Multimedia Đọc Báo in

Báo động tình trạng học sinh bỏ học đi lao động sớm

07:01, 13/03/2016

Tạm“lắng” một thời gian, sau Tết Nguyên đán Bính Thân tình trạng trẻ em bỏ học đi lao động ngoài tỉnh, chủ yếu tại TP. Hồ Chí Minh lại “rộ” lên. Tình trạng này đang phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ đối với trẻ khi sống xa gia đình. Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông Y SA PHÔN NIÊ KNƠNG, Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH  về vấn đề này.

+ Trên địa bàn tỉnh ta hiện có bao nhiêu trẻ em bỏ học đi lao động ngoài tỉnh; các ngành chức năng, trực tiếp Sở LĐ-TBXH đã triển khai biện pháp gì nhằm ngăn chặn tình trạng này, thưa ông?

Cuối tháng 2-2016, Sở LĐ-TBXH nhận được thông tin tại buôn Trưng (xã Cư Bông, huyện Ea Kar) có nhiều trẻ em đi lao động tại TP. Hồ Chí Minh. Ngày 2-3, Sở có buổi làm việc với chính quyền địa phương về thực hiện Chỉ thị 07 ngày 24-6-2015 của UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng trẻ em bỏ học đi lao động sớm. Theo UBND xã, từ sau Tết cổ truyền Bính Thân đến nay có hai học sinh nữ Êđê (sinh năm 2001 và 2002) thuộc diện hộ nghèo bỏ học sớm đi lao động tại TP. Hồ Chí Minh. Như vậy toàn xã hiện đã có 9 trẻ em dưới 16 tuổi bỏ học sớm đi làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Ngày 3-3, Sở tiếp tục nhận được thông tin, từ đầu năm 2016 đến nay tại Trường THCS Giang Sơn (xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin) có 16 em học sinh bỏ học. Qua xác định có 10 em bỏ học đi làm, 6 em còn lại bỏ học vì những lý do khác. Mới đây, Trường THCS Nguyễn Viết Xuân (xã Bông Krang, huyện Lắk) cho biết, có một em học sinh lớp 9 bỏ học vào TP. Hồ Chí Minh làm việc được 3 ngày do không chịu nỗi áp lực công việc nên đã quay về. Em học sinh này đi cùng 2 người bạn ở cùng buôn.

Trước tình trạng trên, Sở chỉ đạo các phòng LĐ-TBXH phối hợp chặt chẽ với chính quyền các xã nắm bắt số lượng trẻ em bỏ học đi lao động ngoài tỉnh để tổng hợp báo cáo, tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra thực hiện Chỉ thị 07 của UBND tỉnh trong thời gian sóm nhất.

+ Việc học sinh bỏ học sớm đi lao động ngoài tỉnh đã diễn ra từ nhiều năm nay và sau kỳ nghỉ Tết số em đi làm lại nhiều lên, vậy đâu là nguyên nhân?

Tình trạng trẻ em bỏ học đi lao động sớm ngoài tỉnh diễn ra từ năm 2013, nhưng đến năm 2015 Sở mới nắm được thông tin và hiện nay có hiện tượng này trở lại. Qua nắm bắt, trẻ em bỏ học sớm chủ yếu là con em đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, thuộc diện hộ nghèo, bố mẹ ít quan tâm con cái. Nhà nghèo, học lực kém dẫn đến chán nản bỏ học, bị một số đối tượng lạ mặt dụ dỗ, lôi kéo đi lao động sớm ngoài tỉnh. Sau Tết Nguyên đán xảy ra tình trạng bỏ học đi làm vì ở buôn làng cũng có một vài trường hợp trẻ em đi làm xa đến Tết cổ truyền về nhà. Những lao động này thường kể chuyện tâm sự công việc, rồi lại có điện thoại, quần áo đẹp… làm cho các em tò mò muốn đi để “khám phá”, có tiền đỡ đần bố mẹ. Trong năm 2015, trước tình trạng trẻ em bỏ học đi làm ngoài tỉnh nhiều, Sở LĐ-TBXH đã có buổi làm việc với Sở LĐ-TBXH TP. Hồ Chí Minh với mong muốn nắm bắt chính xác địa chỉ nơi các em làm việc. Song không thực hiện được bởi các em chủ yếu làm công nhân cho các cơ sở tư nhân. Qua chuyến khảo sát thực tế cho thấy, nhu cầu tuyển dụng lao động trẻ em làm việc ở các cơ sở may mặc gia công tại TP. Hồ Chí Minh rất lớn. Trẻ em DTTS có nhu cầu việc làm, các cơ sở sản xuất có nhu cầu tuyển dụng lao động trẻ em, điều này làm cho nỗ lực ngăn chặn tình trạng trẻ em bỏ học đi lao động của tỉnh khó càng thêm khó.

+Tình trạng này có thời điểm “lắng xuống”, nhưng sau đó lại “rộ” lên,  phải chăng công tác phối hợp vào cuộc của các ngành chức năng thiếu thường xuyên và chặt chẽ?

Nói như vậy chỉ đúng một phần, bảo vệ, chăm sóc trẻ em là của toàn xã hội. Chỉ thị 07 của UBND tỉnh phân công rõ trách nhiệm của từng sở, ngành, lãnh đạo chính quyền địa phương trong việc hạn chế tình trạng trẻ em bị dụ dỗ bỏ học đi lao động sớm. Về phía Sở LĐ-TBXH, trên cơ sở xác định chính xác nguyên nhân trẻ em bỏ học sớm đi lao động ngoài tỉnh đã thực hiện tốt các chính sách đối với các hộ nghèo, như: nhà ở, bảo hiểm y tế, cấp sách giáo khoa, vở viết, dụng cụ học tập cho học sinh, trợ giúp pháp lý, khuyến nông-lâm-ngư. Ngoài ra, các dịp lễ, Tết, hộ nghèo đều được tặng quà, cứu đói giáp hạt… hạn chế thấp nhất tình trạng học sinh bỏ học do nghèo.  Với sự vào cuộc của các ngành chức năng, chính quyền địa phương đã có 107 trong tổng số 256 trẻ em bỏ học sớm đi lao động ngoài tỉnh đã trở về.

Theo tôi đây là việc làm thường xuyên, liên tục vì vậy các sở, ngành, địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn. Qua phản ánh có em bỏ học đi làm chủ động, nhưng cũng có trường hợp bị “cò” dụ dỗ đi làm. Chính quyền các xã cần tăng cường công tác quản lý một số đối tượng lạ mặt vào thôn, buôn tuyển dụng lao động, nhất là lao động trẻ em. Mặt khác, phụ huynh cần nâng cao nhận thức: việc con cái chưa đủ tuổi đi lao động sống xa gia đình luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể bị dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc, lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội. Thực tế trong năm 2014 đã có trường hợp trẻ em đi lao động xa nhà bị mất tích và một số trường hợp bị xâm hại tình dục dẫn đến mang thai.

+ Xin cảm ơn ông! 

Gia Nguyên (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc