xã mới. Khi được trao quyền nhiều hơn, cấp xã sẽ chủ động trong kêu gọi đầu tư, phát triển du lịch, giải quyết các vấn đề dân sinh sát với thực tiễn hơn. Cùng với nhiệm vụ đưa bộ máy mới đi vào hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ, công chức xã Buôn Đôn cũng sẽ tăng cường bám nắm cơ sở, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thắt chặt khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng địa bàn vùng biên an toàn và ngày càng giàu đẹp hơn”.

Xã Ea Na được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 3 đơn vị gồm xã Ea Na, xã Ea Bông và xã Dray Sáp (thuộc huyện Krông Ana cũ). Sau khi được hợp nhất, xã Ea Na có nhiều tiềm năng và thế mạnh. Vì vậy, xã Ea Na sẽ tập trung khai thác tối đa lợi thế về du lịch, nông nghiệp sinh thái và chuyển đổi số để đưa địa phương phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.

Ông Nguyễn Năng Lưu được phân công đảm nhận nhiệm vụ Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ea Na cho biết, Ea Na quyết tâm xây dựng địa phương trở thành điểm đến hấp dẫn về du lịch, đầu tư và đổi mới sáng tạo. Với lợi thế có thắng cảnh thác Dray Sáp thượng (thác Gia Long), thác Dray Nur đã được công nhận là di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, địa phương định hướng phát triển mạnh du lịch cộng đồng - sinh thái - nghỉ dưỡng chất lượng cao. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Ea Na chú trọng phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP đặc trưng…

Nhóm phóng viên (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khởi đầu cho Đắk Lắk vươn xa
Ngày 30/6/2025, tại Quảng trường 10/3, tỉnh Đắk Lắk (mới) long trọng tổ chức Lễ công bố các Nghị quyết, Quyết định quan trọng của Trung ương và địa phương về việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã; kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện; đồng thời thành lập tổ chức đảng, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc tại các đơn vị mới.