Multimedia Đọc Báo in

An toàn giao thông trước cổng trường: Đến hẹn lại... lo

08:30, 03/09/2019

Bước vào năm học mới, cùng với niềm vui được trở lại trường học của các em học sinh là nỗi lo của người dân về tình hình an toàn giao thông (ATGT) tại các cổng trường học.

Cứ vào giờ cao điểm, người dân TP. Buôn Ma Thuột lại ngao ngán khi thường xuyên đối mặt với tình trạng tắc nghẽn giao thông tại các cổng trường. Có mặt tại đường Lê Hồng Phong, nơi tập trung  nhiều trường học như: Tiểu học, THCS, THPT Victory; THPT Hồng Đức; Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh vào giờ cao điểm, có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh học sinh đi xe máy, xe đạp điện dàn thành hàng ba, hàng bốn, nói chuyện, đùa giỡn. Nhiều em sử dụng xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi, lại không đội mũ bảo hiểm (MBH) …

Một phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi tham gia giao thông.
Một phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi tham gia giao thông.

Tương tự, tại một số trường tiểu học như: Nguyễn Bỉnh Khiêm (đường Nguyễn Đình Chiểu); Ngô Quyền (đường Lê Duẩn)..., khi tiếng trống tan trường vừa dứt, cả khu vực trước cổng trường gần như tắc nghẽn. Hai bên vỉa hè, phụ huynh đi xe máy đỗ chật kín, cùng với rất nhiều xe ô tô đậu dưới lòng đường gây ùn tắc, mất trật tự ATGT. Thêm vào đó, nhiều phụ huynh tới trường đón con bằng xe máy nhưng không đội MBH cho trẻ. Hầu như phụ huynh nào cũng có cùng lý do về việc không đội MBH cho trẻ và đậu xe dưới lòng đường là: “do vội nên quên mang theo mũ", “trường học gần nhà nên không cần đội MBH”; “tiện thì đậu xe ở đây luôn, con tôi sắp ra rồi”...

 

Sự lơ là, chủ quan của các bậc phụ huynh đã làm ảnh hưởng đến ý thức chấp hành luật lệ giao thông của con nhỏ”.

 
Trung tá Nguyễn Quang Vịnh, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh

Có thể thấy, việc ùn tắc giao thông trước cổng trường học trước hết là do ý thức, văn hóa tham gia giao thông của học sinh và nhiều phụ huynh còn hạn chế. Bên cạnh đó, thực tế cho thấy quỹ đất trong sân trường cũng như vỉa hè ở các trường không đủ để chứa nhiều xe trong cùng một thời điểm; phương tiện cá nhân tham gia giao thông tăng cao... Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông tại các cổng trường học. Việc xử lý các hành vi vi phạm của cơ quan chức năng cũng gặp nhiều khó khăn, bởi trường hợp vi phạm diễn ra tập trung trong cùng một thời điểm, nếu CSGT ra tín hiệu dừng một xe sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc phân luồng, điều tiết giao thông. Chính vì vậy, đối với những trường hợp vi phạm này, lực lượng chức năng chủ yếu chỉ nhắc nhở để phụ huynh và học sinh tự nâng cao ý thức chứ chưa xử lý gắt gao. 

Bà Lê Thị Thảo, Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, để bảo đảm ATGT cho năm học mới 2019 – 2020, Sở đã ban hành văn bản chỉ đạo các trường học trên địa bàn tỉnh tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho học sinh về ATGT, trong đó khuyến khích các trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, thi tìm hiểu Luật ATGT.

Ngã tư đường Nguyễn Đình Chiểu và Lê Thánh Tông (TP. Buôn Ma Thuột) luôn ách tắc giao thông sau giờ tan trường của học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Ngã tư đường Nguyễn Đình Chiểu và Lê Thánh Tông (TP. Buôn Ma Thuột) luôn ách tắc giao thông sau giờ tan trường của học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Cùng với đó, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT)  Công an tỉnh cũng đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, phân luồng giao thông vào những giờ cao điểm để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm; chủ động phối hợp với các trường học, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền pháp luật về ATGT qua nhiều hình thức như: tuyên truyền miệng, hình ảnh trực quan, video clip… Tuy nhiên, theo Trung tá Nguyễn Quang Vịnh, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh, bên cạnh sự nỗ lực của nhà trường và lực lượng chức năng thì các bậc phụ huynh cần phải thay đổi thói quen dừng, đỗ xe, quay đầu xe không đúng nơi quy định và thường xuyên quan tâm, nhắc nhở con em mình tuân thủ các quy tắc khi tham gia giao thông, có như vậy mới hạn chế được tình trạng ách tắc giao thông trước cổng trường học.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.