Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XV

Quy định chặt chẽ thẩm quyền điều tra viên ở Công an cấp xã

19:20, 27/05/2025

Chiều 27/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Góp ý hoàn thiện dự thảo luật, đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự nhằm thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy; đồng thời đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để rà soát Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự cũng như các luật khác có liên quan để đảm bảo tính thống nhất.

Góp ý các nội dung cụ thể, đại biểu nhất trí bổ sung các nội dung liên quan đến điều tra, truy tố, xét xử bị can, bị cáo không còn ở Việt Nam. Đây là những nội dung bổ sung cần thiết để thực hiện quy trình tố tụng. Dự thảo cũng có các quy định để đảm bảo quyền bào chữa, tự bào chữa cho người bị xét xử vắng mặt.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Các ý kiến tại phiên thảo luận cũng ủng hộ mạnh mẽ việc bổ sung các quy định cho phép cơ quan điều tra, kết luận điều tra, tuy nhiên đề nghị, truy tố và Viện KSND quyết định truy tố trong trường hợp bị can bỏ trốn hoặc ở nước ngoài mà không thể triệu tập. Đây là một giải pháp quan trọng để giải quyết tình trạng tồn đọng nhiều vụ án, đặc biệt là các vụ án tham nhũng, kinh tế phức tạp, có yếu tố bỏ trốn, thể hiện sự quyết liệt trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Đại biểu cũng lưu ý, do tính chất đặc biệt của thủ tục tố tụng vắng mặt, vốn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền bào chữa và quyền được xét xử công bằng của người bị buộc tội, nên các quy định này cần được thiết kế với sự cẩn trọng tối đa.

Để quyền bào chữa được thực thi một cách thực chất, đại biểu đề nghị dự thảo luật cần quy định việc chỉ định người bào chữa là bắt buộc trong mọi trường hợp tiến hành tố tụng vắng mặt. Người bào chữa phải được tạo điều kiện thuận lợi nhất để tiếp cận hồ sơ vụ án từ sớm, tham gia các hoạt động tố tụng cần thiết và có đủ thời gian, nguồn lực để chuẩn bị và thực hiện việc bào chữa.

Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Quan tâm đến nội dung về việc bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của điều tra viên là Trưởng Công an hoặc Phó Trưởng Công an cấp xã, đại biểu ủng hộ chủ trương tăng cường năng lực cho cấp cơ sở, cho rằng việc bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn cho điều tra viên là Trưởng, Phó Trưởng Công an cấp xã là phù hợp với định hướng này, góp phần đảm bảo tính kịp thời trong giải quyết các vụ việc.

Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả và tính pháp chế, đại biểu đề nghị cần rà soát kỹ và quy định cụ thể, chặt chẽ về thẩm quyền của lực lượng này, sao cho phù hợp với năng lực thực tế của Công an cấp xã, đồng thời đảm bảo hiệu quả thực chất trong công tác phòng, chống tội phạm.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, cơ chế kiểm soát quyền lực cần được đặc biệt chú trọng. Bộ luật Tố tụng Hình sự cần quy định cụ thể trách nhiệm kiểm tra, giám sát trực tiếp, thường xuyên của Thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh và Viện trưởng Viện Kiểm sát có thẩm quyền đối với toàn bộ hoạt động khởi tố, điều tra của công an cấp xã; phải có cơ chế chỉ đạo nghiệp vụ rõ ràng và quy định trách nhiệm liên đới của cấp trên để phòng ngừa sai phạm.

Đồng thời, việc bảo đảm nguồn lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dụng và kinh phí hoạt động cho Công an cấp xã để họ đáp ứng yêu cầu tình hình mới là điều kiện tiên quyết để họ thực hiện nhiệm vụ mới. Theo đại biểu, có thể cân nhắc triển khai theo lộ trình thận trọng, thí điểm tại một số địa bàn trước khi nhân rộng…

Cũng trong phiên làm việc chiều nay, Quốc hội xem xét, đánh giá tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Luật Tình trạng khẩn cấp; dự án Luật Đường sắt (sửa đổi).

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc