Chung sức, đồng lòng xây dựng tỉnh Đắk Lắk phát triển nhanh, bền vững, văn minh, bản sắc
Ngày 1/7/2025 là một dấu mốc lịch sử vô cùng quan trọng đối với cả nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Đây là thời điểm chính quyền địa phương hai cấp của tỉnh Đắk Lắk (mới) chính thức đi vào hoạt động, đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đồng thời mở ra không gian phát triển mới cho địa phương.
Nhìn lại chặng đường đã qua, Đắk Lắk tự hào đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Với sự đoàn kết, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên trước khi thực hiện hợp nhất hai tỉnh, đến nay, cơ cấu kinh tế của Đắk Lắk đã có sự chuyển dịch rõ nét, từng bước đa dạng hóa và hiện đại hóa. Nông nghiệp vẫn giữ vai trò trụ cột nhưng đã chuyển mình mạnh mẽ theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất bền vững gắn với xây dựng thương hiệu. Ngoài các sản phẩm xuất khẩu truyền thống như: cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, tôm hùm, cá ngừ đại dương, còn có thêm một số sản phẩm cây ăn trái chất lượng cao đã vươn tầm quốc gia và quốc tế.
Công nghiệp và xây dựng cũng có những bước phát triển đáng kể, với việc thu hút đầu tư vào các lĩnh vực chế biến nông sản, năng lượng tái tạo và các ngành công nghiệp phụ trợ. Các khu, cụm công nghiệp từng bước được đầu tư, hoàn thiện, góp phần tạo điều kiện cho thu hút doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh. Tỷ lệ lấp đầy tại Khu công nghiệp Hòa Phú, Hòa Hiệp 2 đạt 100%; bình quân các khu công nghiệp khác đạt khoảng 77,6%.
Hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại hóa. Các dự án trọng điểm như cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường ven biển của tỉnh, các tuyến liên kết vùng được triển khai đúng tiến độ, hình thành mạng lưới giao thông chiến lược kết nối vùng. Hệ thống cảng hàng không, cảng biển được quan tâm đầu tư. Cảng hàng không Buôn Ma Thuột và Cảng hàng không Tuy Hòa vận hành hiệu quả, sản lượng hành khách tăng qua các năm, góp phần nâng cao kết nối vùng.
![]() |
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung (thứ hai từ phải sang) cùng nhân dân chung vui trong ngày hội đại đoàn kết. Ảnh: Hồng Chuyên |
Dịch vụ và du lịch ngày càng khởi sắc, đặc biệt là du lịch biển, du lịch sinh thái, văn hóa, và du lịch cộng đồng. Các di tích lịch sử, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ cùng bản sắc văn hóa đa dạng của các dân tộc thiểu số đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, đóng góp quan trọng vào GRDP của tỉnh.
Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa, xã hội, chăm sóc sức khỏe người dân, an sinh xã hội được bảo đảm; đặc biệt, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng lên rõ rệt; quốc phòng, an ninh được giữ vững, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Công tác cải cách hành chính được chú trọng; hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp được nâng lên và tạo thay đổi rõ rệt. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên không ngừng được nâng lên; trình độ lý luận chính trị, tư tưởng, đạo đức cũng như phương thức lãnh đạo của cấp ủy ngày càng được nâng cao, đổi mới. Công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế tiếp tục có những khởi sắc, hoạt động hội nhập quốc tế ngày càng được mở rộng trên nhiều lĩnh vực…
Thực hiện nghị quyết của Trung ương, sau khi hợp nhất, tỉnh Đắk Lắk có diện tích hơn 18.000 km², dân số trên 3,3 triệu người, 102 đơn vị hành chính cấp xã (bao gồm 88 xã và 14 phường), trở thành một trong những tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước. Việc hợp nhất tỉnh và vận hành chính quyền hai cấp là một quyết sách chiến lược, tạo động lực, đột phá cho địa phương khai thác hiệu quả hơn các tiềm năng về đất đai, tài nguyên và lao động; nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút mạnh mẽ các dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao, thúc đẩy tăng trưởng. Đắk Lắk có diện tích đất nông nghiệp lớn, nổi tiếng với nhiều nông sản có giá trị xuất khẩu, đặc biệt là thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột; có lợi thế về phát triển năng lượng tái tạo, bờ biển dài gần 190 km với diện tích đầm, vịnh khoảng 18.910 ha và hơn 2.000 ha bãi triều, cửa sông…, là khu vực tiềm năng, thế mạnh để đầu tư phát triển kinh tế biển, nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là ngành nuôi tôm hùm công nghệ cao. Khi được tích hợp thành chuỗi giá trị “nông nghiệp – chế biến – logistics – xuất khẩu”, lợi thế kép từ rừng và biển sẽ không ngừng được phát huy, đồng thời tạo thêm nền tảng vững chắc để Đắk Lắk tiếp tục củng cố, khẳng định vị trí chiến lược về kinh tế, quốc phòng - an ninh.
Trong thời gian tới, khởi đầu cho một chặng đường lịch sử mới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, có trọng tâm, trọng điểm, với quyết tâm chính trị cao Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực, và tư duy đổi mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ. Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Quyết liệt thực hiện chuyển đổi số trong mọi ngành, lĩnh vực, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính; phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, góp phần nâng cao công tác quản trị xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư.
Cấp ủy, chính quyền địa phương tỉnh Đắk Lắk bám sát “bộ tứ trụ cột” mà Bộ Chính trị đã ban hành: Nghị quyết số 57-NQ/TW về thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nghị quyết số 59-NQ/TW về chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng; Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới toàn diện công tác xây dựng, thi hành pháp luật; cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch cụ thể, sát thực tiễn để tạo động lực mạnh mẽ đưa Đắk Lắk gặt hái những thành quả mới. Trong đó, quan tâm phát huy những tiềm năng, thế mạnh, tập trung chỉ đạo triển khai, tạo những bước đi đột phá với các ngành kinh tế có lợi thế và giá trị gia tăng cao gắn với ưu tiên phát triển kinh tế biển, năng lượng tái tạo (điện năng lượng mặt trời, điện gió, điện sinh khối), nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến các sản phẩm chủ lực. Đặc biệt, du lịch sẽ tiếp tục được đầu tư để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, gắn kết du lịch cảnh quan rừng - biển, di tích lịch sử - văn hóa với bản sắc truyền thống của các cộng đồng dân tộc. Huy động tối đa mọi nguồn lực đầu tư xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là kết cấu hạ tầng giao thông (đặc biệt là các tuyến cao tốc và các tuyến kết nối vào cao tốc) và hạ tầng công nghệ, nhằm phục vụ hiệu quả cho quá trình quản lý, quản trị và phát triển kinh tế - xã hội bền vững, phục vụ tốt nhất cho đời sống và nhu cầu chính đáng của nhân dân.
Với vị thế, tiềm năng sẵn có, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” về tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị và đạt mức cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2020 - 2025, gắn với tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030; góp phần tạo nền tảng vững chắc cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển mạnh mẽ, vượt bậc của dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Đình Trung
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy
Ý kiến bạn đọc