Multimedia Đọc Báo in

Lễ cưới của đồng bào M'nông Gar

18:10, 27/12/2016
Hằng năm, vào dịp kết thúc một mùa rẫy là các bon làng M’nông Gar tưng bừng bước vào mùa lễ hội gắn với nghi lễ vòng đời người nhằm tạ ơn các vị thần linh, tổ tiên, ông bà đã phù hộ cho con cháu một mùa rẫy ngô lúa đầy bồ, heo bò đầy sân. Trong các nghi lễ này, lễ cưới được mọi người trong cộng đồng quan tâm hơn cả.

Đồng bào M’nông Gar hiện nay không còn tục con gái hỏi chồng theo truyền thống của gia đình mẫu hệ nữa, thay vào đó là phong tục “phụ hệ” (trai hỏi vợ). Để có một lễ cưới truyền thống theo phong tục, đôi trai gái phải thực hiện các nghi lễ như sau:

Nghi thức bôi rượu pha tiết heo lên trán đôi trai gái trong lễ cưới.
Nghi thức bôi rượu pha tiết heo lên trán đôi trai gái trong lễ cưới.

Lễ dạm hỏi (kep môi): Nhà trai nhờ ông cậu hoặc ông mối trong dòng họ mang lễ vật đến nhà gái để thực hiện lễ dạm hỏi cho con trai mình. Lễ này thường được thực hiện vào buổi tối (khoảng 20-21 giờ), nếu bị nhà gái từ chối thì nhà trai không phải xấu hổ với bon làng. Khi đến nhà gái, nhà trai đặt lên chiếc nia một tô gạo trắng, một con gà mái nướng chín vàng, một chuỗi cườm đeo cổ, một chiếc váy mới dệt. Ông cậu thay mặt nhà trai đặt vấn đề với nhà gái để hỏi vợ cho cháu trai mình. Nhà gái cử ông cậu ra tiếp lễ và yêu cầu nhà trai đọc gia phả (Rõ yau) của dòng họ nhà trai. Sau đó, nhà gái cử ông cậu đọc gia phả của dòng họ mình. Nếu hai bên không cùng một bà tổ, không cùng một dòng họ thì cho phép đôi trai gái được kết hôn với nhau. Tuy vậy, trước khi nhận lễ của nhà trai, cha mẹ cô gái hỏi con gái mình một lần nữa, nếu cô gái đồng ý thì mới nhận lễ. Rồi cha mẹ cô gái bưng ra một ché rượu lớn để làm lễ nhận lời hứa hôn. Thầy cúng đại diện cho nhà gái lấy cần hút ra một tô rượu cần pha tiết gà trống rồi bôi lên cột nhà chính, thần đá bếp, kho thóc, thần đá cửa nhà… khấn báo với các thần linh, tổ tiên về việc nhà gái đã nhận lời hứa hôn với nhà trai. Sau đó hai bên cùng nhau uống rượu vui vẻ và chọn ngày làm lễ hỏi.

Lễ hỏi vợ (Să ur): Sau lễ dạm hỏi một năm, gia đình nhà trai tiến hành làm lễ hỏi vợ cho con trai mình (lễ Să ur). Nhà trai chuẩn bị hai ống đựng măng chua (dưng mpa), một chuỗi cườm (mai), một vòng đồng (kông) và cử một đoàn đi đến nhà gái. Đến nhà gái, nhà trai đặt mọi lễ vật lên một cái nia và xin phép nhà gái được làm lễ hỏi vợ cho con trai mình. Bên nhà gái cử ông cậu tiếp nhận lễ vật và chấp thuận cho nhà trai được làm lễ hỏi vợ. Tiếp đến, bà mối bên nhà trai đeo chuỗi cườm cho cô gái và đeo vòng bạc vào cổ chàng trai. Với nghi thức này, hai bên nhà trai và nhà gái công nhận đôi trai gái chính thức trở thành vợ chồng. Lúc này nhà gái mang ra một ché rượu lớn và một con gà trống thiến để làm lễ báo với thần linh, tổ tiên, ông bà. Rồi thầy cúng lấy rượu cần pha tiết gà bôi lên trán đôi trai gái nhằm công nhận đôi vợ chồng trẻ là người cùng một nhà, như “chim đã có đôi”, như “ché rượu đã cắm cần”, như “bếp đã có nồi” không thể chia lìa nhau được. Sau nghi lễ này, hai gia đình cùng nhau uống rượu và bàn chuyện lễ cưới cho đôi trai gái.

Lễ cưới bên nhà gái (nar tăm sai): Sau lễ hỏi khoảng 10 ngày, thì hai bên nhà trai, nhà gái cùng làm lễ cưới cho con mình. Đầu tiên là lễ cưới tại nhà gái. Nhà gái chuẩn bị 100 gùi gạo giã trắng như bông, 100 ché rượu, thui một con bò, ba con heo để cúng thần linh, tổ tiên, ông bà và đãi bà con hai họ cùng bà con gần xa; đồng thời chuẩn bị 50 cái tô, 50 cái chén, 50 chuỗi cườm để làm quà tặng cha mẹ và bà con dòng họ chú rể. Lễ vật nhà trai mang qua nhà gái gồm có: sáu ché rượu lớn (yang pro); 50 ống nứa đựng măng chua với da trâu (dưng mpar) trong đó có một ống cao và một ống thấp tượng trưng cho đôi vợ chồng; một chuỗi cườm (mai); một cây xà gạc (wiah); một con dao nhỏ (pêh); một cái cuốc nhỏ (wăng), tất cả đựng trong một cái gùi và được trang trí những tua bông chỉ màu khá rực rỡ. Lễ vật của nhà trai mang qua nhà gái còn có một con heo lớn (dài khoảng 7 gang tay), một con gà trống thiến, 10 gùi gạo để nhà gái làm lễ cúng tổ tiên, ông bà và đãi khách trong ngày cưới. Vào lễ, nhà gái thực hiện nghi thức bôi tiết heo pha rượu cần lên các lễ vật của nhà trai mang đến. Tiếp đến là nghi thức trao lễ vật, rồi đến lễ dâng rượu lên tổ tiên, ông bà và thần bảo vệ sức khỏe, hạnh phúc cho đôi trai gái (yang dlăng săh jăl), thần mẹ sinh, cha dưỡng của đôi trai gái (yang mei bă bap rông). Trong nghi thức căn dặn đôi trai gái (ndăp ntăn), cha mẹ hai bên căn dặn cô dâu, chú rể ăn ở hòa thuận, thương yêu nhau, siêng năng công việc rẫy nương, tôn trọng người thân, sống hòa thuận với bon làng. Tiếp đến là nghi thức cụng đầu (tăm nđâm bôk), hai ông cậu của hai bên kể gia phả của dòng họ mình, nêu những gương tốt của tổ tiên, ông bà cho đôi trai gái học tập. Trong lúc đôi trai gái đang nghe kể gia phả say sưa thì bất ngờ ông mối xô đầu cô dâu, chú rể chạm vào nhau thật mạnh. Đầu của hai người va càng mạnh thì càng tốt ( với ý nghĩa tâm đầu, ý hợp). Sau đó, đôi trai gái thực hiện nghi thức uống rượu và đút cơm cho nhau, trong đó có việc uống chén ớt pha rượu, với ý nghĩa dù cuộc sống có gặp nhiều cay đắng, gian lao vất vả, nhưng không thể làm lung lay tình nghĩa thủy chung của họ. Nghi thức mời cơm cha mẹ hai bên thể hiện sự báo hiếu của đôi bạn trẻ đối với cha mẹ; nghi thức tung gà (rơ tô iêr) thể hiện sự xin lỗi của chủ nhà về những gì sơ suất trong đám cưới con mình. Nghi thức mời rượu là nghi thức đãi khách đến mừng đám cưới của nhà gái, mọi người ăn uống, giao lưu vui vẻ, ai cũng đến đeo vào tay cô dâu, chú rể những chiếc vòng đồng với ý nghĩa chúc mừng đôi bạn trẻ sống hạnh phúc. Cuối cùng là nghi thức tiễn nhà trai ra về (yơh brê). Nhà gái mang ra một con gà, một ché rượu làm lễ tiễn đưa nhà trai ra về. Con heo (lễ vật của nhà trai mang qua), nhà gái xin gửi lại nhưng nhà trai chỉ nhận một nửa cái đầu heo, rồi vui vẻ xin phép nhà gái ra về.

Sau lễ cưới ở nhà gái được ba ngày là lễ cưới bên nhà trai (rơ dơk săk): các nghi thức lễ cưới bên nhà trai cũng giống như những nghi thức lễ cưới bên nhà gái. Sau đó, cô dâu ở lại nhà chồng trong vòng 7 ngày. Trong những ngày này, cô dâu được nhà trai dẫn đi thăm bà con, họ hàng nhà chồng, đồng thời hòa mình vào cuộc sống gia đình chồng như: nấu cơm, giã gạo, làm rượu, dệt vải, lên rẫy, đi rừng kiếm củi, hái măng… Sau một tuần, cha mẹ cô dâu mang lễ vật (một con gà, một ché rượu) sang nhà trai xin đón đôi trai gái về ở nhà mình.

Lễ cưới của đồng bào M’nông Gar là một phong tục đẹp, đầy tính nhân văn, giàu bản sắc văn hóa, cần được gìn giữ, phát huy trong đời sống cộng đồng.

 Trương Bi


Ý kiến bạn đọc