Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XV:

Cần giữ quyền được chất vấn Chánh án TAND, Viện trưởng Viện KSND

19:03, 07/05/2025

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XV, chiều 7/5 các đại biểu thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

Tham gia thảo luận tại Tổ 13, đóng góp ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đắk Lắk bày tỏ sự tán thành, cơ bản thống nhất với các nội dung sửa đổi.

Liên quan đến quy định về địa vị chính trị, pháp lý của các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc  (MTTQ) Việt Nam tại khoản 1 Điều 1 của dự thảo nghị quyết, đại biểu cho rằng theo Kết luận 127 của Bộ Chính trị về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thì ngoài các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Ủy ban MTTQ Việt Nam còn có các hội quần chúng đang thực hiện các nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao cho (được thực hiện theo Nghị định 126 của Chính phủ và trước đây là Nghị định 45 về tổ chức, hoạt động, quản lý các hội đặc thù).

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đóng góp ý kiến thảo luận tại Tổ 13.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đóng góp ý kiến thảo luận tại Tổ 13.

Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị quyết chưa đề cập rõ về địa vị pháp lý của các tổ chức hội quần chúng. Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt thông tin, hiện nay theo đề án sáp nhập có 30 hội; ở mỗi địa phương có sự sáp nhập theo những cơ cấu nhất định và đặc thù ở tại từng địa phương thì đã tinh gọn và sáp nhập những hội mang tính chất tương đồng, thực sự cần thiết và trực thuộc Ủy ban MTTQ Việt Nam.

Do vậy, đại biểu đề nghị cần thể hiện rõ địa vị pháp lý của các tổ chức hội quần chúng để tạo cơ sở pháp lý, hành lang pháp lý cho các tổ chức hội này hoạt động theo khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật.

Đối với việc xác định các loại đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính do Quốc hội quy định tại khoản 4, Điều 110, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt cho rằng như vậy là phù hợp.

Tuy nhiên, vẫn còn một thuật ngữ hiện đang được dùng trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy hiện nay đó là “kết thúc đơn vị hành chính cấp huyện”, do vậy đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm cụm từ này vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp để có thể thuận lợi hơn, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng hơn trong quá trình thực hiện kết thúc đơn vị hành chính cấp huyện. 

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 13.
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 13.

Quan tâm đến quyền chất vấn của đại biểu HĐND được quy định tại Khoản 2, Điều 115, đại biểu băn khoăn khi bỏ quyền chất vấn của đại biểu đối với Chánh án TAND, Viện trưởng Viện KSND thì ai sẽ thực hiện quyền này tại địa phương?

Bên cạnh đó, đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã tổ chức lấy ý kiến, các đại biểu cũng đã đề cập đến vấn đề này và cho rằng, quyền chất vấn cũng là một quyền cơ bản của hoạt động giám sát, thể hiện chức năng cơ bản của đại biểu HĐND. Như vậy, nếu bỏ quyền chất vấn đối với ngành TAND, Viện KSND thì liệu có bất cập với dự thảo Luật như vừa đề cập hay không?

Do vậy, đại biểu đề nghị giữ nguyên quyền này, để đảm bảo được các yếu tố thực thi pháp luật, các cơ quan tiến hành tố tụng phải đảm bảo pháp luật và trả lời những vấn đề với cử tri, với nhân dân được biết.

Đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt cho biết: Tại Điều 8 về nguyên tắc tổ chức đơn vị hành chính và điều kiện thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, tại điểm c, khoản 3 dự thảo quy định việc giải thể đơn vị được thực hiện trong trường hợp do tổ chức lại các đơn vị hành chính theo định hướng của cơ quan có thẩm quyền.

Đại biểu cho rằng, cụm từ “định hướng” đặt trong các nghị quyết, kết luận chủ trương của Đảng thì rất rõ ràng, nhưng khi đặt trong luật thì không thể xem định hướng là một quy định pháp luật để làm căn cứ pháp lý thực hiện. Do vậy, đại biểu đề nghị sửa lại cụm từ này cho phù hợp.

Đối với vấn đề phân cấp được quy định tại Điều 13 của dự thảo luật, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung thêm thẩm quyền phân cấp cho HĐND một cách đầy đủ, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý ở địa phương cũng như đảm bảo tính thống nhất giữa các dự thảo văn bản luật hiện nay…

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Ana nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng ngành Y tế huyện Krông Ana đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân, nhất là đối với tuyến y tế cơ sở.