Dịch bệnh nguy hiểm lại rình rập
Mặc dù số ca mắc viêm não mô cầu trong tháng qua chưa nhiều, nhưng đã ghi nhận trường hợp tử vong. Cùng với đó, dịch cúm A/H5N1 cũng đang có nguy cơ bùng phát trở lại sau khi có trường hợp mắc và tử vong đầu tiên trong năm 2012…
Theo Cục Y tế dự phòng, hiện nay tình hình dịch bệnh viêm não mô cầu trên phạm vi cả nước đang có chiều hướng diễn biến phức tạp. Cùng với việc ghi nhận một bé gái 11 tháng tuổi ở Quảng Trị tử vong tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng đã có thêm 3 ca mắc viêm não mô cầu đều là trẻ nhỏ nên rất đáng lo ngại. TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, mặc dù hiện số trường hợp mắc viêm não mô cầu ở nước ta mới ghi nhận lẻ tẻ, nhưng đây là dịch bệnh nguy hiểm nhóm A do vi khuẩn gây ra và lây qua đường hô hấp nên nguy cơ lây lan rộng ra cộng đồng rất lớn. Hơn nữa, dịch bệnh này thường chủ yếu xảy ra vào mùa xuân. Người mắc viêm não mô cầu thường có triệu chứng sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, nhạy cảm với ánh sáng, lơ mơ. Vi khuẩn não mô cầu gây nên các tổn thương ở não, làm mất khả năng nghe và khả năng học tập, nặng hơn là nhiễm trùng máu.
![]() |
Ngành Y tế Dak Lak diễn tập phòng chống cúm A. Ảnh: K.O |
Đáng lo ngại hơn, tại các nước vùng nhiệt đới, bệnh viêm não mô cầu gia tăng khi thời tiết, khí hậu thay đổi và lây lan tại những nơi tập trung đông người. Hơn nữa, qua nghiên cứu dịch tễ của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, hiện nay tỷ lệ người lành mang trùng não mô cầu trong cộng đồng từ 10% - 20% nên nguy cơ lây lan rất lớn, nhất là ở nơi công cộng. Do đó, nếu không phát hiện sớm, khoanh vùng, cách ly người bệnh thì rất dễ lây lan rộng. Dưới góc độ điều trị, Th.S Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, viêm não mô cầu lây lan qua đường hô hấp nhưng không lây lan nhanh và mạnh như vi rút cúm. Tuy nhiên, nếu người mắc ở thể nặng, bệnh nhân lại ở những vùng sâu, vùng xa không có điều kiện hồi sức tốt, kịp thời dễ tử vong. Việc phát hiện sớm các trường hợp mắc và điều trị kịp thời thì tỷ lệ tử vong chỉ khoảng 5%-10%.
Cùng với viêm não mô cầu, dịch bệnh cúm A/H5N1 cũng đang có nguy cơ bùng phát trở lại, đặc biệt, mùa đông xuân là thời điểm thời tiết thuận lợi để vi rút cúm phát triển. TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, ca bệnh đầu tiên trong năm 2012 mắc vi rút H5N1 và tử vong tại tỉnh Kiên Giang vừa qua vẫn là do chủng vi rút H5N1 có độc lực cao, nhưng chưa có biến đổi mạnh hơn những năm trước. Trước tình hình này, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động phòng bệnh bằng cách vệ sinh cá nhân, ăn uống; che miệng bằng khăn giấy hoặc bằng tay khi ho, hắt hơi; đeo khẩu trang khi tiếp xúc gia cầm sống, khi giết mổ gia cầm; không sử dụng thịt, sản phẩm từ gia cầm mắc bệnh hoặc chết; chỉ ăn thịt và sản phẩm từ gia cầm đã được kiểm dịch, có nguồn gốc tin cậy; dùng dao, thớt riêng khi thái thịt sống và thịt chín... Khi có những dấu hiệu như sốt cao đột ngột (trên 38oC), đau đầu, đau nhức cơ, ho khan kéo dài, đau họng, tức ngực dữ dội, khó thở, nghe phổi có tiếng ran, tím tái nhanh, mệt mỏi rã rời, tiêu chảy, rối loạn ý thức thì cần đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
K.O (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc