09:25, 06/12/2011
Tốt nghiệp Trung học Sư phạm mầm non Buôn Ma Thuột, năm 1995, cô Nguyễn Thị Oanh về công tác tại Trường Mẫu giáo Liên Sơn (Lak). Thời gian đó, điều kiện cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học thiếu thốn, lương giáo viên lại thấp song cô vẫn quyết tâm gắn bó với nghề, với trường lớp.
 |
Cô giáo Nguyễn Thị Oanh đang tổ chức cho trẻ lớp lá 1 chơi trò chơi trước giờ học toán. |
Với tâm niệm “cô giáo mầm non phải là người mẹ thứ hai của học sinh”, cô luôn ân cần, chăm sóc các cháu hết lòng. Bên cạnh đó, cô còn chịu khó học hỏi, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Hiểu rằng đặc điểm tâm lý lứa tuổi mầm non là rất hiếu động, dễ vui, dễ buồn, thường tranh giành đồ chơi, lại hay cáu giận, nhanh chán với cái cũ, hứng thú với cái mới lạ, nếu người lớn không chú ý rất dễ xảy ra tai nạn, cô luôn tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy để thu hút trẻ. Hầu như các buổi tối và những ngày nghỉ trong tuần cô đều dành thời gian tìm tòi, nghiên cứu soạn giáo án, dàn dựng các tiết học, làm đồ chơi và rèn luyện kỹ năng âm nhạc. Cô còn theo dõi các chương trình thiếu nhi trên ti vi để vận dụng những điều hay vào các tiết dạy. Khi Bộ GD-ĐT có chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và giảng dạy, cô Oanh là người tiên phong đi đầu trong việc thực hiện giảng dạy bằng hệ thống máy chiếu ở Trường Mẫu giáo Liên Sơn. Đây là lĩnh vực rất mới và khó khăn đối với các trường mầm non nông thôn vì cơ sở vật chất, kỹ thuật còn nhiều thiếu thốn. Song với tinh thần tự học hỏi, cô đã tự nghiên cứu từ việc dàn dựng kịch bản, chọn phông cảnh, sưu tầm tư liệu qua mạng Internet... để hoàn thành những bài giảng hay, sinh động để giảng dạy cho học sinh. Với suy nghĩ: giáo viên mầm non bây giờ phải có kỹ năng toàn diện để có thể truyền thụ kiến thức văn hóa, mỹ thuật, âm nhạc, tâm lý giáo dục, múa hát, sử dụng máy vi tính phục vụ giảng dạy, khả năng tổ chức các hoạt động vui chơi bổ ích cho trẻ, những năm gần đây, mặc dù con còn nhỏ, cô vẫn cố gắng thu xếp việc nhà để học nâng cao lên bậc đại học mầm non. Ngoài ra cô còn tham gia các lớp học bồi dưỡng ngắn ngày để nâng cao trình độ lý luận và năng lực công tác. Nhờ những nỗ lực như vậy, nhiều năm liền cô Nguyễn Thị Oanh đã đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, có nhiều sáng kiến kinh nghiệm đoạt giải cao trong các kì thi. Năm học 2010 – 2011, cô được tặng danh hiệu giáo viên xuất sắc và được UBND huyện tặng giấy khen.
 |
Cô giáo Nghiêm Thị Lý với các em lớp chồi 1 trong giờ học toán và học vẽ. |
Cô Nghiêm Thị Lý cũng đã gắn bó với Trường Mẫu giáo Liên Sơn ngay từ những ngày đầu mới thành lập. Hơn 27 năm gắn bó vói trường, cô hết lòng yêu nghề, mến trẻ, được học sinh yêu quý như người mẹ thứ hai của mình. Được giao nhiệm vụ nuôi dạy lớp chồi 1 với lứa tuổi từ 4 – 5, để giúp cho việc học của các cháu đạt hiệu quả cao, dễ hiểu, dễ nhớ cô luôn tìm tòi học hỏi tích lũy kinh nghiệm giảng dạy từ các bạn đồng nghiệp và qua các phương tiện thông tin đại chúng. Nhờ vậy, cô Lý đã được công nhận là giáo viên giỏi với nhiều những sáng kiến kinh nghiệm hay đã từng đoạt giải cao của huyện như: kinh nghiệm làm đồ dùng đồ chơi cho trẻ mẫu giáo, một số biện pháp dạy tiếng Việt cho đồng bào dân tộc thiểu số… Đặc biệt năm học 2010 – 2011, cô Lý còn đoạt giải B cấp tỉnh với sáng kiến kinh nghiệm về những biện pháp giáo dục hành vi văn minh cho trẻ mẫu giáo. Sáng kiến này hiện đang được ứng dụng ở Trường Mẫu giáo Liên Sơn.
Cô Cao Thị Hiền, Chủ tịch công đoàn trường nhận xét: Trong những năm qua, cô Nguyễn Thị Oanh và cô Nghiêm Thị Lý đã không ngừng phấn đấu vươn lên trong công tác nuôi dạy trẻ, góp phần đạt được những kết quả cao trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc – nuôi dưỡng và giáo dục trẻ phát triển toàn diện. Với những nỗ lực phấn đấu của bản thân, bằng lòng tâm huyết với nghề, các cô đã thật sự trở thành những tấm gương sáng của ngành giáo dục huyện Lak.
Vy Thủy
Ý kiến bạn đọc