Multimedia Đọc Báo in

Còn đâu, tượng nhà mồ?

10:47, 22/08/2014

 Phần bị thời gian tàn phá, phần do nghệ nhân tản mát dần vì không còn đam mê với nghề, và nhiều lý do khác… đã khiến tượng nhà mồ - nét văn hóa đặc sắc và độc đáo ở Tây Nguyên đang dần như biến mất.

Mờ xa rừng tượng

Tôi vào buôn Yang Lành, xã Krông Na - Buôn Đôn tìm Ama Puynh-một trong số ít nghệ nhân tạc tượng nhà mồ nổi tiếng nhất vùng, nhưng không được gặp nữa, ông đã mất cách đây ba năm. Lang thang trong những khu nhà mồ gần đó thì bắt gặp người đàn ông đứng tuổi tên là Y Lao, nhà ở cạnh con đường vào buôn. Qua chuyện trò với ông, tôi mới biết ông tỏ ra khá hiểu biết về văn hóa tượng nhà mồ Tây Nguyên.         

Tôi đem mối quan tâm của mình hỏi thử: “Ở đây còn mua bán tượng nhà mồ không?”. Một ánh nhìn dò xét thoáng qua và cũng mất vài phút để cạn tiếp chai bia mà tôi thật tình mời anh bên quán cóc ven đường, Y Lao mới ngần ngừ cụt lủn: “ Ngày trước có, bây giờ thì không”. Câu chuyện về tượng nhà mồ của các tộc người bản địa giữa tôi và Y Lao được nối dài thêm, khi ông tâm sự: “Mình không mua bán tượng nhà mồ, nhưng có quen biết vài người đã từng làm, sau đó bỏ hẳn”. Còn vì sao phải bỏ, Y Lao cho rằng đã có không ít tác phẩm điêu khắc độc đáo ấy ở Buôn Đôn, Ea H’leo, Cư M’gar và nhiều vùng khác nữa bị kẻ gian đánh cắp. Những đối tượng làm việc đó, ban đầu cũng không ý thức được là phạm pháp, cứ nghĩ có người mua thì vào nhà mồ ở trong những cánh rừng kia lấy về để bán, thậm chí đổi vài lít rượu, con gà nhậu chơi, chứ chẳng có gì quan trọng. Đến hồi, tượng nhà mồ mất nhiều quá, bà con phản ánh với chính quyền sở tại để ngành chức năng vào cuộc và có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Nhưng chuyện đó xảy ra lâu rồi, từ những năm 1998-2000, sau đó không ai làm việc này nữa. Hơn thế, về sau khi đối tượng cần mua - chủ yếu là những tay chơi ở các thành phố lớn biết được tượng nhà mồ là của sở hữu của người chết, nên không còn ai mặn mà săn đón, thành ra các đường dây trộm cắp, buôn bán tượng nhà mồ có một thời “nóng” lên ở địa bàn Tây Nguyên tự nhiên lắng xuống - Y Lao thừa nhận

Tượng nhà mồ ở vùng Buôn Đôn, đơn giản chỉ còn lại tượng chim công và ngà voi đơn điệu.
Tượng nhà mồ ở vùng Buôn Đôn, đơn giản chỉ còn lại tượng chim công và ngà voi đơn điệu.

Nạn trộm cắp, mua bán sản phẩm được coi là di sản văn hóa của các tộc người bản địa ở Dak Lak nói riêng và cả Tây Nguyên nói chung đã chấm dứt, nhưng trong các khu nhà mồ thì những bức tượng đặc sắc và độc đáo còn lại sao vẫn vắng vẻ đến chạnh lòng. Y Lao cũng nhận ra điều đó và nói với tôi: “ Bây giờ ít người tạc tượng nhà mồ lắm, mình đi nhiều nên biết rõ. Không riêng gì ở vùng Buôn Đôn này đâu, mà các vùng nổi tiếng có nhiều tượng nhà mồ đẹp như Ea H’leo, Cư M’gar… đều không còn”.   

Nguyên nhân thì nhiều, nhưng theo ông Ama Niên - một người có hiểu biết về tượng nhà mồ (ở buôn Yang Lành - Krông Na) mà Y Lao giới thiệu cho tôi trong lần hạnh ngộ ấy, thì do quan niệm, tín ngưỡng tâm linh của đồng bào đã thay đổi. Họ cho rằng chết là hết! Muốn giữ lại những khoảnh khắc nhân sinh trên thế gian này với đầy đủ cảm xúc nhất, thì con người ta đã biết ký thác bằng nhiều cách thức, phương tiện hiện đại hơn (là họa tác, chụp ảnh, quay phim), chứ đâu còn duy nhất là tạc tượng rồi đem đặt quanh ngôi mộ của người đã khuất. Vì thế vai trò của nghệ nhân tạc tượng nhà mồ dần phai lạt rồi mất hút, trong khi  lớp trẻ kế tiếp lớn lên chẳng mấy ai thiết tha, mong muốn kế thừa di sản văn hóa của ông bà đang ngày càng khuất lấp, lùi dần trong đời sống hôm nay. Ông Ama Niên nhận xét: ngày trước tượng nhà mồ được làm ra càng đẹp, càng ấn tượng thường rơi vào những gia đình, dòng tộc quyền thế, giàu có, nhờ vậy mới có những vườn tượng nhà mồ bề thế cho con cháu sau này tự hào. Bây giờ khác, nhà càng giàu, càng quyền thế thì thay vì tạc tượng, họ xây mộ thật to cho người đã khuất bằng vật liệu hiện đại, đắt tiền hơn, chứ không quan tâm đến phong tục tạc tượng để “làm vui lòng người chết” như trước nữa. Thế mới biết phong tục đẹp rực rỡ một thời của tượng nhà mồ với những giá trị nghệ thuật, nhân văn sâu sắc được gửi gắm trong đó đã đến lúc phai tàn. Người ta đâu biết, thậm chí không cần biết tượng nhà mồ là cả một thế giới được tái tạo lại và khởi sinh tiếp tục những gì đã mất trong khả năng mà con người có thể…

“Giải mã” tượng nhà mồ

Nhiều nghệ nhân và nhà nghiên cứu tượng nhà mồ ở Tây Nguyên cho rằng: những bức tượng được làm ra, đem đặt trong khu nhà mồ được coi như gạch nối giữa người sống với người đã mất. Giữa hai thế giới sinh – tử  tưởng chừng như đứt đoạn ấy lại gặp nhau thông qua suy tư, ký thác được  gửi gắm trong từng bức tượng.     

Nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Ja Rai- Nay Kỳ Hiệp (Bảo tàng tỉnh Gia Lai) giải mã: Theo quan niệm cổ xưa của các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên thì mọi cảm xúc vui buồn, khổ đau, hạnh phúc và hoan lạc… của con người không chỉ hiện hữu nơi trần thế, mà còn ở cả “thế giới bên kia”, vì những giá trị nhân sinh đó vẫn tiếp diễn như thường. Bởi thế, khi vào một khu nhà mồ nào đó của các tộc người Tây Nguyên, nhìn vào từng bức tượng và sắc thái được nghệ nhân phô diễn trên đó là có thể nhận biết “người nằm xuống” là ai, có tình cảm và khát vọng gì? Dĩ nhiên, mối dây liên hệ sâu thẳm ấy chỉ có  người trong cuộc mới hiểu hết.

Còn nhớ, tôi đã từng gặp nhiều nghệ nhân tạc tượng nhà mồ tiêu biểu như Ama Puynh khi ông còn sống, hay cụ Kpă Thin tuổi ngoài tám mươi sống ở  buôn Puk (xã Ea Sol, huyện Ea H’leo) bây giờ. Cả hai đều giải thích tường tận: trước khi bắt tay tạc một bức tượng nhà mồ phải nắm bắt trọn vẹn tình cảm, tâm tư của “thân chủ”, xem họ và người thân đã mất muốn gì, hay nói đúng hơn là giữa hai cõi “sống - chết” ấy đã diễn ra mối dây liên hệ nào? Ví như tượng mẹ bồng con với đôi tay quấn quýt, sắc mặt rạng ngời hạnh phúc, hay một người đàn ông lưng trần ngồi đăm chiêu, suy tư với tẩu thuốc trên môi… được đặt bên cạnh những ngôi mộ trong khu nhà mồ mà chúng ta thường thấy, đích thực là “phiên bản” được lưu lại cho người đã mất. “Phiên bản” ấy luôn hướng đến sự tái tạo lại cuộc sống cho người ở “thế giới bên kia” theo hướng tích cực và nhân văn nhất thông qua những bức tượng gỗ đơn sơ và mộc mạc ấy. Tiếc là hiện nay nhiều khu tượng nhà mồ không còn nữa vì sức tàn phá, hủy hoại của thời gian, sự hờ hững của thế hệ kế tiếp trong sứ mạng gìn giữ, bảo tồn vốn văn hóa đặc sắc và hết sức độc đáo này. Vì thế khi nói về sự mất, còn của tượng nhà mồ, những nghệ nhân trên đều mong mỏi rằng: việc nghiêm túc tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa tượng nhà mồ để có thể định ra các thiết chế quản lý, bảo tồn tượng nhà mồ một cách có trách nhiệm là việc làm cấp thiết, trong đó ngành văn hóa là cơ quan không thể đứng ngoài cuộc trong bối cảnh văn hóa tượng nhà mồ đang dần biến mất hiện nay. 

 Đình Đối


Ý kiến bạn đọc