Multimedia Đọc Báo in

Nỗi lo an toàn giao thông ngày mùa

09:55, 06/12/2017

Hằng năm, cứ vào đợt cao điểm thu hái cà phê, tình trạng phương tiện tham gia giao thông (chủ yếu là xe công nông, máy kéo nhỏ) trên các tuyến giao thông nông thôn lại gia tăng đột biến, kéo theo nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT).

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, hoạt động vận tải liên quan đến xe công nông luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất trật tự ATGT. Đặc biệt vào thời điểm ngày mùa, tình trạng người dân điều khiển xe công nông lưu thông trên đường diễn ra khá phổ biến, thậm chí có nhiều gia đình xem là phương tiện để chở người. Từ đầu năm 2017 đến nay, mặc dù tình hình trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh giảm 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2016 nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là vào thời điểm cuối năm khi nhu cầu đi lại, cũng như số phương tiện giao thông tăng cao. Đặc biệt, trong giai đoạn cao điểm mùa thu hái cà phê, tai nạn giao thông đang có xu hướng gia tăng so với các tháng trước. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh), trong tháng 11-2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra 46 vụ tai nạn giao thông, làm chết 26 người, bị thương 46 người (tăng 20 vụ, tăng 8 người chết và tăng 28 người bị thương so với tháng trước liền kề).

Xe công nông tham gia giao thông trên đường nông thôn ở huyện Krông Bông.
Xe công nông tham gia giao thông trên đường nông thôn ở huyện Krông Bông.

Quốc lộ 27 là một trong những tuyến giao thông trọng điểm của tỉnh, hằng ngày có rất nhiều phương tiện tham gia giao thông; trong đợt cao điểm này, phương tiện xe công nông phục vụ nhu cầu thu hái cà phê tăng cao so với ngày thường. Theo một số người dân nơi đây, vào buổi sáng, phụ huynh chở con đi học, người dân đi chợ rất đông cũng là lúc người điều khiển xe công nông đi rẫy. Rất nhiều trường hợp, do vội vàng nên điều khiển xe công nông chạy với tốc độ cao, lấn làn đường của phương tiện khác, rất nguy hiểm. Trò chuyện với anh Y Tuân Mlô (xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) - một “tài xế” lái xe công nông lưu thông trên tuyến đường này hằng ngày, chúng tôi có đề cập đến mối nguy hiểm của loại phương tiện này khi lưu thông trên quốc lộ, anh cười đáp: “Không lo đâu anh, thấy mình chạy phía trước thì ôtô đi chậm lại hoặc né sang một bên tránh mà. Mình biết lái máy cày từ khá lâu rồi, nhà có xe thì cứ lên ngồi và lái thôi, đâu cần trường lớp gì. Tự học là chính!”.

Theo Đại úy Y Sa Li Êban, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông (Công an huyện Cư Kuin), hiện nay hầu hết xe công nông trên địa bàn huyện đều được người dân tự mua, đăng ký lưu hành tại địa phương và tự sửa chữa, bảo dưỡng, không qua đăng kiểm nên rất dễ mất an toàn khi lưu thông trên đường. Tình trạng xe công nông lưu thông trên địa bàn huyện rất phức tạp và khó xử lý bởi đa số người điều khiển phương tiện làm nông nghiệp, ở các vùng sâu vùng xa, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ còn rất hạn chế. Vì vậy, lực lượng Cảnh sát giao thông trong quá trình tuần tra, kiểm soát giao thông chủ yếu tuyên truyền, nhắc nhở.

Xe công nông lưu thông trên đường Hồ Chí Minh (đoạn qua địa bàn thị xã Buôn Hồ).
Xe công nông lưu thông trên đường Hồ Chí Minh (đoạn qua địa bàn thị xã Buôn Hồ).
 

“Để bảo đảm ATGT, Ban ATGT tỉnh cùng các cấp, ngành và lực lượng chức năng đã và đang triển khai các biện pháp đồng bộ như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra nhắc nhở và xử lý các hành vi cố tình vi phạm” 

 
 
Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Bùi Văn Ngọc

Tương tự, huyện Cư M’gar là một trong những địa bàn trọng điểm cà phê của tỉnh, vì vậy vào thời điểm này hằng ngày có rất nhiều phương tiện tham gia giao thông trên đường. Thời gian qua, đã có nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến xe công nông, chỉ tính từ năm 2016 đến nay đã xảy ra 10 vụ, làm 10 người chết và nhiều người bị thương. Thiếu tá Lê Trọng Tưởng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông (Công an huyện Cư M’gar) cho biết: “Trước mùa thu hoạch cà phê, đơn vị đã tổ chức tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT cho đối tượng điều khiển xe công nông; tổ chức ký cam kết không vi phạm luật Giao thông đường bộ, lái xe bảo đảm an toàn; đồng thời đẩy mạnh hoạt động tuần tra, kiểm soát”.

Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk đã đăng ký và đang quản lý khoảng 78.808 máy cày tay (trên thực tế con số này lớn hơn rất nhiều bởi nhiều phương tiện được người dân sử dụng lưu thông từ nhà ra rẫy và ngược lại nên không đăng ký, đăng kiểm với cơ quan chức năng). Tỷ lệ người học thi Giấy phép lái xe hạng A4 (dành cho đối tượng điều khiển xe công nông) còn ít so với số phương tiện hiện có (đạt khoảng 16%). Theo thống kê, từ năm 1995 đến nay, Sở Giao thông vận tải mới tổ chức đào tạo sát hạch, cấp Giấy phép lái xe hạng A4 cho hơn 10.000 trường hợp. Máy cày tay là phương tiện giao thông hữu hiệu, gắn bó lâu nay với người nông dân trên địa bàn tỉnh, mang lại nhiều lợi ích trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, khi tham gia giao thông người dân cũng cần tuân thủ các quy định của pháp luật để bảo đảm an toàn cho chính mình và những người tham gia giao thông khác.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Cùng kiểm lâm giữ rừng 
Bên cạnh lực lượng kiểm lâm chuyên trách giữ rừng, Vườn Quốc gia Yok Đôn với chính sách giao khoán rừng cho người dân vùng đệm đã “biên chế” thêm hàng nghìn người dân cùng chung tay bảo vệ rừng, trở thành cánh tay đắc lực giữ vững màu xanh cho đại ngàn Yok Đôn.