Multimedia Đọc Báo in

“Gieo chữ” nơi vùng biên

15:41, 18/11/2011

Với tấm lòng yêu nghề, yêu thương học trò nhiệt huyết với sự nghiệp “trồng người”, những giáo viên trẻ từ nhiều nơi đã chấp nhận cuộc sống xa gia đình, người thân, bạn bè… tình nguyện đến với Làng thanh niên lập nghiệp biên giới xã Ia Lốp (huyện Ea Súp) miệt mài gieo chữ cho học trò nơi đây.

Cô giáo Hà Thị Tuyết đang hướng dẫn học trò các phép toán cộng, trừ.
Cô giáo Hà Thị Tuyết đang hướng dẫn học trò các phép toán cộng, trừ.

Làng thanh niên lập nghiệp Ia Lốp hiện có 99 hộ thanh niên với hơn 300 khẩu, trong đó có 19 học sinh chia làm 3 lớp học ghép từ lớp 1 đến lớp 5. Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp nên gặp không ít khó khăn. Thời tiết khắc nghiệt, mùa mưa kéo dài, lũ quét thường xuyên xảy ra gây sạt lở đường giao thông khiến cho việc thu hoạch mùa màng và đi lại của bà con gặp nhiều trở ngại. Mùa nắng thì nóng, nước tưới không có nên hàng trăm héc-ta lúa phải bỏ hoang, nước sinh hoạt cũng phải chắt chiu từng giọt. Những năm trước, làng còn nghèo, điện, đường, trường, trạm chưa được đầu tư đồng bộ nên việc vận động học sinh đến lớp không phải dễ dàng. Nhưng với lòng yêu nghề thương trẻ dù vất vả khó khăn vẫn không ngăn được những giáo viên trẻ đến với các em nhỏ nơi đây. Vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh, cô giáo Hà Thị Thuyết (quê ở huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đã tình nguyện về Làng thanh niên lập nghiệp Ia Lốp nhận nhiệm vụ. Những ngày đầu đến với đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, cô không khỏi bỡ ngỡ trước cuộc sống và tập tục của người dân. Nếu như việc dạy học ở những vùng sâu, vùng xa đã khó thì dạy học cho học sinh là người dân tộc thiểu số lại càng khó hơn gấp bội, vì hầu hết các em đều không có nền tảng kiến thức vững, nghỉ học nhiều nên việc tiếp thu kiến thức mới rất khó khăn. Đã vậy, điều kiện vật chất, sách vở, dụng cụ học tập đều thiếu thốn. Làm gì để giúp các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số nói tốt tiếng Việt, tiếp thu bài nhanh… luôn là nỗi băn khoăn của các thầy, cô giáo trẻ “gieo chữ” nơi đây. Để khắc phục điều này, các thầy, cô giáo đã xuống từng gia đình học sinh vừa học tiếng mẹ đẻ của các em, vừa tìm hiểu những nét văn hóa và thói quen sinh hoạt, từ đó có phương pháp dạy các em một cách hiệu quả nhất như: chia nhóm học sinh để dạy theo đối tượng, cho các em học khá kèm những em học yếu, tổ chức cho các em tham gia các trò chơi hoạt động ngoài trời để các em làm quen với tiếng Việt và có điều kiện học tập thoải mái, vừa chơi vừa học. Em Lý Thị Hải học sinh lớp 3 vui vẻ nói: “Được thầy cô dạy chữ, kể chuyện cổ tích, tổ chức các trò chơi tập thể em vui lắm. Ngày nào em cũng dậy thật sớm học bài cô giáo dạy rồi mới tới trường”. Dù khó khăn vất vả và còn nhiều thiệt thòi, nhưng hầu hết các thầy cô ngày ngày vẫn thầm lặng làm người đưa đò chở chữ cho học sinh nghèo nơi đây bằng tình thương yêu, trách nhiệm nghề nghiệp. Cô Thuyết tâm sự: “Ở đây, nhiều đêm nằm nghe gió thổi hun hút, chim rừng kêu lẻ loi mà nhớ cha mẹ, bạn bè... Nhưng mỗi sáng, nhìn ánh mắt trong trẻo, tin tưởng của các em học sinh, rồi tình cảm, sự yêu mến của các phụ huynh, chúng tôi như được tiếp thêm sức lực, ý chí để lao vào công việc, miệt mài với những giờ lên lớp”. Những vất vả ấy của các thầy, cô giáo không chỉ dừng lại ở đấy. Do điều kiện đi lại khó khăn nên bữa cơm của các thầy cô giáo nơi đây cũng rất đạm bạc chỉ có cá khô, mì tôm là những món chủ đạo. Chỉ khi nào trong làng có hộ nào làm thịt heo thì thầy, cô giáo mới mua được ít thịt để cải thiện.

Giờ học môn Tập Viết của các em học sinh lớp 1 do cô Hà Thị Nga hướng dẫn.
Giờ học môn Tập Viết của các em học sinh lớp 1 do cô Hà Thị Nga hướng dẫn.

Cô Hà Thị Nga, giáo viên phụ trách giảng dạy lớp 1 và 2 nhà ở cách điểm trường gần hơn 15 km cho biết, mùa nắng cô còn chịu khó về nhà mỗi tuần một lần vừa thăm gia đình, vừa tranh thủ ra phố huyện mua thêm một số thực phẩm đồ hộp dự trữ, còn mùa mưa đường đi trơn trượt có khi 2 đến 3 tuần cô mới về một lần. Tuy không phải ở lại điểm trường như cô Nga, cô Thuyết, thầy Hà Văn Quỳnh ngày nào cũng chạy xe gắn máy gần 20 km từ nhà vào lớp học để dạy chữ cho các em không kể mưa hay nắng. “Tính đi tính lại thì một tháng tôi cũng mất gần 600.000 đồng tiền mua xăng, nhiều lúc chưa có lương còn phải mượn tạm tiền gia đình để có xăng đi dạy.

 

Tuy vất vả là thế nhưng nhìn các em khát khao con chữ, ngày nào cũng lên lớp từ sớm trông ngóng thầy giáo đến làm lòng mình cũng ấm lên”. Thầy Quỳnh tâm sự. Với các thầy, cô giáo đang dạy học ở vùng biên giới đặc biệt khó khăn niềm vui, niềm động viên lớn nhất là thấy các em học sinh của mình ngày càng trưởng thành và chuyên cần tới lớp. Anh Lý Văn Sài, Trưởng Ban tự quản Làng thanh niên lập nghiệp cho biết: “Người dân trong làng ai cũng thương các thầy, cô giáo. Bởi họ không chỉ mang con chữ gieo niềm hy vọng cho những học trò nghèo mà họ ngày ngày đang chung vai cùng gánh vác những khó khăn với người dân nơi đây”.

Chia tay các thầy cô giáo để trở về thành phố khi mặt trời đã xuống bên kia khu rừng, trong suy nghĩ của chúng tôi, ai cũng có niềm tin, con chữ đang lan tỏa đến với các em nơi vùng biên giới xa xôi, nhờ công sức và nhiệt huyết của bao thầy, cô giáo trẻ.

Tuấn Anh

Ý kiến bạn đọc


(Video) Y Ngông Niê KĐăm - Cánh chim của đại ngàn Tây Nguyên
Nơi ấy đã sinh ra một người con ưu tú như chàng Đam San dũng mãnh, thiết tha yêu quê hương, yêu cuộc sống buôn làng. Ông như cánh chim đại ngàn không mỏi, bay khắp đất trời quê hương cống hiến trọn đời mình cho Tổ quốc, cho sự phát triển của Tây Nguyên giàu đẹp. Ông chính là Nhà giáo Nhân dân, bác sĩ Y Ngông Niê KĐăm.