Multimedia Đọc Báo in

Hỗ trợ phụ nữ xây dựng các mô hình phát triển kinh tế

07:04, 05/03/2021

Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn) có 17 chi hội, trong đó có 8 chi hội mà hội viên chủ yếu là người dân tộc thiểu số (Êđê, Thái), kinh tế phụ thuộc vào làm nông nghiệp, chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ. 

Với mong muốn giúp chị em hội viên thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo, Hội đã chủ động tìm hiểu, xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và khả năng tham gia của hội viên để tập trung phát triển.

Điển hình là mô hình “Hộ gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số nuôi thỏ” được triển khai vào tháng 9-2020, với 16 thành viên tham gia. Hội đã đề xuất Phòng Nông nghiệp Phát triển nông thôn huyện Buôn Đôn hỗ trợ 160 con thỏ giống cho các hộ chăn nuôi.

Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ea Nuôl (bên trái) thăm mô hình nuôi thỏ của hội viên, phụ nữ buôn Ea Mdhar 1A.
Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ea Nuôl (bên trái) thăm mô hình nuôi thỏ của hội viên, phụ nữ buôn Ea Mdhar 1A.

Nhằm giúp việc chăn nuôi đạt hiệu quả, Hội tổ chức cho chị em tham quan mô hình tại Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch Phú Nông, tham gia vào nhóm liên kết chăn nuôi thỏ trên địa bàn huyện để học hỏi kinh nghiệm và trao đổi, mua bán con giống; vận động chị em chủ động học hỏi thêm cách chăm sóc vật nuôi thông qua các kênh thông tin khác.

Trong năm 2020, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ea Nuôl đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ về vốn và kỹ thuật cho 6 hội viên, phụ nữ nghèo trên địa bàn xã xây dựng, duy trì và mở rộng các mô hình chăn nuôi bò, gà...

Chị H’Nao Bkrông (buôn Ea Mdhar 1A) là một trong những người nuôi thỏ thành công từ mô hình này. Trước đây, kinh tế gia đình chị chủ yếu phụ thuộc vào 4 sào đất trồng lúa và cây ăn quả nên cuộc sống rất khó khăn, khi tham gia mô hình nuôi thỏ, chị được hỗ trợ 10 con thỏ giống. Trong quá trình nuôi, nhờ tuân thủ các kỹ thuật chăm sóc và vệ sinh chuồng trại nên đàn thỏ của gia đình chị phát triển tốt, sau 3 tháng chăn nuôi đã sinh sản lứa đầu tiên. Đến nay, trung bình mỗi tháng chị thu về khoảng 1 triệu đồng từ việc bán thỏ, giúp chị có thêm chi phí để trang trải cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Theo chị H’Nao, so với nuôi gà, bò thì nuôi thỏ đơn giản hơn. Thỏ sinh sản nhanh lại không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, ít bệnh, thức ăn chủ yếu là các loại rau, cỏ có sẵn trong tự nhiên nên chi phí đầu tư thấp. Thỏ con sau 3 tuần nuôi đã có thể xuất bán với giá từ 120.000 -140.000 đồng/cặp.

Cũng như chị H’Nao, chị H’Mếch (buôn Niêng 2) được hỗ trợ 4 con thỏ giống. Để việc chăn nuôi đạt hiệu quả cao, chị đã đầu tư vốn làm chuồng và hệ thống nước uống thông thoáng, sạch sẽ. Sau 5 tháng chăn nuôi, đàn thỏ của gia đình chị đã sinh sản được 3 lứa, với hơn 30 con.

Mô hình nuôi thỏ của gia đình chị H’Mếch Niê (buôn Niêng 2).
Mô hình nuôi thỏ của gia đình chị H’Mếch Niê (buôn Niêng 2).

Chị Đinh Thúy Lăng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ea Nuôl cho biết, cùng với mô hình chăn nuôi thỏ, Hội cũng đã xây dựng và nhân rộng thành công nhiều mô hình khác như: mô hình trồng sả lấy tinh dầu ở thôn Tân Phú được thành lập năm 2019, trung bình mỗi tháng, các hội viên ở đây xuất ra thị trường hơn 20 lít tinh dầu sả; mô hình nuôi gà thả vườn ở buôn Ko Đung B và thôn Hòa Thanh, trồng rau sạch trong nhà lồng ở thôn Hòa Nam 1… Các mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp gia đình hội viên có thêm nguồn thu để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần thay đổi nhận thức trong sản xuất, chăn nuôi cho người dân tại địa phương.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Búk chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Búk đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.