Nhọc nhằn trên chuyến xe vào Nam đầu năm
Vào thời điểm sau Tết Nguyên đán đến cuối tháng Giêng âm lịch, trên những tuyến đường đi qua miền Trung, những dòng người tấp nập, hối hả vào miền Nam. Vất vả, mệt mỏi vì cảnh nhồi nhét trên xe, nhưng ai cũng mong cho sớm đến nơi.
Do dịp này, lượng người vào Nam rất lớn nên không đủ xe đáp ứng nhu cầu của hành khách. Tại các bến xe, ngã ba, ngã tư dọc các tỉnh miền Trung, đều thấy cảnh người dân đổ xô đón xe vào Nam. Để có một chỗ ngồi tốt cho suốt hành trình cũng không phải dễ dàng. 4 giờ sáng mồng 6 tháng Giêng (28-1-2012) tại ngã tư Tri Lễ (xã Khai Sơn – Anh Sơn – Nghệ An) trời lạnh tê người, nhưng vẫn có hàng trăm người ở các xã lân cận đến đón xe đi miền Nam khiến trời đêm trở nên nhộn nhịp. Có 5 chiếc xe khách đi các tỉnh: Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương, Dak Lak… đang bắt khách. Cảnh xô đẩy, chen lấn, tranh chỗ ngồi, tiếng người lớn gọi nhau, trẻ con khóc ầm ĩ. Đến sáng, cả 5 xe đã chật cứng khách và chuyển bánh, nhưng vẫn còn rất nhiều người không lên được xe, người thì quay về, người phải đi TP. Vinh hoặc huyện Diễn Châu để tiếp tục đón xe vào Nam.
Nhộn nhịp những chuyến xe khách vào miền Nam (ảnh chụp tại Cầu Phủ - Hà Tĩnh) |
Vì nhu cầu quá lớn nên dẫn đến một thực tế là từ lâu, những chuyến xe vào Nam sau Tết thường phớt lờ các quy định giao thông về số người được chở, giá vé, khiến hành khách bị nhồi nhét, chèn ép giá làm chuyến đi của họ trở thành cuộc hành xác. Là một trong số hành khách đó, ngày 16 tháng Giêng (7-2-2012), tôi quyết định lên chiếc xe 42 chỗ ngồi, biển số 17 H4… chạy tuyến Thái Bình – Dak Lak tại ngã ba Diễn Châu trên quốc lộ 1 qua tỉnh Nghệ An. Vừa bước lên xe, tôi đã thấy ngao ngán bởi trên xe đã chở đến gần 50 người, tưởng như thế đã quá đủ với nhà xe, nhưng thực tế chuyến đi hành xác chỉ mới bắt đầu. Xe tiếp tục lăn bánh, được một đoạn lại tạt vào lề để "bắt" thêm khách. Nhiều người tỏ thái độ phản ứng thì phụ xe trấn an: “Được ba bữa tết mới có nhiều khách, các bác thông cảm, chịu khó ngồi chật một tí!”. Gần trưa, xe đến TP. Vinh thì đã kịp nhồi đến 60 người, nhưng nhà xe vẫn chưa chịu dừng, khi đến cầu Bến Thủy, xe bắt thêm 5 hành khách nữa. Cứ thế, tiếp tục đến ngã ba Bãi Vọt (Thị xã Hồng Lĩnh – Hà Tĩnh), lại thêm mấy người lên xe, lúc này, chiếc xe đã nhồi nhét đến khoảng 70 người. Mọi không gian trên xe đều được tận dụng, các dãy ghế đôi đều nhét 3 người, dọc lối đi ở giữa khách cũng ngồi chật cứng trên hàng ghế nhựa. Những người “may mắn” có ghế tựa lưng cũng khổ sở vì bị người khác tựa vào mình, hoặc gác chân lên đùi. Bên trong xe rất ngột ngạt bởi hơi người, hòa quyện mùi thuốc lá, dầu gió, mùi chua vì khách nôn mửa do say xe… tạo thành thứ mùi hổ lốn, khó thở. Vẻ mệt mỏi luôn hiện lên trên mặt hành khách, tội nhất là mấy cháu nhỏ đi cùng bố mẹ, không chịu nổi cảnh chật chội, hôi hám trên xe nên chúng khóc suốt trên cả quãng đường dài. Chị Mai Thị Xuân (quê Tĩnh Gia – Thanh Hóa) khuôn mặt tái xanh vì nôn liên tục, chia sẻ: bước lên xe là chị đã uống thuốc chống say nhưng cũng không hiệu quả, vì xe quá đông, không khí quá ngột ngạt. Dù đã chật như nêm nhưng khi xe đến địa phận cầu Phủ (Hà Tĩnh), tài xế vẫn cho xe dừng lại để đón thêm khách đi tuyến ngắn đến Đà Nẵng, phụ xe ra giá dứt khoát: ba trăm rưỡi ngàn một người. Lúc này số hành khách trên xe đã vượt gấp đôi quy định, chiếc xe mới ì à ì ạch chạy tiếp vào Nam. hơn 7 giờ sáng hôm sau, xe mới đến bến xe phía Nam Buôn Ma Thuột. Mọi người thở phào nhẹ nhõm khi xuống xe như vừa kết thúc "một cuộc tra tấn”.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc