Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XV:

Hoàn thiện khung pháp lý trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử

19:36, 06/05/2025

Tiếp tục Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XV, chiều 6/5 đại biểu thảo luận ở tổ về các dự án luật: Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Tham gia thảo luận tại Tổ 13, góp ý về dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk nhất trí cao với sự cần thiết của việc sửa đổi luật để hoàn thiện khung pháp lý cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển và quản lý, giám sát trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, góp phần thúc đẩy và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo vấn đề môi trường và các yêu cầu khác trong bối cảnh hiện nay.

Đối với quy định về chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử tại Điều 4 của dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt cho rằng, mặc dù dự thảo luật đã quy định khá đầy đủ; tuy nhiên nội dung còn chưa đồng bộ và phân định rõ theo từng mục tiêu, lĩnh vực cụ thể.

Việc quy định những chính sách quan trọng như: phát triển điện hạt nhân, nghiên cứu và ứng dụng năng lượng nguyên tử, quản lý an toàn bức xạ hạt nhân, quản lý chất thải phóng xạ, đào tạo… vào chung một điều luật mà không chia theo từng mục tiêu, từng nhóm thì quá trình thực hiện trên thực tế sẽ rất khó khăn khi đánh giá hiệu quả từng chính sách.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận tổ.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận tổ.

Bên cạnh đó, một số nội dung mang tính nguyên tắc, định hướng lớn như quy định tại khoản 1, khoản 9 lại sắp xếp ngang hàng với các chính sách đầu tư cụ thể như khoản 4, khoản 7 thì việc kiến trúc thiết kế của điều này cũng chưa đảm bảo tính logic. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thiết kế đảm bảo hệ thống theo các nhóm chính sách (có thể hình thành từ 3-4 nhóm chính sách chính) để từ đó có thể đánh giá cụ thể trong quá trình thực hiện.

Về quy định nguyên tắc đảm bảo an toàn, an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử tại khoản ba, Điều 5, đại biểu cho rằng, dự thảo luật đã đặt mục tiêu rất đúng đắn, đó là bảo vệ sức khỏe và các yếu tố của con người thông qua các hoạt động kiểm soát liều chiếu xạ và tối ưu hóa bảo vệ bức xạ. Tuy nhiên quy định này vẫn còn khá chung chung, chưa có định lượng cụ thể mang tính định tính.

Đại biểu cũng nêu rõ, một trong những nguyên tắc bảo vệ bức xạ theo tiêu chuẩn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế có nhấn mạnh có ba trụ cột: trụ cột thứ nhất đó là biện minh cho việc sử dụng nguồn bức xạ; thứ hai là tối ưu hóa bảo vệ bức xạ và thứ ba là tuân thủ giới hạn liều.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều này thì mới chỉ được hai yếu tố. Còn yếu tố biện minh – một yếu tố rất quan trọng để đánh giá liệu về một hoạt động sử dụng nguồn bức xạ có thực sự cần thiết hay không và mang lại lợi ích hay rủi ro cho vấn đề thực hiện thì vẫn chưa đề cập, chưa làm rõ. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thiết kế lại theo hướng làm rõ hơn ba nguyên tắc bảo vệ bức xạ theo quy định của các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 13.
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 13.

Đối với vấn đề chấm dứt hoạt động cơ sở bức xạ được quy định tại khoản 2, Điều 23, theo đại biểu, việc quy định cơ sở bức xạ phải chịu mọi chi phí tháo dỡ và chi phí lưu giữ, xử lý chất thải phóng xạ sinh ra do quá trình tháo dỡ là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên cần quy định, có những chính sách cụ thể cho quá trình hỗ trợ đối với những cái doanh nghiệp, những cơ sở, đơn vị khó khăn về tài chính. Đại biểu đề xuất bổ sung thêm một khoản trong Điều này là giao cho Chính phủ quy định chi tiết xây dựng, thành lập quỹ dự phòng để hỗ trợ các cơ sở khi thực hiện nghĩa vụ này.

Liên quan đến quy định về bồi thường thiệt hại bức xạ, thiệt hại hạt nhân tại Điều 62, Điều 63, Điều 64 của dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt cho rằng để đảm bảo tính khả thi, công bằng trong quá trình thực hiện, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, xác định rõ hơn mức độ thiệt hại và cần có những tiêu chí rõ ràng cũng như phương pháp đánh giá một cách chính xác, đặc biệt là đối với thiệt hại về sức khỏe môi trường vì những tác động này thường có tính chất lâu dài và khó có thể đo lường được.

Đối với quy định về trách nhiệm bồi thường của các tổ chức vận hành cơ sở hạt nhân, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét thêm các biện pháp bảo đảm tài chính, đặc biệt là trong trường hợp các tổ chức này không đủ khả năng chi trả mức bồi thường lớn, hoặc những thiệt hại xảy ra…

Lan Anh
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Ana nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng ngành Y tế huyện Krông Ana đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân, nhất là đối với tuyến y tế cơ sở.