Multimedia Đọc Báo in

Bình Lợi vươn lên nhờ có điện

07:17, 13/01/2019

Hơn 1 năm từ khi có điện lưới quốc gia, cuộc sống của người dân thôn Bình Lợi (xã Cư M’lan, huyện Ea Súp) đã có nhiều đổi thay.

Trở lại Bình Lợi lần này, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay nơi đây. Nhiều ngôi nhà cửa được xây dựng khang trang, bề thế, vườn hồ tiêu xanh mướt, sai trĩu quả. Dịch vụ xay xát, quán tạp hóa cũng phát triển lên nhiều hơn. Con đường dẫn vào thôn được làm từ Chương trình 135 cũng đang gấp rút hoàn thành những công đoạn cuối để kịp đưa vào sử dụng dịp Tết Nguyên đán sắp đến.

Hơn 1 năm kể từ khi có điện, cái hoang sơ, buồn tẻ ngày nào đã không còn, Bình Lợi giờ đây đã vui và sáng hơn khi đêm về. Trưởng thôn Lý Toàn Chuống cho hay, từ khi có điện, đời sống vật chất và tinh thần của bà con đổi thay thấy rõ. Nhiều người đã đầu tư máy móc, mở rộng sản xuất, việc sinh hoạt của người dân, học hành của con, em thuận lợi hơn rất nhiều. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng vì thế cũng dễ dàng đến với bà con hơn.

Nhờ có điện bơm tưới nên vườn tiêu gia đình anh Hoàng Văn Nghĩa phát triển tốt hơn  so với trước.
Nhờ có điện bơm tưới nên vườn tiêu gia đình anh Hoàng Văn Nghĩa phát triển tốt hơn so với trước.

Nét tươi vui, phấn khởi lộ rõ trên từng khuôn mặt của bà con trong thôn. Vui hơn khi thôn Bình Lợi có không ít những gương làm kinh tế giỏi, thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm như hộ anh Hoàng Văn Nghĩa, Lý Văn Chài, Sèo Sơn Dào, Bế Văn Long... Anh Hoàng Văn Nghĩa (dân tộc Tày) cho hay, bây giờ canh tác thuận tiện hơn, chỉ cần bật công tơ là máy móc tự động tưới cho vườn cây chứ không phải nổ máy phát như ngày trước. Theo tính toán của anh Nghĩa, Ea Súp là vùng đất nóng, nắng, với 5.000 trụ tiêu của gia đình, mỗi năm anh phải tưới từ 7-8 đợt. Nếu chạy máy nổ thì một đợt cũng hết tầm 7 triệu đồng tiền dầu, giờ có điện chỉ tốn chưa đến 1 triệu đồng. Nhờ đó, chi phí sản xuất giảm được nhiều, gia đình anh có thêm khoản tích lũy đáng kể. Cũng chính bởi vậy mà anh đang tính mở rộng sản xuất, trồng thêm 7 sào cà phê để phát triển kinh tế.

Cùng giống như anh Nghĩa, việc chăm sóc hơn 5.000 trụ tiêu của hộ anh Bế Văn Long (dân tộc Nùng) cũng đạt năng suất hơn rất nhiều. Có điện nên việc tưới tiêu thực hiện theo đúng chu kỳ, tiết kiệm chi phí; ngoài ra, anh còn sắm ti vi, nghe đài để biết và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, biết cách làm kinh tế để đẩy lùi đói nghèo. Anh Long chia sẻ, anh là một trong những hộ dân đầu tiên vào vùng đất này lập nghiệp từ đầu những năm 2000, ngày đó không điện, đường, khó khăn trăm bề, nhiều người không trụ nổi đã bỏ đi. Tuy nhiên, giờ thì anh cùng nhiều người khác đã yên tâm bám đất, vươn lên làm giàu; kế hoạch, dự định đầu tư vào sản xuất để phát triển kinh tế ấp ủ bấy lâu nay càng có cơ hội thực hiện.

Các cửa hàng  tạp hóa mở ra ngày càng nhiều kể từ khi  thôn Bình Lợi  có điện.
Các cửa hàng tạp hóa mở ra ngày càng nhiều kể từ khi thôn Bình Lợi có điện.

Bình Lợi là thôn xa nhất của xã Cư M’lan, cách trung tâm xã hơn 20 km và nằm lọt giữa những ngọn đồi âm u, giao thông đi lại cách trở. Đồng bào Dao, Mông, Tày, Nùng di cư tự do vào đây sinh sống từ những năm 2000, mãi đến năm 2011, thôn Bình Lợi chính thức được thành lập. Dự án cấp điện cho thôn Bình Lợi do cho ngành Điện đầu tư, giao cho Công ty Điện lực Đắk Lắk triển khai thực hiện với kinh phí trên 15 tỷ đồng vào giữa năm 2017 nhằm bảo đảm tiêu chí số 4 về điện nông thôn tại xã Cư M’lan. Quy mô dự án gồm: 11 km đường dây hạ áp, gần 22 km đường dây trung áp, 2 trạm biếp áp 160kVA, 2 trạm biến áp 100kVA.

Công trình vận hành cuối tháng 8-2017, đúng dịp kỷ niệm 40 năm thành lập huyện Ea Súp. Nhờ đó, đã tạo bước đột phá cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn nơi đây, cuộc sống người dân mở sang trang mới. Thôn Bình Lợi hiện có 200 hộ với hơn 1.500 khẩu, hầu hết là đồng bào di cư từ các tỉnh phía Bắc đến sinh sống, lập nghiệp. Từ chỗ có đến 53% là hộ nghèo (năm 2017) hiện toàn thôn chỉ còn 40% hộ nghèo. Theo khảo sát, tỷ lệ hộ khá, giàu trong thôn chiếm hơn 10%.

Có thể thấy, điện chính là nền tảng để người dân ổn đinh cuộc sống, chủ động tìm hướng phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Đất đai vùng này vốn đã màu mỡ, giờ đây sức người sẽ được thay thế bằng máy móc nên hy vọng hiệu quả lao động càng được tăng cao, tạo sức bật phát triển kinh tế cho người dân nơi đây.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.