Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XV:

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk kiến nghị nhiều vấn đề từ thực tiễn địa phương

20:55, 23/05/2025

Sáng 23/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Chín, khóa XV, tham gia thảo luận tại Tổ 13, các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều kiến nghị liên quan đến thực tiễn địa phương.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) điều hành nội dung phiên thảo luận; đồng thời đóng góp ý kiến về tình hình và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, những tháng đầu năm 2025.

Đánh giá cao sự điều hành quyết liệt, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ trong bối cảnh chịu nhiều tác động từ tình hình quốc tế phức tạp, tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và các lĩnh vực kinh tế tại nhiều địa phương trong cả nước.

Theo đại biểu, năm 2025 cũng là năm đất nước thực hiện nhiệm vụ rất quan trọng, đó là hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, trong đó có việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã. Dù khối lượng công việc lớn, Chính phủ vẫn giữ được sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát và duy trì mức tăng trưởng GDP cao nhất so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, đại biểu nhận định, mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên theo Nghị quyết Quốc hội và Chính phủ đề ra trong năm 2025 là rất thách thức, nhất là trong bối cảnh đang thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và chuẩn bị đại hội Đảng các cấp.

Vì vậy đề nghị Chính phủ rà soát toàn bộ các giải pháp, xác định, lựa chọn những giải pháp ưu tiên, có tính đột phá để tập trung thực hiện từ nay đến cuối năm. Đặc biệt, cần quan tâm, hỗ trợ những địa phương còn khó khăn; đồng thời tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, phối hợp tháo gỡ kịp thời những vướng mắc phát sinh.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Về công tác quy hoạch, đại biểu thông tin, hiện chúng ta đã cơ bản hoàn thiện quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và nhiều địa phương cũng đã hoàn thành quy hoạch tỉnh. Tuy nhiên, sau sáp nhập các đơn vị hành chính, các quy hoạch hiện nay sẽ không còn phù hợp, cần phải điều chỉnh. Đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo điều chỉnh kịp thời; trong đó cần xác định lại quy hoạch tổng thể các vùng kinh tế và quy hoạch địa phương, đặc biệt là quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm gắn với quốc phòng, an ninh và định hướng phát triển từng địa phương.

Đối với tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên, sau khi hợp nhất theo đề án của Chính phủ, đại biểu đề nghị có định hướng quy hoạch để Đắk Lắk trở thành trung tâm phát triển công nghiệp, nông nghiệp xanh; đầu tư, nâng cấp, mở rộng hệ thống giao thông đường bộ, đường biển, khai thác lợi thế rừng, núi, biển.

Bên cạnh đó, quan tâm đến đặc điểm vùng miền trong quy hoạch để kết nối Đắk Lắk với khu vực Trung Bộ, Nam Trung Bộ, thúc đẩy giao thương, đặc biệt là tiêu thụ nông sản chủ lực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu của Chính phủ về không gian phát triển sau sáp nhập. Bên cạnh đó, quan tâm nâng cấp Sân bay Buôn Ma Thuột nhằm tăng tần suất khai thác, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa và tạo động lực phát triển.

Liên quan đến tình trạng gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt cho rằng đây là vấn đề không mới nhưng ngày càng phức tạp, xuất hiện ở cả chợ truyền thống, sàn thương mại điện tử... Mặc dù Chính phủ, các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Y tế đã vào cuộc kịp thời, tổ chức nhiều đợt cao điểm kiểm tra, xử lý và hiện nay, Ban Chỉ đạo 389 từ trung ương đến địa phương được tổ chức đầy đủ, song tình trạng vẫn diễn biến phức tạp.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, gian lận trong phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… gây thiệt hại lớn cho người dân. Tuy nhiên, cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành còn bất cập. Ngoài ra, khi phát sinh khiếu nại, tố cáo, thẩm quyền giải quyết cũng chưa thống nhất. Trong khi đó, người dân rất khó nhận diện hàng giả, hàng kém chất lượng, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về mùa vụ, tài sản.

Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát, làm rõ trách nhiệm giữa các cơ quan, khắc phục những vướng mắc về thể chế; có những giải pháp căn cơ, dài hạn mà không chỉ dừng lại ở các đợt cao điểm trong phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng; bên cạnh đó tăng cường tuyên truyền Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho người dân để phát huy hiệu quả rõ nét, tự bảo vệ quyền lợi của mình…

Đại biểu Lưu Văn Đức (Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc của Quốc hội) thảo luận tại phiên làm việc.
Đại biểu Lưu Văn Đức (Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc của Quốc hội) thảo luận tại phiên làm việc.

Tham gia thảo luận về thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), đại biểu Lưu Văn Đức (Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc của Quốc hội) đề nghị cần tạp trung giải ngân để hoàn thành mục tiêu đề ra, nhất là các dự án, tiểu dự án, nội dung có nguồn vốn lớn và rất cấp thiết đối với đồng bào dân tộc thiểu số như chính sách đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, nhà ở, xây dựng hạ tầng, sinh kế, đào tạo nghề, việc làm…

Đại biểu cho rằng, hiện nay thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước về tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại đơn vị hành chính, do vậy có nhiều thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy so với năm đầu của giai đoạn 2021 – 2025. Do vậy đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo tổng kết thực hiện các chương trình MTQG, có các giải pháp tiếp tục thực hiện chuyển tiếp trong 6 tháng cuối năm 2025 và đầu năm 2026; chuẩn bị nội dung các chương trình MTQG giai đoạn 2026 – 2030 để việc thực hiện được liên tục, không bị gián đoạn, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến quyền lợi của các đối tượng thụ hưởng…

Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk) thảo luận tại Tổ 13.
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk) thảo luận tại Tổ 13.

Quan tâm đến công tác bình đẳng giới, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk) cho rằng, mặc dù hiện nay tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp có xu hướng tăng và đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế tại các địa phương, cho thấy việc đạt mục tiêu về tỷ lệ nữ tham gia lĩnh vực chính trị vẫn chưa thực chất, chưa đạt theo tỷ lệ quy định, dù đã có nhiều nỗ lực lãnh đạo, chỉ đạo.

Đại biểu đề nghị Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ tiếp tục quan tâm công tác này, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền địa phương hai cấp, chuẩn bị nhân sự cho bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND và Đại hội Đảng các cấp sắp tới.

Theo đó, cần đặc biệt chú trọng đến tỷ lệ nữ đại biểu, sự tham gia của cán bộ nữ trong lĩnh vực chính trị, nhằm đảm bảo phát huy vai trò và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Bên cạnh đó, cần có chính sách quan tâm, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia các hoạt động xã hội, được chia sẻ trách nhiệm trong chăm sóc gia đình; tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, thúc đẩy sự chia sẻ của nam giới trong công việc gia đình để phụ nữ có đủ thời gian, sức khỏe tham gia công tác xã hội và hoàn thành vai trò trong gia đình, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ, bình đẳng.

Liên quan đến việc chuyển giao nhiệm vụ, chức năng quản lý các trường phổ thông dân tộc nội trú (DTNT) cấp THCS, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân nêu rõ, hiện nay theo Thông tư số 04 năm 2023, các trường phổ thông DTNT cấp THCS thuộc cấp huyện quản lý. Khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, không còn cấp huyện quản lý trực tiếp sẽ phát sinh nhiều bất cập.

Tại Đắk Lắk, mỗi huyện có một trường DTNT. Sau khi sáp nhập, trường chỉ còn nằm trên địa bàn một xã, các xã khác không có. Nếu giao về cấp xã quản lý sẽ rất khó khăn trong công tác tuyển sinh, điều phối, quản lý chất lượng, đầu tư và đảm bảo quyền lợi học sinh dân tộc thiểu số.

Đại biểu thông tin, trước đây, các trường này từng thuộc sở quản lý, sau đó phân cấp về huyện. Nay cấp huyện không còn, do vậy đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét chuyển giao lại cho Sở quản lý để thuận lợi hơn trong công tác chỉ đạo, đầu tư, bảo đảm điều kiện dạy học cho đối tượng đặc thù…

Lan Anh
 


Ý kiến bạn đọc


(E-Magazine) Viết tiếp bản hùng ca nơi tuyến đầu Tổ quốc
50 năm qua (23/5/1975 - 23/5/2025), nơi mảnh đất biên cương đầy nắng gió, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đã sống, chiến đấu và trưởng thành với một niềm tin sắt đá: "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt".