Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XV:

Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp áp dụng nguyên tắc hóa học xanh

13:52, 08/05/2025

Sáng 8/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XV, các đại xem xét báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) và thảo luận tại hội trường về nội dung này.

Đóng góp ý kiến vào dự thảo luật, các đại biểu cho rằng, dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín đã cơ bản hoàn thiện, là bước tiến quan trọng trong việc xác lập cơ sở pháp lý cho việc quản lý hóa chất. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, tạo sự thống nhất với Luật Dược, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ... và các luật có liên quan.

Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đắk Lắk đánh giá cao báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý Luật hóa chất (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo đã chỉnh lý khá đầy đủ, chi tiết các ý kiến của ĐBQH tại Kỳ họp thứ Tám và các ý kiến tại các diễn đàn góp ý dự thảo luật do các cơ quan chủ trì tổ chức.

Quan tâm đến chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất (quy định tại Điều 5 của Dự thảo), đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt thống nhất với việc xác định công nghiệp hóa chất đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế của đất nước; việc phát triển ngành công nghiệp hóa chất nước ta cần có sự định hướng, hoạch định phù hợp với xu thế phát triển, quá trình hội nhập quốc tế. 

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung tại điểm b, khoản 1 bên cạnh các yêu cầu phải đảm bảo an toàn về môi trường, quốc phòng an ninh cũng cần phải đảm bảo tính hiện đại, bền vững. Đồng thời, trong yêu cầu xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất cần định hướng rõ việc phải sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; chú trọng phát triển các hóa chất cơ bản, hóa chất thân thiện với môi trường, hóa chất có giá trị kinh tế cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Về dự án hóa chất, đại biểu cho biết: Tại điểm d, khoản 2, Điều 7 quy định “Áp dụng nguyên tắc hóa học xanh trong thiết kế và lựa chọn công nghệ, thiết bị theo quy định của Chính phủ”. Theo đại biểu, việc áp dụng “nguyên tắc hóa học xanh” cho các dự án hóa chất là một điểm mới, một bước tiến quan trọng đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững được thể hiện trong dự thảo luật sửa đổi lần này.

Tuy nhiên, yêu cầu dự án hóa chất phải áp dụng "nguyên tắc hóa học xanh" trong thiết kế và lựa chọn công nghệ, thiết bị, quy định này mang tính bắt buộc sẽ rất khó khả thi trên thực tiễn, bởi lẽ các "nguyên tắc hóa học xanh" thường chỉ mang tính định hướng, bản chất đó là sự khuyến khích cùng với nhiều tiêu chí định tính. Doanh nghiệp có thể lựa chọn các giải pháp kỹ thuật khác nhau để đạt được các nguyên tắc này, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng dự án. Để xác định công nghệ, thiết bị của một dự án phù hợp với "nguyên tắc hóa học xanh" được Chính phủ quy định như trong dự thảo luật cũng sẽ dẫn đến tình trạng đánh giá mang tính chủ quan, tạo nguy cơ tùy tiện trong quá trình áp dụng, xem xét từng dự án cụ thể.

Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Theo đại biểu, mặc dù trong báo cáo giải trình, tiếp thu, Cơ quan soạn thảo vẫn giữ nguyên quy định này, tuy nhiên đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc lại; nên áp dụng "nguyên tắc hóa học xanh" từ yêu cầu bắt buộc sang hình thức khuyến khích, kèm theo đó có những chính sách hỗ trợ để khuyến khích các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa áp dụng nguyên tắc này. 

Đối với đảm bảo an toàn trong hoạt động hóa chất, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt nêu rõ: Tại khoản 2, Điều 35 quy định “Tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất phải có người chịu trách nhiệm chuyên môn về an toàn hóa chất có trình độ phù hợp”. Đại biểu đề nghị bổ sung chỉnh lý lại là: “Tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất phải có người chịu trách nhiệm chuyên môn về an toàn hóa chất có quyền hạn và trình độ phù hợp”. 

Lý giải cho đề nghị này, đại biểu cho biết: Hiện nay ở nhiều cơ sở hoạt động hóa chất, người chịu trách nhiệm về an toàn hóa chất, có trình độ chuyên môn phù hợp nhưng lại không có thẩm quyền, quyền hạn xử lý, phạt, yêu cầu sửa đổi, thậm chí dừng sản xuất khi phát hiện vi phạm trong an toàn quá trình sản xuất, đặc biệt khi cần xử lý tình huống phát hiện mất an toàn quá trình có nguy cơ xảy ra sự cố khẩn cấp cần có quyết định ngay, không thể đợi một thời gian báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền…

Cũng trong phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội xem xét, đánh giá các tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện KSND; dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Ana nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng ngành Y tế huyện Krông Ana đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân, nhất là đối với tuyến y tế cơ sở.