Multimedia Đọc Báo in

Hội vật đất Bắc trên Tây Nguyên

09:03, 29/03/2018

Vào rằm tháng Giêng hằng năm, tại thôn 8, xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc), lại diễn ra Hội vật truyền thống xã Vụ Bổn, thu hút nhiều du khách đến xem, thưởng lãm, cổ vũ cho các đô vật tranh tài…

Hội vật truyền thống xã Vụ Bổn đã được tổ chức hơn 25 năm nay. Theo các bậc cao niên ở địa phương, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, một bộ phận dân cư ở Bắc Giang đến đây lập nghiệp và mang theo “hành trang”, nét văn hóa truyền thống, đặc sắc của quê nhà là đấu vật. Với ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, nhắc nhở về cội nguồn quê hương nên cứ đúng vào dịp Tết Nguyên tiêu, bà con tổ chức hội vật, ban đầu chỉ ở quy mô hội làng nhằm tạo sân chơi để trai tráng địa phương có dịp thi thố tài năng. Đến năm 2007, UBND huyện Krông Pắc đã nâng lên thành hội vật truyền thống cấp huyện.

Du khách có dịp đến Vụ Bổn đúng dịp này, từ xa đã nghe vọng âm thanh tiếng trống hội thôi thúc, giục giã. Càng đến gần, hòa quyện với tiếng trống hội rộn rã là tiếng reo hò, cổ vũ của khán giả. Xoay quanh xới vật được lập nên ở ngay bãi đất trống của thôn, đông đảo khán giả hào hứng dõi theo những miếng, thế đánh của các đô vật đến từ nhiều vùng miền, cả trong và ngoài tỉnh. Qua hội đấu vật, khán giả có dịp hiểu thêm một trong những môn võ dân tộc truyền thống luôn đề cao tinh thần thượng võ, thông qua các nghi thức khai hội, trong đó có keo vật thờ.

Đông đảo khán giả đến cổ vũ các đô vật lứa tuổi thanh thiếu nhi tranh tài tại Hội vật.
Đông đảo khán giả đến cổ vũ các đô vật lứa tuổi thanh thiếu nhi tranh tài tại Hội vật.

Đây là nghi thức đặc sắc, mang nhiều ý nghĩa tâm linh nhất. Theo đó trước khi vào giải, hai đô vật có đức, uy tín tại địa phương, thường là những lão đô, được tuyển chọn kỹ lưỡng tiến lên xới vật tiến hành keo vật thờ. Keo vật thờ không mang tính chất thắng thua mà như một nghi lễ tế tự, bái tổ. Keo vật diễn ra đẹp mắt, nhẹ nhàng qua việc hai đô vật giới thiệu các miếng đánh thường thấy và kết thúc bằng động tác cùng lộn một vòng và quay mặt về hướng trống, đứng lên bái tổ, khai hội.

Sau keo vật thờ, đô vật đến từ các vùng miền tiến lên đăng ký xới vật, cùng nhau tranh tài. Trước khi phân tài cao thấp, hai đô vật thực hiện nghi thức xe đài, như là một hình thức tự giới thiệu bản thân với khán giả. Những đô vật với thân hình to lớn, vạm vỡ song động tác lại nhẹ nhàng, uyển chuyển, linh hoạt phô diễn những điệu xe như rồng bay, phượng múa, trông hết sức đẹp mắt. Sau màn xe đài, hai đô liên tục di chuyển, vờn nhau, lựa thế hòng quật ngã đối thủ, trong tiếng reo hò vang dội của khán giả.

Thông thường, để trở thành người chiến thắng sau cùng, các đô vật phải thi đấu từ các giải lèo thường, sau khi giành phần thắng tiếp tục được vào thi đấu tranh các đầu lèo giải và tiến hành giữ, phá các đầu lèo. Khi thắng các đầu lèo, đô vật có quyền thi đấu giữ và phá các giải nhất, nhì và ba. Chính vì phải thi đấu với nhiều đối thủ, nên đấu vật không chỉ đòi hỏi các đô vật phải có sức khỏe, thể lực mà phải mưu trí, nhanh nhẹn, linh hoạt, có thế, có miếng, kỹ thuật…

Các đô vật tranh tài tại Hội vật.
Các đô vật tranh tài tại Hội vật.

Một nguyên tắc bất di bất dịch trong đấu vật là để chiến thắng đối thủ, đô vật phải nhấc bổng đối thủ lên không, không cho hai chân đối phương chạm đất  hoặc vật đối phương ngã ngửa xuống mặt đất, bởi vậy, có những keo vật kéo dài rất lâu song không phân định được thắng bại do chưa có đô vật khuất phục được đối phương. Bởi vậy, các đô vật có rất nhiều thế, miếng đánh để sử dụng trong thi đấu, như: kê (dùng hông hoặc vai làm điểm tựa để quăng ngã đối thủ), cản (dùng chân quét, gạt, cản chân đối thủ làm mất thăng bằng cho té ngã), đệm (dùng đầu gối, bắp đùi, lót đằng sau chân đối thủ rồi dùng sức mạnh của mình gài, đẩy, xô đối phương té ngửa ra) hoặc vét (khi đang vờn nhau, nhử cho đối thủ tiến lại gần, rồi cúi người xuống, chân trái hạ tấn thấp, chân phải rút về sau duỗi thẳng, đồng thời tay phải đưa lên ấn mạnh vào vai trái đối thủ, bàn tay bắt chặt sau chân trái đối thủ giật mạnh về phía mình). Keo vật càng kéo dài, khán giả càng hào hứng, phấn khích cổ vũ cho đô vật mình yêu thích.

Danh tiếng Hội vật Vụ Bổn đã lan rộng ra các địa phương khác. Nhiều đô tài đến từ khắp nơi, gần thì ở Đắk Nông, Lâm Đồng, Phú Yên, Gia Lai... xa hơn nữa thì đến từ xứ sở của hội vật là Bắc Ninh, cứ đúng dịp Tết Nguyên tiêu lại lặn lội đến Vụ Bổn hội ngộ, cùng nhau tranh tài, thi thố tài năng, tạo nên một ngày hội sôi nổi trên quê hương Đắk Lắk và qua đó tạo nên bức tranh đa sắc màu trong nền văn hóa phong phú của các dân tộc Tây Nguyên.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc