Multimedia Đọc Báo in

10 năm nội chiến Syria: Hòa bình vẫn còn xa vời

05:55, 19/03/2021
Tình hình ở Syria vẫn là “ác mộng giữa đời thường” sau 10 năm nội chiến. Đó là nhận định của Tổng Thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) Antonio Guterres khi kêu gọi các bên tiếp tục đẩy nhanh tiến trình hòa bình, mang lại cuộc sống hòa bình thực sự cho người dân...

“Cơn ác mộng kinh hoàng”

Cách đây 10 năm, ngày 15-3-2011 được xem là dấu mốc khởi đầu cho cuộc xung đột tại Syria khi các cuộc biểu tình phản đối chính phủ đồng loạt diễn ra trên toàn quốc. Sau một thập kỷ, cuộc nội chiến Syria đã cướp đi sinh mạng của 388.000 người, trong đó có khoảng 118.000 dân thường và 22.000 trẻ em. Hơn 1/2 dân số Syria đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, khoảng 200.000 người mất tích.

Tới nay, chính phủ Syria đã giành lại gần hết quyền kiểm soát lãnh thổ nhưng hạ tầng cơ sở đã bị tàn phá nặng nề và sự chia rẽ dân tộc thì vẫn còn đó. Ngoài ra, sự lan rộng của đại dịch Covid-19 khiến cuộc sống của người dân càng thêm khó khăn. LHQ cảnh báo, nếu không có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế thì 60% người dân Syria có nguy cơ đối mặt với nạn đói trong năm nay, đặc biệt là người dân tại các khu vực biên giới và các khu vực xung đột.

Binh sĩ quân đội Syria.  Ảnh: AFP/TTXVN
Binh sĩ quân đội Syria. Ảnh: AFP/TTXVN

Những trở ngại chính đối với tiến trình hòa bình Syria phải kể đến đầu tiên đó là xung đột lợi ích giữa các quốc gia trong và ngoài khu vực có ảnh hưởng lớn về cả quân sự và chính trị ở Syria, và có quyền quyết định thay cho người Syria. Rất nhiều cuộc hòa đàm đã được tổ chức, từ các hội nghị Geneva, các vòng đàm phán Astana, tiếp xúc song phương giữa Mỹ và Nga… nhưng chưa bao giờ đem lại kết quả thực sự. Thứ hai, là sự chia rẽ trong nội bộ những người Syria. Chính phủ đã giành lại quyền kiểm soát các thành phố lớn nhất của Syria, nhưng một phần lớn đất nước vẫn nằm dưới sự kiểm soát của phe đối lập vũ trang, các phần tử thánh chiến hoặc lực lượng Dân chủ Syria do người Kurd kiểm soát. Chính phủ Syria nhận được sự ủng hộ của Nga và Iran, trong khi phe đối lập được Thổ Nhĩ Kỳ, các cường quốc phương Tây và một số quốc gia vùng Vịnh ủng hộ ở các mức độ khác nhau.

Thứ ba là khó khăn trong hoạt động tái thiết và cung cấp viện trợ nhân đạo. Theo tính toán của giới chuyên gia, chi phí cần thiết cho công cuộc tái thiết cơ sở hạ tầng của Syria dao động từ 300 đến 1.200 tỷ USD, và chỉ tính riêng việc khắc phục hậu quả chiến tranh sẽ mất từ 10 - 15 năm; còn việc tái thiết lại các cơ sở hạ tầng, khôi phục lại nền kinh tế và đạt mức phát triển như hồi trước năm 2011 là "nhiệm vụ thế kỷ" đối với không chỉ chính quyền Syria mà còn với cả cộng đồng quốc tế.

Cần các nỗ lực ngoại giao  của cộng đồng quốc tế

Hôm 15-3, Hội đồng Bảo an LHQ đã họp định kỳ hằng tháng về tiến trình chính trị tại Syria.

Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ về tình hình Syria Geir Pedersen cho rằng, cộng đồng quốc tế đang bị chia rẽ và bị ảnh hưởng bởi cạnh tranh địa chính trị trong xung đột, dẫn tới việc chưa tìm được giải pháp. Ông Geir Pedersen nhấn mạnh rằng, “tình trạng tuyệt vọng” của người dân Syria có thể kéo dài thêm cả thập kỷ nếu không có các nỗ lực ngoại giao quốc tế mang tính xây dựng song hành cùng tiến trình đàm phán giữa các bên tại Syria. Ông cho rằng, các bên tại Syria và quốc tế cần thay đổi cách tiếp cận, cân nhắc vấn đề trên bàn đàm phán một cách thực tế nhằm đạt các bước tiến cụ thể. Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ khuyến nghị thành lập một khuôn khổ đối thoại quốc tế mới để hỗ trợ thúc đẩy tiến trình chính trị tại Syria.

Trẻ em chính là nạn nhân chịu ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc xung đột kéo dài ở Syria. Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng LHQ, trong vòng 10 năm qua, hơn 1 triệu trẻ em được sinh ra trong các trại tị nạn ngoài Syria; 3,5 triệu trẻ em thất học; 90% trẻ em Syria đang rất cần được hỗ trợ cả về vật chất và tâm lý. Chúng không biết đến bất cứ điều gì ngoài chết chóc, li tán và tàn phá.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, chia sẻ quan điểm với thành viên Hội đồng Bảo an về sự cần thiết phải thúc đẩy tiến trình chính trị do người dân Syria dẫn dắt và làm chủ, trên cơ sở Nghị quyết 2254 mà Hội đồng Bảo an đã đồng thuận thông qua năm 2015. Để thúc đẩy tiến trình chính trị tại Syria, Đại sứ nhấn mạnh việc cần thúc đẩy xây dựng lòng tin và tăng cường đối thoại giữa các bên tại Syria cũng như trong cộng đồng quốc tế. Bên cạnh đó, Đại sứ kêu gọi các bên kiềm chế các hành động có thể làm tình hình leo thang, duy trì tình trạng ổn định để phục vụ các nỗ lực đàm phán và tăng cường hỗ trợ cho Syria về mọi mặt nhằm vượt qua các thách thức hiện nay.

Cùng ngày, Ngoại trưởng các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Italia đã ra tuyên bố chung nhân dịp 10 năm cuộc nội chiến tại Syria. Theo Ngoại trưởng 5 nước, việc thực hiện Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an là cách duy nhất để giải quyết cuộc xung đột ở Syria. Tuyên bố kêu gọi chính phủ Syria và các lực lượng ủng hộ tham gia nghiêm túc vào tiến trình chính trị và cho phép viện trợ nhân đạo được vận chuyển tới các cộng đồng đang cần. Tuyên bố nêu rõ, mọi tiến trình chính trị cần có sự tham gia và tiếng nói của người dân Syria.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng kêu gọi các bên đưa ra hành động, hướng tới hòa bình và đàm phán về Hiến pháp mới. Ông Guterres khẳng định, LHQ sẽ tiếp tục theo đuổi một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột, dựa trên nghị quyết của Hội đồng Bảo an thông qua vào tháng 12-2015. Ông Guterres cho rằng, bước đi đầu tiên hướng đến một giải pháp chính trị nên dựa trên bước tiến cụ thể trong Ủy ban Hiến pháp. Các bên có cơ hội thoát khỏi tình trạng xung đột thông qua đối thoại ngoại giao bền vững và mạnh mẽ.

Hồng Hà (tổng hợp)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.