Tìm hiểu về Luật Lâm nghiệp (Kỳ 1)
Câu 1. Luật Lâm nghiệp được Quốc hội thông qua vào thời gian nào?
Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 (gọi là Luật) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 15-11-2017; thay thế Luật Bảo vệ và Phát triển rừng số 29/2004/QH11. Luật gồm 12 chương, 108 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019. Luật quy định về những vấn đề sau:
- Nguyên tắc hoạt động lâm nghiệp;
- Chính sách của nhà nước về lâm nghiệp;
- Phân loại rừng;
- Những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động lâm nghiệp;
- Quản lý rừng;
- Bảo vệ rừng;
- Sử dụng rừng;
- Quản lý nhà nước về lâm nghiệp và kiểm lâm.
Câu 2. Theo quy định của Luật thì lâm nghiệp và hoạt động lâm nghiệp được quy định như thế nào?
Điều 2 của Luật quy định:
- Lâm nghiệp là ngành kinh tế - kỹ thuật bao gồm quản lý, bảo vệ và phát triển, sử dụng rừng; chế biến và thương mại lâm sản.
- Hoạt động lâm nghiệp bao gồm một hoặc nhiều hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản và được thực hiện theo các nguyên tắc sau:
+ Rừng được quản lý bền vững về diện tích và chất lượng, bảo đảm hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, giá trị dịch vụ môi trường rừng và ứng phó với biến đổi khí hậu.
+ Xã hội hóa hoạt động lâm nghiệp; bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của chủ rừng, tổ chức, cá nhân hoạt động lâm nghiệp.
+ Bảo đảm tổ chức liên kết theo chuỗi từ bảo vệ rừng, phát triển rừng, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản để nâng cao giá trị rừng.
+ Bảo đảm công khai, minh bạch, sự tham gia của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư liên quan trong hoạt động lâm nghiệp.
+ Tuân thủ điều ước quốc tế liên quan đến lâm nghiệp mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này hoặc văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam chưa có quy định thì thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế đó.
Câu 3. Nhà nước có những chính sách gì về lâm nghiệp?
Điều 4 của Luật quy định Nhà nước có những chính sách đối với lâm nghiệp như sau:
- Chính sách đầu tư và huy động nguồn lực xã hội cho hoạt động lâm nghiệp gắn liền, đồng bộ với chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh;
- Đảm bảo nguồn lực cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ;
- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư cho hoạt động lâm nghiệp;
- Tổ chức, hỗ trợ pháp lý, bảo vệ và phát triển từng sản xuất; giống cây trồng lâm nghiệp, phục hồi rừng, trồng rừng mới; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới; đào tạo nguồn nhân lực; thực hiện dịch vụ môi trường rừng; trồng rừng gỗ lắn, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn; kết cấu hạ tầng; quản lý rừng bền vững; chế biến và thương mại lâm sản; hợp tác quốc tế về lâm nghiệp;
- Khuyến khích sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp; sản xuất lâm nghiệp hữu cơ; bảo hiểm rừng sản xuất là rừng trồng;
- Bảo đảm cho đồng bào dân tộc thiểu số, cộng đồng dân cư sinh sống phụ thuộc vào rừng được giao gắn với giao đất để sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp; được hợp tác, liên kết bảo vệ và phát triển rừng với chủ rừng, chia sẻ lợi ích từ rừng; được thực hành văn hóa, tín ngưỡng gắn với rừng theo quy định của pháp luật.
Câu 4. Luật quy định có mấy loại rừng, gồm những loại nào?
Theo Điều 5 của Luật thì căn cứ vào mục đích sử dụng chủ yếu, rừng tự nhiên và rừng trồng được phân thành 3 loại là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất.
- Rừng đặc dụng: được sử dụng chủ yếu để bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên, nguồn gen sinh vật rừng, nghiên cứu khoa học, bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, tín ngưỡng, danh lam thắng cảnh kết hợp du lịch sinh thái; nghỉ dưỡng, giải trí trừ phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng; cung cấp dịch vụ môi trường bao gồm: vườn quốc gia; khu dự trữ thiên nhiên; khu bảo tồn loài và sinh cảnh; khu bảo vệ cảnh quan; khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học; vườn thực vật quốc gia; rừng giống quốc gia.
- Rừng phòng hộ: được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, cung ứng dịch vụ môi trường rừng; được phân theo mức độ xung yếu bao gồm: rừng phòng hộ đầu nguồn; rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư, rừng phòng hộ biên giới; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển.
- Rừng sản xuất: được sử dụng chủ yếu để cung cấp lâm sản; sản xuất, kinh doanh lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; cung cấp dịch vụ môi trường rừng.
Câu 5. Vấn đề về sở hữu rừng được quy định ra sao?
Điều 7 của Luật quy định:
- Nhà nước là đại diện chủ sở hữu đối với rừng thuộc sở hữu toàn dân bao gồm: rừng tự nhiên; rừng trồng do Nhà nước đầu tư toàn bộ; rừng trồng do Nhà nước thu hồi, được tặng cho hoặc trường hợp chuyển quyền sở hữu rừng trồng khác theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng bao gồm: rừng do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đầu tư; rừng được nhận chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế rừng từ chủ rừng khác theo quy định của pháp luật.
Câu 6. Khái niệm chủ rừng theo Luật Lâm nghiệp ? Những đối tượng nào là chủ rừng?
- Khoản 9 Điều 2 của Luật quy định: chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng, giao đất, cho thuê đất để trồng rừng; tự phục hồi, phát triển rừng; nhận chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế rừng theo quy định của pháp luật.
- Theo Điều 8 của Luật thì đối tượng là chủ rừng gồm:
+ Ban quản lý rừng đặc dụng, ban quản lý rừng phòng hộ;
+ Tổ chức kinh tế gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật mà không phải là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước cho thuê đất để trồng rừng sản xuất;
+ Đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân được giao rừng;
+ Tổ chức khoa học và công nghệ, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp về lâm nghiệp;
+ Hộ gia đình, cá nhân trong nước;
+ Cộng đồng dân cư;
+ Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước cho thuê đất để trồng rừng sản xuất.
Câu 7. Những hành vi nào sẽ bị nghiêm cấm trong hoạt động lâm nghiệp?
Theo Điều 9 của Luật thì các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động lâm nghiệp gồm:
- Chặt, phá, khai thác, lấn, chiếm rừng trái quy định của pháp luật;
- Đưa chất thải, hóa chất độc, chất nổ, chất cháy, chất dễ cháy, công cụ, phương tiện vào rừng trái quy định của pháp luật; chăn, dắt, thả gia súc, vật nuôi và phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng, rừng mới trồng;
- Săn, bắt, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật rừng, thu thập mẫu vật các loại thực vật rừng, động vật rừng trái quy định của pháp luật;
- Hủy hoại tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng, công trình bảo vệ và phát triển rừng;
- Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng; phòng, trừ sinh vật gây hại rừng; quản lý các loài ngoại lai xâm hại; dịch vụ môi trường rừng;
- Tàng trữ, mua bán, vận chuyển, chế biến, quảng cáo, trưng bày, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh lâm sản trái quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
- Khai thác tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên khoáng sản, môi trường rừng trái quy định của pháp luật; xây dựng, đào, bới, đắp đập, ngăn dòng chảy tự nhiên và các hoạt động khác trái quy định của pháp luật làm thay đổi cấu trúc cảnh quan tự nhiên của hệ sinh thái rừng;
- Giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển loại rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng trái quy định của pháp luật; cho phép khai thác, vận chuyển lâm sản trái quy định của pháp luật; chuyển đổi diện tích rừng, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng trái quy định của pháp luật; phân biệt đối xử về tôn giáo, tín ngưỡng và giới trong giao rừng, cho thuê rừng;
- Sử dụng nguyên liệu trong chế biến lâm sản trái quy định của pháp luật.
(Còn nữa)
Hoàng Thị Hiền (Sở Tư pháp)
Ý kiến bạn đọc