Multimedia Đọc Báo in

Mô hình trường học mới - Bước chuyển lớn trong giáo dục tiểu học tại Dak Lak

14:17, 14/05/2013

Năm học 2011-2012, Dak Lak là tỉnh đầu tiên thực hiện thí điểm Dự án Mô hình trường học mới tại Việt Nam (Dự án GPE-VNEN) do Quỹ hỗ trợ Toàn cầu về giáo dục (Ngân hàng Thế giới - WB) tài trợ. Mô hình trường học mới đã chứng tỏ tính ưu việt của mình trong việc đổi mới hoạt động giáo dục và hoạt động sư phạm, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá chất lượng học sinh tiểu học...

Đổi mới triệt để phương pháp dạy - học

Đến nay sau gần 2 năm thử nghiệm, mô hình trường học mới đã có nhiều lợi ích, giúp học sinh phát huy được tính độc lập, tự chủ và sáng tạo. Theo ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học, Giám đốc Ban Quản lý dự án GPE-VNEN Trung ương, Mô hình trường học mới có sự khác biệt rất lớn so với các phương pháp giáo dục cũ. Thông thường theo phương pháp dạy truyền thống, học sinh muốn có tri thức đều phải nhờ sự giảng dạy trực tiếp của thầy cô, còn đối với mô hình trường học mới, học sinh muốn có được tri thức các em phải tự học, tự làm việc theo nhóm. Các thầy cô chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn dựa trên các tài liệu học tập. Nội dung kiến thức sẽ được truyền tải ở tài liệu học tập và cấu trúc bài học của học sinh sẽ được viết theo 3 hoạt động là: hoạt động cơ bản, hoạt động thực hành và hoạt động ứng dụng. Ở mỗi một hoạt động này, sẽ có một nội dung tương ứng với các em. Khi học, nếu học sinh gặp những nội dung khó, các em có quyền ra các tín hiệu để cô giáo đến hỗ trợ kịp thời. Chương trình học tập vẫn bảo đảm đúng nội dung chương trình sách giáo khoa trên toàn quốc, nhưng khi thể hiện trên sách nội dung sẽ được viết theo 3 hoạt động cơ bản như đã nói ở trên. Mô hình mới này ngoài phương pháp học đổi mới, cách tổ chức lớp học cũng rất phong phú. Thay đổi lớn nhất, dễ thấy nhất tại các lớp học là học sinh không ngồi theo từng dãy bàn ghế như một lớp học truyền thống mà chia theo từng nhóm. Với cách học này học sinh có thể rèn thói quen tự học, tự đánh giá, tự quản lý thời gian, tự thực hành và ứng dụng. Trong giờ học, giáo viên không giảng bài một chiều mà làm nhiệm vụ hướng dẫn, nhóm trưởng mỗi nhóm sẽ có nhiệm vụ triển khai nội dung học tập và tổ chức thảo luận nhóm. Mỗi nhóm đều có 1 biểu tượng mặt cười và mặt méo, nhóm nào làm xong bài trước thì giơ mặt cười, nếu gặp bài khó không làm được thì giơ mặt méo lên để cầu cứu sự trợ giúp của giáo viên và các nhóm khác. Một bảng đo tiến độ thường xuyên sẽ được dùng để đo sự tiến bộ của mỗi nhóm qua từng ngày và tạo ra sự thi đua giữa các nhóm.

Một lớp học theo Mô hình trường học mới tại huyện Krông Ana.
Một lớp học theo Mô hình trường học mới tại huyện Krông Ana.

Là một trong những giáo viên trực tiếp đứng lớp theo Mô hình trường học mới, cô Võ Thị Thanh Hòa (giáo viên lớp 2A, Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, huyện Krông Ana) cho hay, mô hình trường học mới đã giúp cho học sinh có những thay đổi tích cực. Với phương châm lấy học sinh là trung tâm, cùng với học qua sách vở, các em được tham gia hoạt động ngoại khóa nhiều hơn, được hướng dẫn tự học theo nhóm, học sinh chủ động, tự tin hơn. Giáo viên và học sinh tương tác với nhau nhiều hơn. Điều quan trọng nữa là những học sinh có học lực yếu đã có nhiều cơ hội thể hiện mình hơn trong quá trình học tập.

Cần sớm mở rộng Mô hình trường học mới

Tại Dak Lak, Dự án GPE-VNEN hiện đã được triển khai tại 74 trường tiểu học của 15 huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh, trong đó khối lớp 2 có 251 lớp với 6.164 học sinh (1.765 học sinh dân tộc thiểu số); khối lớp 3 có 238 lớp với 5.929 học sinh (1.657 học sinh dân tộc thiểu số). Với mục đích đổi mới quá trình sư phạm, đồng thời tăng cường hệ thống cơ sở vật chất, góp phần giúp học sinh vùng khó khăn được đến trường học cả ngày, các trường học áp dụng mô hình dạy học mới được hỗ trợ cả về mặt chuyên môn lẫn kinh phí thực hiện các nội dung từ các nhà tài trợ. Giáo viên phụ trách các lớp thí điểm được hỗ trợ về chuyên môn bằng cách tham gia các lớp tập huấn, học tập chuyên đề để được trang bị các kiến thức, kỹ năng trong việc giữ vai trò làm người hướng dẫn, đồng hành với học sinh giúp các em tự tìm hiểu, tiếp cận kiến thức trong mỗi giờ học ở lớp. Có thể nói, việc áp dụng Mô hình trường học mới đã thực sự tạo một bước chuyển rất lớn trong việc thay đổi tư duy giáo dục ở các nhà trường, hướng học sinh hình thành tính tích cực, chủ động trong giờ học cũng như kỹ năng tự tìm hiểu, học hỏi về sau. Theo đánh giá kết quả học tập của Sở GD&ĐT, ở các lớp thực hiện thí điểm Mô hình trường học mới, tỷ lệ học sinh yếu - kém đã giảm đáng kể. Chẳng hạn như với môn Toán khối lớp 2, tỷ lệ học sinh yếu kém trên toàn tỉnh đã giảm từ 7,2% xuống còn 5,3%; môn Tiếng Việt đã giảm từ 7,8% xuống 5,9%  sau học kỳ 1, năm học 2012-2013. Học sinh cũng đã có sự phát triển toàn diện với các môn học khác. Được đánh giá là mô hình tối ưu trong hệ thống giáo dục hiện nay, sau khi áp dụng thành công trong năm học 2011-2012 nhiều địa phương đã chủ động tiếp cận mô hình này. Trưởng phòng GD&ĐT huyện Krông Ana Thái Văn Tài cho biết, nhận thấy tính ưu việt của mô hình, Phòng Giáo dục huyện đã có nhiều phương án hỗ trợ các trường trong dự án thực hiện tốt các mục tiêu đề ra như: tạo môi trường học tập thân thiện, giúp các trường mở rộng không gian học tập... Nhằm tạo điều kiện cho tất cả trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và con em các dân tộc thiểu số được đi học và hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học bắt buộc và có chất lượng, bên cạnh sự hỗ trợ của các nhà tài trợ, trong năm học tới Phòng Giáo dục huyện sẽ chủ động mở rộng mô hình này đến các trường khác trên địa bàn.

Hiệu quả của việc áp dụng Mô hình trường học mới đã thấy rõ. Tuy nhiên, để Mô hình trường học mới phát huy hết hiệu quả, theo ông Suhas Parandekar, Trưởng nhóm phụ trách Dự án GPE-VNEN của WB, các trường tại Việt Nam cần nhận thức đúng hơn nữa về mô hình này. Chẳng hạn, phương pháp giảng dạy mới yêu cầu có sự tham gia tích cực gia đình, cộng đồng trong việc phối hợp giảng dạy cho học sinh. Trong đó, các em có thể học tập từ phía gia đình và cộng đồng những vấn đề về văn hóa địa phương để làm phong phú thêm kiến thức của mình. Tuy nhiên vấn đề này vẫn chưa được nhà trường và phụ huynh quan tâm đúng mức. Hay như việc đẩy mạnh tính sáng tạo trong đội ngũ giáo viên, mở rộng hơn nữa không gian học tập…là những vấn đề cần quan tâm để có thể mở rộng mô hình này.

Giang Nam

 


Ý kiến bạn đọc