Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XV:
Đảm bảo khách quan, công bằng, minh bạch khi lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội
Ngày 21/5, sau phiên làm việc tại hội trường, Quốc hội dành nhiều thời gian thảo luận tại tổ về một số dự án luật, nghị quyết được trình tại Kỳ họp lần này.
Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự họp tại Tổ 13 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Đắk Lắk, Hậu Giang, Bắc Ninh, Lào Cai.
Phát biểu tại tổ về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, lĩnh vực nhà ở xã hội là vấn đề được dư luận xã hội, người dân đặc biệt quan tâm. Chính phủ, MTTQ Việt Nam cũng đang chỉ đạo hết sức quyết liệt để hoàn thành việc xoá nhà tạm, nhà dột nát. Quốc hội cũng đã quyết dành 5% từ nguồn kinh phí tiết kiệm để các địa phương thực hiện chủ trương này.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, từ năm 2021 đến nay cả nước mới triển khai được 657 dự án nhà ở xã hội, số lượng căn hoàn thành mới đạt 15,6% mục tiêu đề ra. Để đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 Chính phủ cũng đã dành gói hỗ trợ tín dụng 120.000 tỷ đồng, tuy nhiên tiến độ giải ngân rất chậm.
![]() |
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu thảo luận tại Tổ 13. Ảnh: quochoi.vn |
Đồng tình với đề xuất về chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời giao chủ đầu tư không thông qua đấu thầu, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị cần rà soát các mục tiêu, điều kiện để đảm bảo tính khách quan, công bằng, công khai, minh bạch khi lựa chọn nhà đầu tư, tránh cơ chế xin cho. Bên cạnh đó, cần có cơ chế thanh tra, giám sát đảm bảo hiệu quả thực hiện chính sách phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Đối với thủ tục đầu tư xây dựng, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cơ bản tán thành việc cắt giảm những thủ tục không cần thiết để rút ngắn thời gian triển khai dự án nhà ở xã hội. Tuy vậy, cần làm rõ các giải pháp kiểm soát để đảm bảo chất lượng nhà ở xã hội.
Về thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần phải xác định rõ mô hình hoạt động, địa vị pháp lý, tư cách pháp nhân, chức năng, nhiệm vụ của quỹ, làm rõ mối quan hệ của quỹ với một số quỹ khác hiện đang tồn tại. Quỹ phát triển nhà ở, quỹ đầu tư phát triển của địa phương cũng có chức năng đầu tư tạo lập quỹ nhà ở xã hội tương tự như Quỹ Nhà ở quốc gia.
![]() |
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 13. |
Cùng với đó cần rà soát nguồn thu, nhiệm vụ chi của quỹ để không trùng lắp với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế tài chính phù hợp để đảm bảo đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội.
Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật MTTQ Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) khẳng định, đây là bước thể chế hóa Nghị quyết của Trung ương 7 khóa XIII, nhất là Nghị quyết số 60-NQ/TW về sắp xếp tổ chức bộ máy; đồng thời luật hóa nguyên tắc tổ chức, hoạt động và mô hình tổ chức phù hợp với chính quyền địa phương hai cấp.
Liên quan tới Điều 2 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn, đại biểu cho rằng, cụm từ “tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội” thì quản lý nhà nước đã bao trùm quản lý trên các mặt, các lĩnh vực của đời sống xã hội, do vậy cũng cần sửa lại cho phù hợp.
Đối với quy định tại khoản 5 của Điều này “Chủ tịch Liên đoàn lao động cấp tỉnh được mời tham dự kỳ họp, hội nghị, phiên họp của Thường trực HĐND, HĐND, UBND cùng cấp và cơ quan, tổ chức có liên quan khi bàn các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của đoàn viên công đoàn, người lao động, tổ chức Công đoàn và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn”, đại biểu băn khoăn, bởi ở một số luật liên quan quy định rất rõ các thành phần tham dự các cuộc họp.
Vậy khi quy định điều này thì có bất cập gì so với các luật hiện hành và giải quyết vấn đề này như thế nào về việc được tham gia mà không có được chủ quyền quyết định, lệ thuộc vào thành phần được mời của các tổ chức, đơn vị khác?...
![]() |
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận. |
Liên quan tới cao tốc ở vùng Tây Nguyên, ngoài cao tốc Quy Nhơn – Pleiku, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm, bố trí kinh phí đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc có điểm đầu ở Cảng Bãi Gốc (Phú Yên), điểm cuối ở Cửa khẩu Đắk Ruê (Đắk Lắk) để nâng tỷ lệ cao tốc của các địa phương tại vùng trũng, vùng khó khăn trên địa bàn Tây Nguyên; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về thông thương, đi lại khi sắp tới đây Đắk Lắk và Phú Yên sẽ hợp nhất theo đề án của Chính phủ.
Về chính sách đặc thù cho phép chủ đầu tư dự án và chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện đồng thời việc lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, đại biểu cho rằng, điều này sẽ giúp rút ngắn thời gian, cái thủ tục trong quá trình xúc tiến và đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên, để đảm bảo đạt tiến độ đề ra, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, phối hợp cùng địa phương thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân chịu ảnh hưởng của dự án.
Liên quan đến việc cho phép các đơn vị chủ đầu tư các tiểu công trình dự án, tiểu dự án được tận dụng gỗ rừng tự nhiên, đại biểu cho rằng, đây là cơ chế, chính sách đặc thù, tạo điều kiện để quá trình để thi công đảm bảo yêu cầu. Tuy nhiên, cần tăng cường công tác quản lý chặt chẽ trong vấn đề này để tránh xảy ra tình trạng trục lợi khi thực hiện dự án.
Viện dẫn thực tiễn từ một số khó khăn khi thực hiện dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, đại biểu đề nghị Chính phủ có những chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc về mặt thể chế như vấn đề về việc đổ thải các vật liệu thừa khi tiến hành thi công; thời gian thực hiện, hoàn thành dự án… để đảm bảo tiến độ khi triển khai.
Góp ý vào dự thảo Nghị quyết về việc thí điểm Viện KSND khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt đề nghị bổ sung thêm nhóm người bị tổn thương là: người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn để phù hợp với Nghị định 31 của Chính phủ phân định theo địa bàn vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Qua đó, tránh việc bỏ sót đối tượng thụ hưởng theo chính sách này; đồng thời không gây vướng mắc khi áp dụng luật vào thực tiễn.
Liên quan đến Điều 9 dự thảo luật, đại biểu đề nghị là Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm cụm từ “thông báo ngay” trong trong quy định: “cơ quan, tổ chức, cá nhân khi phát hiện hành vi xâm hại quyền dân sự của các chủ thể thuộc nhóm dễ bị tổn thương hoặc lợi ích công thì có trách nhiệm thông báo cho cơ quan, tổ chức, chính quyền…”.
Lý giải điều này, đại biểu cho rằng, nếu không thông báo ngay thì khi bị xâm hại đến quyền dân sự để thời gian lâu sẽ mất đi những chứng cứ quan trọng và cần thiết để Viện KSND có thể là khởi kiện và tòa xét xử; do vậy yêu cầu đặt ra là cần khẩn trương, kịp thời, chứ không thể để từ khi phát hiện đến 2-3 tháng sau mới thông báo vụ việc…
![]() |
Đại biểu Ngô Trung Thành (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) đóng góp ý kiến cho dự thảo nghị quyết. |
Tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về việc thí điểm Viện KSND khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công, đại biểu Ngô Trung Thành (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) nêu rõ: Theo quy định của dự thảo nghị quyết, Viện KSND khởi kiện trong trường hợp là đối với các lợi ích công mà không có người khởi kiện; trong đó, không có người khởi kiện có 2 trường hợp:
Một là, chưa có quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có quyền và trách nhiệm khởi kiện - tức là pháp luật chưa quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có quyền và trách nhiệm trong việc khởi kiện để bảo vệ lợi ích của Nhà nước cũng như lợi ích công cộng.
Trường hợp thứ hai là pháp luật đã quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền và trách nhiệm khởi kiện nhưng mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đó thì lại không thực hiện.
Đại biểu cho rằng, đối với trường hợp thứ hai, cần phải xác định rõ ràng trách nhiệm khi pháp luật đã quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền và trách nhiệm khởi kiện, nhưng cơ quan đó lại không khởi kiện – dù có liên quan trực tiếp, như vậy là không làm tròn trách nhiệm và dẫn đến Viện KSND phải khởi kiện.
Đối chiếu với quy định tại khoản 4, Điều 187, Bộ luật Tố tụng dân sự: cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách hoặc theo quy định của pháp luật.
Đại biểu cho rằng, Bộ luật đã quy định về quyền khởi kiện (quyền thì có thể thực hiện hoặc có thể không), do vậy đề nghị là Cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc sửa đổi quy định để thể hiện rõ, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình vừa có quyền, vừa có trách nhiệm khởi kiện.
Đối với quy định của dự thảo luật về tiến hành hòa giải trong cái hoạt động tố tụng, tại Điều 16 nêu rõ: Viện KSND khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ lợi ích công thì không được hòa giải (lợi ích công bao gồm: lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước).
Đối chiếu với Điều 206, Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: trường hợp TAND không được tiến hành hòa giải bao gồm yêu cầu đòi bồi thường vì lý do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.
Như vậy, trong Bộ luật Tố tụng dân sự chỉ khống chế không hòa giải đối với những thiệt hại liên quan đến cái tài sản của Nhà nước. Về mặt quy định giữa Bộ luật và dự thảo này chưa hoàn toàn thống nhất; theo quy định của dự thảo nghị quyết thí điểm thì rộng hơn, thêm mảng lợi ích công cộng nữa.
Đại biểu cho rằng, đây là nghị quyết thí điểm nên sẽ có những quy định khác với quy định hiện hành; thêm vào đó, thời gian thực hiện thí điểm chỉ 3 năm, trên địa bàn của 6 tỉnh. Do đó, sau quá trình triển khai thực hiện, tổng kết, đánh giá mà thấy việc thí điểm này thực sự mang lại hiệu quả thì sẽ tiến hành sửa đổi quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự để mở rộng các trường hợp liên quan đến lợi ích công cộng…
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc