Một thoáng chợ tình Tây Bắc trên Tây Nguyên
Đến với lễ hội Hảng Pồ Xuân Mậu Tuất 2018 vừa diễn ra tại xã Ea Siên (TX. Buôn Hồ), nhiều du khách ngỡ ngàng và đong đầy cảm xúc khi biết rằng ngay trong lòng Tây Nguyên vẫn có một phiên chợ tình Tây bắc.
Bởi qua tìm hiểu về nguồn gốc ra đời của nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc tại địa phương này thì mới càng thấm được cái chữ “tình” ở lễ hội nơi đây. Ngoài những ý nghĩa vốn có của một chợ tình Tây Bắc như là nơi gặp gỡ, trao đổi tâm tư tình cảm của người dân khát khao mong chờ những điều may mắn mỗi độ xuân về hay là nơi để thể hiện ước nguyện trao duyên của những chàng trai chưa vợ, những cô gái chưa chồng… thì cái “tình” ở đây còn được quyện thêm một nỗi nhớ da diết về quê hương đất tổ của những người con lập nghiệp phương xa.
Khi mới thành lập vào năm 1992, xã Ea Siên có khoảng 300 hộ dân, trong đó có 50 hộ dân tộc Tày, Nùng từ phía Bắc vào. Không thể kể hết những vất vả, gian truân mà cán bộ và nhân dân xã Ea Siên đã trải qua trên vùng đất mới. Nhưng trong cuộc sống vật chất còn nhiều khó khăn đó thì đời sống tinh thần của người dân vẫn phát triển vô cùng phong phú, mạch ngầm văn hóa truyền thống vẫn thấm đẫm, len lỏi trong mỗi nếp nhà. Mỗi mùa xuân đến, vào ngày 28 tháng Giêng âm lịch hằng năm họ lại cùng tụ về trên một vùng đồi cùng tổ chức lễ hội, vui hội đầu xuân để vơi đi nỗi nhớ quê nhà và cũng là để thế hệ con cháu giữ gìn và phát huy những nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc mình.
Các gian hàng tại lễ hội Hảng Pồ luôn nhộn nhịp người mua – bán. |
Lễ hội Hảng Pồ có nghĩa là hội chợ trên đồi, cũng có thể gọi là chợ tình ở xã Ea Siên ra đời từ đó. Hơn 20 năm trôi qua, Ea Siên đã thay da đổi thịt trở thành một vùng đất trù phú, là vựa nông sản của TX. Buôn Hồ, dịch vụ, thương mại đang ngày một phát triển sầm uất hơn. Cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế, Lễ hội Hảng Pồ những năm gần đây cũng được tổ chức quy mô hơn, chặt chẽ hơn, nội dung phong phú hơn với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và vui chơi giải trí.
Thoạt nhìn, lễ hội Hảng Pồ cũng có những nét giống các hội chợ thường thấy trong tỉnh như các gian hàng buôn bán hàng tiêu dùng cho người dân, nhưng cùng bước chân vào dòng người đi trảy hội mới cảm nhận rõ nét được những màu sắc văn hóa riêng biệt thú vị. Ngoài sự sôi động từ các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, đá bóng mini, múa sư tử, hát sli, hát then... thì văn hóa ẩm thực và trang phục dân tộc của đồng bào Tày, Nùng chính là nét khác biệt đặc trưng nhất của lễ hội này.
Từng tốp phụ nữ người Nùng với trang phục truyền thống cùng nhau đi tới nơi tổ chức lễ hội Hảng Pồ. |
Các quầy bán thực phẩm ở đây chủ yếu là thịt trâu và lợn quay. Hàng chục chiếc đầu trâu còn nguyên lông đen kịt và hàng trăm con lợn quay vàng óng được bày bán trên các sạp hàng không khỏi mang lại cho du khách cảm giác ngỡ ngàng, ngỡ ngàng vì nét riêng biệt trong nguyên liệu ẩm thực, ngỡ ngàng về sự giàu có sung túc của đời sống người dân nơi đây thể hiện qua hoạt động mua bán tấp nập với số lượng lớn thực phẩm được tiêu thụ trong ngày lễ hội...
Đến với lễ hội Hảng Pồ, bỏ lại sau lưng những lo toan bộn bề trong cuộc sống để tắm mình trong sắc màu và âm thanh những lời hát sli, hát lượn, cùng ngả nghiêng trong ly rượu nồng nấu bằng men lá, cùng đắm say với những ánh nhìn, cùng hòa mình vào không khí sôi nổi tại lễ hội chợ đồi, chợ tình nơi đây.
Lễ hội Hảng Pồ không còn là của riêng đồng bào Tày, Nùng ở Ea Siên mà đã lan tỏa, thu hút được sự tham gia của đông đảo bà con các dân tộc khác khắp các vùng trong tỉnh và một số tỉnh lân cận cùng về chung vui, tìm hiểu, thường lãm những nét đẹp văn hóa của dân tộc phía Bắc. Có thể nói, lễ hội này đã trở thành cầu nối hội tụ tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc trong tỉnh và cả vùng Tây Nguyên. |
Ngọc Thơm
Ý kiến bạn đọc