Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XV:
Cần bổ sung chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ tiên tiến
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XV, chiều 10/5 các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp; dự án sửa đổi Luật, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Tham gia thảo luận tại Tổ 13 gồm Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh: Đắk Lắk, Hậu Giang, Bắc Ninh, Lào Cai.
Cho ý kiến về các dự thảo luật, các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp; Luật Quy hoạch; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là rất cần thiết trong bối cảnh có nhiều tình hình mới liên quan đến tổ chức máy tính, các yêu cầu đối với việc phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, yêu cầu của các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, cũng như nỗ lực nâng cao hơn nữa việc chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng sạch và hướng tới năng lực tiết kiệm năng lượng trong nền kinh tế.
Đóng góp ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đại biểu Lưu Văn Đức (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) cơ bản nhất trí với sự cần thiết xây dựng dự thảo luật nhằm thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước đối với các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế gắn với an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước.
![]() |
Đại biểu Lưu Văn Đức (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận tổ. |
Về hồ sơ và nội dung của dự án luật, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát toàn bộ dự án luật để đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định như: Quy định số 178-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, Kết luận số 119-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật và Nghị quyết số 158/2024/QH15 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, trong đó có quy định đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực.
Đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo luật tiếp tục rà soát đảm bảo tính thống nhất giữa nội dung tờ trình với dự thảo luật và các tài liệu có liên quan; các chính sách trong tờ trình thể hiện đầy đủ trong dự thảo luật phù hợp với mục đích xây dựng luật và bố trí nguồn lực để thực hiện cho khả thi, tiết kiệm, hiệu quả.
Đại biểu cho biết, dự thảo luật có nhiều nội dung liên quan đến các luật khác như: Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các luật về thuế, về Luật Đầu tư…
Do vậy, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định tại dự thảo luật, đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung cụ thể các văn bản quy phạm pháp luật về thuế, ưu đãi đầu tư, tín dụng có liên quan để đảm bảo phù hợp, thống nhất giữa các chính sách của dự thảo luật với pháp luật hiện hành nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Về nội dung đảm bảo chính sách dân tộc trong dự thảo luật, theo đại biểu Lưu Văn Đức, hiện nay kinh phí để thực hiện chương trình tiết kiệm năng lượng và hiệu quả cũng như thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại các địa bàn khó khăn còn rất hạn chế, chủ yếu là nguồn ngân sách địa phương, nguồn ngân sách Trung ương; còn nguồn huy động của các tổ chức và cá nhân khác thì hầu như không có.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần bổ sung chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ tiên tiến, giảm chi phí ban đầu cho các dự án chuyển đổi năng lượng.
![]() |
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 13. |
Theo đó, chính sách cần bao gồm các ưu đãi về thuế nhập khẩu đối với thiết bị tiết kiệm năng lượng, miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các đơn vị thực hiện dự án có mức tiết kiệm năng lượng cao, hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi để khuyến khích đầu tư vào các công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, đặc biệt là tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.
Đồng thời, có quy định chi tiết về chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ở vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn thực hiện chương trình tiết kiệm năng lượng và hiệu quả; đầu tư và chuyển đổi sang sản xuất các thiết bị tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính thông qua các chế độ hỗ trợ tín dụng và tín dụng xanh.
Liên quan đến chính sách hỗ trợ đối với hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại tại khoản 4, Điều 41 của dự thảo luật quy định: Khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp đầu tư mở rộng, nâng cấp, cải tạo, chuyển đổi sang các công nghệ tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính đầu tư và chuyển đổi sang các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, sản phẩm khí thải nhà kính thông qua các cơ chế hỗ trợ tín dụng xanh, phát hành trái phiếu.
Đại biểu cho biết, hiện nay phần lớn doanh nghiệp Việt Nam sử dụng công nghệ cũ, tiêu tốn nhiều năng lượng; nếu không có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, doanh nghiệp có thể không đủ động lực để đầu tư vào công nghệ tiết kiệm năng lượng.
Do đó, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát các quy định trong luật, các luật có liên quan để đề xuất hỗ trợ tín dụng, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới dễ dàng hơn. Đồng thời tiếp tục nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, chuyển giao quan hệ trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Đối với các quỹ tài chính tại khoản 2, Điều 41 dự thảo luật quy định thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu về tính phù hợp, quy định cụ thể về mô hình hoạt động, mục tiêu, nhiệm vụ, đối tượng thụ hưởng, cơ chế tài chính, cơ chế hỗ trợ… và nguồn kinh phí của quỹ.
Trong đó đề nghị đảm bảo nguyên tắc các nguồn thu, nhiệm vụ chi phải độc lập với ngân sách nhà nước, phù hợp với Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là xây dựng cơ sở pháp lý để có thể hình thành và vận hành hiệu quả các quỹ về phát triển năng lượng bền vững, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng xã hội hóa, đảm bảo độc lập về tài chính, không trùng lặp với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước và hạn chế làm tăng chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, cho sản sản xuất kinh doanh.
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, đại biểu Lưu Văn Đức đề nghị là Ban soạn thảo nghiên cứu quy định cơ chế khuyến khích, ưu tiên đối với doanh nghiệp có chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh là đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào sinh sống ở vùng miền núi, biên giới, hải đảo nhằm phát triển, cụ thể hóa quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Theo đó, chủ trương, quan điểm được thể hiện như thực hiện hiệu quả chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, thúc đẩy khả năng tiếp cận, sử dụng các sản phẩm tài chính của các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh, ưu tiên chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh là thanh niên, phụ nữ, nhóm yếu thế đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và các mô hình kinh doanh bao trùm, tạo tác động xã hội và đảm bảo yếu tố tạo động lực để phát triển việc thực hiện chính sách dân tộc.
Đối với quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp tại khoản 6 Điều 1 của dự thảo luật về bổ sung nhóm đối tượng viên chức làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học công lập được quyền đóng góp vào doanh nghiệp do cơ sở đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do cơ sở đó tạo ra. Tuy nhiên, theo đại biểu, phạm trù này thể hiện kết quả nghiên cứu vẫn còn mang ý trừu tượng, chưa cụ thể vì có thể nghiên cứu là nghiên cứu xã hội, nghiên cứu văn học…
Đặt trong bối cảnh là một nội dung luật thì cần phải đảm bảo nguyên tắc rõ ràng, tường minh về mặt ngữ nghĩa. Do vậy, đại biểu đề nghị sửa cụm từ “kết quả nghiên cứu” thành “kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ” cho cụ thể, rõ ràng hơn…
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc