Multimedia Đọc Báo in

Giỗ Tổ Hùng Vương: Hội tụ bản sắc văn hóa và truyền thống đoàn kết dân tộc

09:03, 02/04/2020
Giỗ Tổ Hùng Vương và Đền Hùng từ bao đời nay là biểu tượng đã ăn sâu vào tâm khảm thiêng liêng của mỗi người dân đất Việt. Đây là điểm hội tụ tâm linh, hội tụ bản sắc văn hóa và tinh thần đại đoàn kết dân tộc.
 
Những giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Với lòng tôn kính, biết ơn Vua Hùng, cộng đồng người Việt đã tự nguyện thờ cúng Hùng Vương, đưa việc thờ cúng Hùng Vương trở thành tín ngưỡng, là biểu tượng văn hóa tạo nên truyền thống đoàn kết, yêu thương, đùm bọc và cùng vượt qua mọi khó khăn thử thách để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 6-12-2012. Đây chính là đề cao sự thống nhất trong đa dạng văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được trao truyền từ đời này sang đời khác đã trở thành nghi lễ dân gian mang tính quốc gia ở Việt Nam. Hiện nay, trên địa bàn cả nước có 1.417 di tích, riêng tỉnh Phú Thọ - vùng đất cội nguồn dân tộc có 345 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ngày càng khẳng định vị trí vững chắc trong đời sống xã hội đương đại; khẳng định sức sống của biểu tượng cội nguồn dân tộc, tự hào về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, tạo sức mạnh cho việc xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc ở Việt Nam.

Công đức các Vua Hùng được lưu truyền từ đời này qua đời khác, được cộng đồng tôn thờ, biết ơn là biểu tượng của anh hùng lập nước. Đây là cội nguồn của tinh thần yêu nước của dân tộc Việt. Ý thức thờ phụng các Vua Hùng cũng chính là ý thức về cội nguồn dân tộc, đất nước từ đó hình thành tinh thần tự cường dân tộc, ý thức độc lập tự chủ. Giá trị tinh thần yêu nước, tinh thần tự cường dân tộc khởi nguồn từ sự khai sinh lập nước của các Vua Hùng được các thế hệ người Việt gìn giữ, tiếp nối.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng thể hiện sự gắn bó của cộng đồng trong nghĩa “đồng bào”, với truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ, dân tộc Việt Nam cùng có chung một cội nguồn, chung một dòng máu Lạc Hồng, là những người con cùng một bọc, nghĩa “đồng bào” từ đó mà sinh ra, cả nước cùng tôn thờ một vị vua Tổ, một biểu hiện cho sức mạnh siêu nhiên bảo vệ cho sự tồn vong của dân tộc, của cả cộng đồng.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương luôn hướng con người tới cái chân - thiện - mỹ, cái cao cả mà con người luôn ước vọng tôn thờ. Trong Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, các yếu tố văn hóa tâm linh được tiềm ẩn từ các kiến trúc tín ngưỡng đình, đền, miếu - nơi thờ phụng, thực hành tín ngưỡng đến các nghi lễ rước, tế, lễ vật, phẩm phục, diễn xướng dân gian.

Từ cộng đồng người Việt ở Phú Thọ, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lan tỏa mở rộng ra phạm vi cả nước, trở thành tập quán của cộng đồng người Việt Nam ở trong và ngoài nước. Người Việt Nam ở mọi miền đất nước và ở nước ngoài sáng tạo những không gian thờ cúng Hùng Vương riêng, xin chân nhang, đất, nước từ Đền Hùng về thờ cúng ông Tổ của dân tộc. Đây là đức tin tín ngưỡng thuần Việt đã vượt qua mọi thời đại để trở thành biểu tượng cho khát vọng trường tồn, độc lập tự chủ lâu dài, vĩnh viễn và ước mơ về sự phồn vinh của quốc gia, dân tộc.

Truyền thống tôn thờ Hùng Vương là một hình thức biểu hiện mạnh mẽ nhận thức về lịch sử và sự đoàn kết của dân tộc Việt Nam, truyền cảm mãnh liệt sự tôn kính của người dân với quá khứ của tổ tiên và di sản văn hóa đặc sắc. Trên vùng đất Phú Thọ dày đặc các truyền thuyết huyền thoại về thời kỳ Hùng Vương dựng nước. Các truyền thuyết về Thánh Gióng, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Mai An Tiêm; các lễ hội dân gian Rước Vua về làng ăn Tết, Rước Chúa gái, Vua Hùng dạy dân cấy lúa, Lễ hội Hát Xoan… là minh chứng khẳng định Phú Thọ - vùng đất cội nguồn dân tộc Việt Nam là kho tàng văn hóa dân gian lưu giữ dấu ấn lịch sử về thời đại Hùng Vương. Đằng sau truyền thuyết huyền thoại là yếu tố lịch sử. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là quá trình lịch sử hóa và huyền thoại hóa đan xen. Hệ thống các di chỉ khảo cổ Sơn Vi, Phùng Nguyên, Làng Cả, Xóm Rền, Gò Mun và các cổ vật được tìm thấy xung quanh núi Hùng như Nha chương, trống đồng, rùi, mũi tên… cho ta thấy một thời đại Hùng Vương rực rỡ và cho thấy rõ nét một nhà nước Văn Lang cổ đại - trung tâm khởi phát của người Việt cổ.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng

Từ xa xưa, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt. Ngọc phả Hùng Vương (1470) đã chép: “Từ đời nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần rồi đến triều đại ta bây giờ là Hậu Lê (1418 - 1527) vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa (nay là làng Cổ Tích). Ở đây nhân dân toàn quốc đều đến lễ bái để tưởng nhớ công lao của các đấng Thánh Tổ xưa”. Thời nhà Nguyễn tiếp tục tôn vinh các Vua Hùng với chủ trương quốc thống, giao các địa phương kê khai thần tích; rước linh vị Đền Hùng vào thờ tại miếu Lịch đại đế vương ở Kinh thành Huế. Đồng thời, triều đình cấp tiền tu sửa, tôn tạo các đền: Đền Thượng, đền Trung, đền Hạ, đền Giếng… Các vua nhà Nguyễn theo lệ cứ 5 năm (vào các năm tròn, năm chẵn) nhà nước đứng ra tổ chức Lễ Giỗ Tổ (Quốc lễ) tại Đền Hùng, còn các năm lẻ do địa phương tổ chức. Vào năm Khải Định thứ 2 (1917), quan tuần phủ Lê Trung Ngọc đã xin Bộ Lễ “ấn định ngày Quốc lễ vào 10-3 âm lịch hằng năm làm ngày cả nước làm lễ tế Vua Hùng”. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm được chính thức hóa bằng luật pháp. Và từ đó đến nay, ngày Giỗ Tổ mồng 10 tháng 3 đã trở thành ngày Giỗ Tổ của cả nước.

Các đại biểu dâng hương trong Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2019.   Ảnh: TTXVN
Các đại biểu dâng hương trong Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2019. Ảnh: TTXVN

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm tới Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đã về đây thăm viếng. Ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký “Sắc lệnh của Chủ tịch nước số 22/SL ngày 18 tháng 2 năm 1946” cho “Những viên chức công nhật tòng sự tại các công sở có quyền được hưởng lương” trong một ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm Bính Tuất (1946) - năm đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cụ Huỳnh Thúc Kháng - Quyền Chủ tịch nước đã dâng một tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và một thanh gươm quý nhằm báo cáo với tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Giỗ Tổ Hùng Vương được Nhà nước chính thể hóa với các quy định về tế lễ, dâng hương, các cơ quan nhà nước chủ trì. Nghị định số 145/2013/NĐ-CP ngày 29-10-2013 của Chính phủ Quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài, trong đó có nội dung quy định cụ thể về quy mô tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương.

Ngày nay, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức trang nghiêm trọng thể theo truyền thống văn hóa dân tộc. Phần lễ có nghi thức dâng hương hoa của các đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ, các tỉnh thành được tổ chức trang nghiêm, thành kính. Phần hội tổ chức nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa phong phú xung quanh chân núi Hùng: Các trò diễn dân gian (đánh trống đồng, cồng chiêng, đâm đuống, thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy, kéo lửa thổi cơm thi…), các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của các tỉnh, thành phố, các đội văn nghệ quần chúng trình diễn, các hoạt động thi đấu thể thao được tổ chức quy củ, mang đậm chất văn hóa cội nguồn. Người dân ở địa phương có di tích (đình, đền, miếu...) thờ Hùng Vương và các nhân vật lịch sử liên quan thời kỳ Hùng Vương tự nguyện tổ chức hoạt động tế lễ, rước kiệu về Đền Hùng, chuẩn bị các lễ vật từ đặc sản của địa phương để dâng cúng các Vua Hùng, tham gia các hoạt động văn hóa dân gian.

Từ trung tâm thờ tự các Vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh đến các di tích thờ Hùng Vương, danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trong nước và cả nước ngoài đều đồng loạt tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3 âm lịch trang nghiêm, thành kính, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc ý thức dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước.

Ngày nay, trên cả nước và trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều đền thờ các Vua Hùng và các nhân vật liên quan thời kỳ Hùng Vương. Nhưng Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ) luôn được coi là nơi duy nhất đầu tiên thờ phụng Vua Hùng của cả nước trong cả một quá trình lịch sử lâu dài. Đây là điểm thiêng liêng trong tâm thức và tâm linh của người Việt Nam từ bao đời nay; điểm đến qua nhiều thế kỷ hành hương và thăm viếng mang tính tâm linh nguồn cội. Đảng, Nhà nước ta quan tâm đặc biệt Đền Hùng bằng nhiều chính sách, biện pháp, đầu tư xây dựng Đền Hùng xứng tầm với vị thế là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt - Trung tâm văn hóa tín ngưỡng tâm linh thờ cúng tổ tiên của dân tộc.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ

Di sản Hát Xoan Phú Thọ gắn liền với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, theo truyền thuyết, người dân Phú Thọ đã sáng tạo Hát Xoan và trình diễn tại các đình, đền, miếu thờ Vua Hùng vào dịp đầu xuân. Khởi nguồn từ dân gian và lưu truyền theo hình thức truyền khẩu, trải qua hàng ngàn năm lịch sử được cộng đồng gìn giữ, trao truyền, Hát Xoan đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, nét sinh hoạt văn hóa mang đậm nét đặc trưng của người dân Phú Thọ nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Khởi hành lên núi Nghĩa Lĩnh dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2019. Ảnh: TTXVN
Khởi hành lên núi Nghĩa Lĩnh dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2019. Ảnh: TTXVN

Hát Xoan là một loại hình nghệ thuật tổng hợp, có sự tích hợp giữa văn học, âm nhạc, múa và diễn xướng; lối hát dân gian đặc sắc của người dân vùng đất Tổ Phú Thọ có nguồn gốc từ hình thức hát thờ các Vua Hùng, bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt. Một cuộc trình diễn có 3 chặng: Hát thờ với những bài ca ngợi công đức các Vua Hùng, Thành hoàng làng; hát Quả cách với 14 quả cách ngợi ca thiên nhiên, con người, lao động sản xuất; hát hội, với những bài bày tỏ tình yêu đôi lứa. Thông qua lời hát, điệu múa, họ bày tỏ lòng biết ơn, cầu khấn các vị Vua Hùng ban phúc cho dân, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, vạn vật sinh sôi và cũng qua đó, giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cho lớp trẻ.

Ngày 24-11-2011, UNESCO đã ghi danh Hát Xoan Phú Thọ - Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Ngày 8-12-2017, “Hát Xoan Phú Thọ, Việt Nam” đã chính thức được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Từ lịch sử ra đời, tên gọi, nguồn gốc và quá trình thực hành Hát Xoan Phú Thọ đều gắn chặt và hòa quyện với các truyền thuyết thời Hùng Vương. Đặc biệt, Hát Xoan hầu hết được trình diễn ở các di tích đình, đền thờ tự Hùng Vương. Đó chính là không gian diễn xướng, là chất sống đảm bảo sự phát triển bền vững của di sản Hát Xoan. Mối quan hệ chặt chẽ giữa Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã tạo nên sức sống mãnh liệt để hai di sản cùng song song tồn tại, vượt thời gian, bền vững trong lịch sử.

Hướng về Ngày Giỗ Tỗ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng năm 2020, với tấm lòng thành kính tri ân sâu sắc công lao to lớn của các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước, người dân Việt Nam nguyện đoàn kết một lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Ban Tuyên giáo Trung ương – Tỉnh ủy Phú Thọ


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.