Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XV:
Phân định rõ trách nhiệm, phạm vi thanh tra với trách nhiệm kiểm tra chuyên ngành
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XV, chiều 8/5 các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện KSND; dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
Tham gia thảo luận tại Tổ 13, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều góp ý quan trọng đối với dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).
Bày tỏ sự tán thành, nhất trí về sự cần thiết phải ban hành Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Lưu Văn Đức (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) cho rằng, điều này nhằm cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, định hướng trong các kết luận của Bộ chính trị, Ban Bí thư về tiếp tục sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra theo hướng tập trung, thống nhất về một đầu mối.
![]() |
Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thị Thu Nguyệt điều hành nội dung thảo luận tại Tổ 13. Ảnh: quochoi.vn |
Đối với vấn đề về các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại khoản 6, Điều 6 của dự thảo Luật có nêu “không cung cấp thông tin, tài liệu hoặc cung cấp thông tin không kịp thời, không đầy đủ, không trung thực, thiếu chính xác, chiếm đoạt, tiêu hủy tài liệu, vật chứng có liên quan đến nội dung thanh tra”, đại biểu Lưu Văn Đức đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung thêm từ “làm sai lệch hoặc sửa đổi tài liệu, vật chứng liên quan đến nội dung thanh tra”.
Đối với nội dung về cơ quan thanh tra được quy định tại Điều 7, đại biểu tán thành với nội dung được nêu tại dự thảo luật khi khẳng định vai trò trung tâm của Thanh tra Chính phủ trong quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên phạm vi cả nước.
Đại biểu nhất trí với việc quy định các cơ quan thanh tra bao gồm: Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, Thanh tra trong lực lượng Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thanh tra cơ yếu và các cơ quan thanh tra được thành lập theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
![]() |
Quang cảnh phiên thảo luận tại tổ 13. Ảnh: quochoi.vn |
Liên quan đến nội dung công khai quyết định thanh tra, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định về thời gian đăng tải kết luận thanh tra trên cổng thông tin điện tử tại điểm b, khoản 3, Điều 37, thời gian đăng tải trên cổng thông tin điện tử nên kéo dài ít nhất 15 ngày, liên tục để đảm bảo sự công khai, minh bạch kết luận thanh tra.
Đại biểu Lưu Văn Đức cũng bày tỏ sự tán thành, thống nhất cao đối với sự cần thiết ban hành các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện KSND. Đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát nội dung dự thảo các Luật nhằm đảm bảo tính thống nhất với các luật khác hiện đang được xem xét sửa đổi, bổ sung cùng thời điểm như Bộ Luật Hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự…
Đóng góp ý kiến thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Ngô Trung Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) đánh giá cao việc dự thảo luật đã lược bỏ quy định về Thanh tra bộ; Thanh tra Tổng cục, cục thuộc bộ; cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, thanh tra sở, thanh tra huyện, tổ chức và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành…
![]() |
Đại biểu Ngô Trung Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: quochoi.vn |
Cho rằng đây là cuộc cách mạng rất lớn trong hoạt động thanh tra hòa chung vào cuộc cách mạng tinh gọn của hệ thống tổ chức bộ máy, song đại biểu Ngô Trung Thành cũng bày tỏ băn khoăn khi tinh giản hệ thống cơ quan thanh tra như vậy thì làm thế nào để đảm bảo vận hành cơ quan thanh tra và đối tượng thanh tra có thể bao quát, thực sự đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước hay không?
Đại biểu phân tích, trong dự thảo luật mới quy định thống nhất một hoạt động thanh tra, không phân biệt thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành như trong luật hiện hành. Khi không tổ chức hoạt động thanh tra của các bộ ngành thì vai trò, trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra còn lại là rất lớn.
![]() |
Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk tham dự phiên thảo luận tổ. Ảnh: quochoi.vn |
Theo đại biểu Ngô Trung Thành, đối với hoạt động thanh tra, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành thì các quy trình, thủ tục thanh tra rất chặt chẽ, hết sức bài bản, để bảo đảm cho cuộc thanh tra diễn ra khách quan, chính xác. Tuy nhiên khi chuyển các hoạt động thanh tra sang hoạt động kiểm tra thì những quy định, thể chế liên quan đến kiểm tra chuyên ngành lại đang rất “thiếu vắng”.
Đại biểu Ngô Trung Thành đề nghị Chính phủ phải sớm nghiên cứu để có thể quy định trong luật hoặc là ban hành các văn bản như nghị định quy định về hoạt động kiểm tra, bởi nếu không thì sẽ rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến hoạt động của các đối tượng thanh tra và lúc đấy thì lại dễ thành “trăm hoa đua nở”, mỗi một cơ quan, mỗi bộ, ngành lại theo một quy trình thì sẽ không bảo đảm tính thống nhất. Điều này liên quan đến cải cách của của hệ thống thanh tra và đây là vấn đề rất lớn.
Do vậy đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm làm rõ cả trong việc xây dựng, chỉnh lý dự thảo luật này để trình Quốc hội thông qua cũng như sau này xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành…
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc