Multimedia Đọc Báo in

"Giữ lửa" nghề bằng niềm đam mê!

07:53, 21/06/2021

Đầu năm 2009, khi được nhận vào làm phóng viên của Báo Đắk Lắk, hành trang tôi mang theo là tinh thần xông xáo, nhiệt huyết của một sinh viên mới ra trường.

Thế nhưng, viết báo không hề đơn giản như tôi thường nghĩ trước đó. Tôi bắt đầu những tác phẩm của mình bằng những mẩu tin, thậm chí là tin vắn. Nghĩ thì dễ, nhưng quá trình viết rất khó, nhất là với những sinh viên mới ra trường như tôi. Cái tin ngắn gọn chỉ hơn một trăm đến hai trăm chữ, nhưng người phụ trách phòng phải sửa đi, sửa lại nhiều lần.

Được sự dìu dắt của lãnh đạo phòng, anh chị đồng nghiệp và qua những lần đó, tôi dần rút ra kinh nghiệm và bắt nhịp được với công việc ở tờ báo mà đến giờ bản thân đã gắn bó hơn 12 năm. Phải đến tháng thứ ba theo nghề, tôi mới có những bài viết đầu tay về các địa phương vùng sâu, vùng xa của tỉnh làm giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới…

Phóng viên các cơ quan báo chí tác nghiệp tại khu vực phong tỏa tại hẻm 189/1 đường Mai Hắc Đế (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột).
Phóng viên các cơ quan báo chí tác nghiệp tại khu vực phong tỏa tại hẻm 189/1 đường Mai Hắc Đế (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột).

Những bài viết đó được bạn đọc quan tâm, cơ quan động viên, khích lệ là niềm vui nho nhỏ giúp tôi luôn cố gắng. Thế nhưng, cuối năm 2010 (sau gần hai năm gắn bó) khi mang thai đứa con đầu lòng, do cơ thể có lúc không được khỏe, cộng với một chút thiếu bản lĩnh của bản thân, tôi đã từng có ý định nghỉ việc để chọn cho mình một công việc văn phòng nhàn hạ hơn. Sau đó, được lãnh đạo cơ quan, anh chị em đồng nghiệp động viên, tôi như được tiếp thêm sức mạnh, và có lẽ tôi chỉ thực sự “lao” vào nghề từ sau thời điểm ấy.

Từ đó đến nay, tôi vẫn được cơ quan tin tưởng giao phụ trách lĩnh vực giao thông vận tải và an toàn giao thông. Ngoài theo dõi, bám sát lĩnh vực được phân công phụ trách, bản thân tôi luôn xông xáo, sẵn sàng tác nghiệp ở mọi điều kiện, môi trường. Đặc biệt trong những lần thiên tai, lũ lụt và dịch bệnh xảy ra, tôi luôn chủ động theo dõi thông tin từ các đầu mối, địa bàn để lên kế hoạch tác nghiệp.

Phóng viên phỏng vấn lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh về hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Bắc Giang.
Phóng viên phỏng vấn lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh về hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Bắc Giang.

Tháng 5 năm nay là lần thứ hai tôi được cơ quan giao phối hợp, hỗ trợ cùng phóng viên lĩnh vực y tế để bám các thông tin về tình hình dịch COVID-19. Còn nhớ, đầu tháng 8-2020, khi được giao nhiệm vụ tăng cường đưa tin về dịch bệnh COVID-19, tôi hơi lo lắng bởi ít viết về lĩnh vực y tế. Nhưng sau đó, với sự phối hợp với đồng nghiệp, tôi lao vào công việc, tiếp cận khu phong tỏa, người cách ly… để đưa tin, phản ánh tình hình dịch bệnh một cách kịp thời. Tác nghiệp trong vùng nguy cơ, chúng tôi cũng không tránh khỏi lo lắng về nguy cơ mắc bệnh nên cả nhóm đều rất cẩn trọng trong tác nghiệp, mang theo quần áo chuẩn bị sẵn để tắm rửa khử khuẩn ở cơ quan trước khi về nhà. Làm việc với cường độ cao, cộng với lo lắng do tác nghiệp trong môi trường dịch bệnh khiến tôi và những phóng viên trong nhóm có lúc tưởng chừng không trụ nổi... Thế nhưng khi tình hình dịch bệnh có diễn biến mới, cứ theo dõi rồi lại không thể chồn chân, tôi lại tiếp tục đi, đến những nơi có dịch bệnh.

Nghề báo là nghề càng đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người là cơ hội để nhà báo biết, hiểu nhiều hơn về mảnh đất, con người mà mình đã đến. Với tôi cũng thế, luôn với suy nghĩ “cứ đi rồi sẽ đến”, tôi cảm thấy ngày càng đam mê và trân quý nghề của những chuyến đi.

Hoàng Tuyết


(Video) Y Ngông Niê KĐăm - Cánh chim của đại ngàn Tây Nguyên
Nơi ấy đã sinh ra một người con ưu tú như chàng Đam San dũng mãnh, thiết tha yêu quê hương, yêu cuộc sống buôn làng. Ông như cánh chim đại ngàn không mỏi, bay khắp đất trời quê hương cống hiến trọn đời mình cho Tổ quốc, cho sự phát triển của Tây Nguyên giàu đẹp. Ông chính là Nhà giáo Nhân dân, bác sĩ Y Ngông Niê KĐăm.