Multimedia Đọc Báo in

Chuyện làm lúa rẫy của người Cor

12:23, 17/07/2020

Đồng bào Cor ở huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) sống bằng nghề phát nương làm rẫy. Từ bao đời nay, các thế hệ người Cor ở huyện miền núi Bắc Trà My vẫn truyền cho nhau những kinh nghiệm quý trong quy trình canh tác lúa rẫy để có được mùa vàng bội thu.

Rẫy là hình thức canh tác chủ yếu của người Cor hiện nay. Khi mới khai phá rẫy, đồng bào Cor thường trồng lúa, sau đó tùy thuộc vào độ màu mỡ của đất mà rẫy có thể sử dụng tiếp 2 - 3 vụ nữa và có thể trồng lúa hoặc trồng sắn, các loại hoa màu: đậu, bí, rau lang...; rồi bỏ hoang từ 8 - 10 năm trở lên cho đất phục hồi độ màu mỡ mới canh tác lại.

Rẫy được khai phá theo chu kỳ kín, bao gồm các công đoạn: Chọn rẫy, phát rẫy, đốt và dọn rẫy, gieo trỉa, chăm sóc và thu hoạch. Chọn rẫy là công đoạn đầu tiên của quá trình làm rẫy. Việc này thường do người đàn ông trong gia đình đảm nhiệm. Mặc dù không tốn thời gian và công sức nhưng việc chọn rẫy là bước quan trọng bởi nó quyết định một phần năng suất thu hoạch và thời gian canh tác. Theo tập quán lâu nay, người Cor vẫn trồng lúa rẫy trên lưng chừng đồi, núi dốc. Người Cor thường chọn rẫy là những khu rừng già hoặc những khu rừng tái sinh đã 15 – 20 năm, đất đai màu mỡ. Khi đã chọn được đám rừng làm rẫy ưng ý, người Cor khẳng định quyền chiếm hữu của mình trên đám rừng đó bằng cách cắm một đoạn cây cao hơn đầu người trên khoảng đất đã phát sạch, đầu cây hoặc được gài ngang một que ngắn, hoặc được buộc một tấm đan mắt cáo nhỏ bằng tre.

 Ẩm thực  của người Cor (trong đó  có cơm lúa rẫy) tại Ngày hội Văn hóa  các dân tộc miền Trung.
Ẩm thực của người Cor (trong đó có cơm lúa rẫy) tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung.

Việc phát rẫy được bắt đầu vào giữa mùa khô, khoảng trung tuần tháng hai. Công đoạn đầu tiên là chặt cây, thường do đàn ông và nam thanh niên đảm nhiệm. Theo kinh nghiệm, rẫy bao giờ cũng được phát từ chỗ thấp lên chỗ cao để khi chặt cây đổ đúng hướng. Phụ nữ và trẻ em phụ giúp phát quang cây nhỏ, cây non và chặt dây leo, sau đó quay lại chặt cành và ngọn cây to đã đổ...

Quy trình canh tác được diễn ra với nhiều công đoạn khác nhau và tuân thủ một nông lịch rất chặt chẽ. Theo lời dạy của những người già, việc trồng trỉa bao giờ cũng được đồng bào Cor bắt đầu từ tháng ba. Khi cây cỏ trên rẫy đã khô, bà con sẽ tiến hành đốt lấy tro cho đến khoảng cuối tháng tư. Vào đầu tháng năm, khi những tia chớp đầu tiên báo hiệu cơn mưa đầu mùa cũng là lúc người Cor bắt đầu công việc trỉa lúa. Thời gian trỉa hạt giống có thể kéo dài đến hết tháng năm; sau đó tổ chức nghi lễ trỉa hạt giống trước khi thực hiện một công đoạn sản xuất nhất định.

Ngày đầu tiên của lễ trỉa lúa, dân làng giăng dây ra khắp đường làng. Trên cổng làng, bà con giắt lá xanh. Đó là dấu hiệu làng đang có kiêng cữ, không muốn người ngoài làng tới, vì sợ hồn lúa đi mất. Trong ngày trỉa lúa đầu tiên, các gia đình đều cắm cây, gắn tua rua tượng trưng cho bông lúa và nó thường được đặt ở phần sàn trước cửa chính nhà, cạnh cối giã gạo. Người Cor quan niệm: Quá trình trỉa lúa là thả hồn lúa về đất, vì thế vào buổi sáng đầu tiên thực hiện nghi lễ, người phụ nữ có vị trí quan trọng nhất trong nhà sẽ gùi hạt giống từ kho thóc của gia đình về nhà làm lễ cúng thần linh, xin thần Đất, thần Lúa cho lúa mọc đều, phát triển tốt và gùi thẳng lên rẫy.

Khi đã trỉa lúa xong, người Cor tổ chức nghi lễ cầu mưa.
Khi đã trỉa lúa xong, người Cor tổ chức nghi lễ cầu mưa.

Giống lúa rẫy đến nay vẫn được người Cor ở huyện miền núi Bắc Trà My sử dụng là loại giống nguyên chủng, không bị lai tạp, được lưu truyền từ nhiều đời nay. Gạo rẫy nấu chín nở to, có màu tím, dẻo, mùi thơm ngát đặc trưng của sản vật núi rừng.

Người Cor lưu giữ lúa giống theo phương pháp cổ truyền. Lúa được phơi khô cho vào quả bầu khô bịt kín đem treo ở góc bếp để vụ mùa năm sau trỉa không bị các loại côn trùng, chim, chuột cắn phá.     

Đến tháng tám, khi lúa trên rẫy bắt đầu trổ đòng, đơm bông, người Cor sẽ làm chòi và ở hẳn trên rẫy để canh giữ không cho chim, chuột phá hoại. Tháng mười, khi lúa trên rẫy chín, các gia đình trong làng sẽ hỗ trợ lẫn nhau thu hoạch lúa nhanh nhất và ít rơi rụng nhất. Trong khâu thu hoạch, phụ nữ Cor sẽ là những người trực tiếp chuẩn bị gùi nhỏ, gùi lớn để cõng những bông lúa đầu tiên từ rẫy về kho. Trong lúc bà con trong làng đang giúp gia đình tuốt lúa, chủ nhà sẽ tranh thủ chọn chỗ lúa tốt, chín đều để giữ riêng làm giống cho mùa rẫy năm sau và tổ chức ăn cơm mới, mừng được mùa.

Với người Cor, lúa rẫy quyết định sự no đói của gia đình, của dân làng. Những kinh nghiệm, cách thức, phương thức tiến hành làm rẫy truyền thống vẫn còn được lưu giữ trong tiềm thức của đồng bào. Có lẽ chính nhờ những tri thức dân gian quý báu ấy mà gia đình người Cor nào nơi đây cũng có được kho thóc chật vách, đủ ăn hạt cơm lúa rẫy quanh năm.

Nguyễn Văn Sơn


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.