Multimedia Đọc Báo in

Bất cập tại các dự án ổn định dân di cư tự do (Kỳ 1)

08:34, 30/11/2020

Đắk Lắk có số lượng dân di cư tự do (DCTD) đến đông nhất cả nước. Những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo sinh kế giúp ổn định đời sống người dân... Tuy nhiên, do số hộ dân DCTD liên tục phát sinh, sống rải khắp ở những khu vực hẻo lánh, vùng sâu, vùng xa nên đã tạo thêm nhiều “gánh nặng” cho địa phương.

Sức ép từ dân di cư tự do

Dân DCTD đến Đắk Lắk góp phần cung cấp nguồn lao động dồi dào, tạo sự đa dạng về văn hóa cho địa phương... Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề này là những hệ lụy trong công tác quản lý bảo vệ rừng, đất lâm nghiệp, hộ tịch, hộ khẩu, cũng như việc bảo đảm các vấn đề an sinh và trật tự an toàn xã hội...

Nhiều hệ lụy

Theo số liệu thống kê của UBND tỉnh, từ năm 1976 đến tháng 12-2019, toàn tỉnh có 59.836 hộ dân với 291.339 người DCTD từ các tỉnh khác đến định cư. Đặc biệt, từ năm 1990 trở lại đây, người dân DCTD đến chủ yếu là nhóm hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Chỉ tính trong vòng 15 năm (2005 - 2020), Đắk Lắk có khoảng 1.800 hộ dân với gần 9.000 nhân khẩu DCTD đến cư trú tại địa bàn các huyện: Ea Súp (trên 900 hộ, 4.700 khẩu), Krông Bông (390 hộ, trên 1.800 khẩu); M’Drắk (222 hộ, gần 1.000 nhân khẩu)…

Người dân DCTD vào Đắk Lắk thường sinh sống ở khu vực hẻo lánh thuộc vùng rừng, đất rừng, cách xa trung tâm xã. Để có đất canh tác, họ đã chặt phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp… Qua nhiều năm, số hộ tăng lên (kể cả do di cư đến và tự tách hộ, khẩu), hình thành thôn, buôn tự phát, kéo theo nhiều hệ lụy như: Mất rừng; tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; gây khó khăn trong công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu cũng như giải quyết các vấn đề an sinh xã hội của chính quyền địa phương.

 

Diện tích rừng tự nhiên bị người dân DCTD đến thôn Yang Hăn (xã Cư Drăm, huyện Krông Bông) chặt phá, lấn chiếm đất trồng hoa màu.  
Diện tích rừng tự nhiên bị người dân DCTD đến thôn Yang Hăn (xã Cư Drăm, huyện Krông Bông) chặt phá, lấn chiếm đất trồng hoa màu.

Ông Lê Ngọc Tú, Phó Chủ tịch UBND xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc) dẫn chứng: Từ khoảng năm 2000, có khoảng 20 hộ người dân tộc Mông ở các tỉnh phía Bắc di cư vào địa bàn xã sinh sống. Họ khai hoang, lấn chiếm đất của Nông trường Cà phê Phước An (nay là Công ty Cổ phần Cà phê Phước An) để dựng nhà, canh tác hoa màu, rồi hình thành nên thôn 12 ngày nay. Do diện tích đất khai hoang hạn hẹp, trong khi số hộ dân người Mông nơi đây không ngừng tăng (hiện có 293 hộ) đã dẫn đến tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất. Hầu hết các hộ dân không có sổ hộ khẩu; trẻ em sinh ra chưa được làm khai sinh. Chính quyền xã chỉ còn cách làm giấy xác nhận để các cháu có điều kiện đi học tại một số trường trên địa bàn. Nhiều năm nay, công tác quản lý hành chính đối với người dân thôn 12 gặp rất nhiều khó khăn.

“Tình trạng dân DCTD tăng nhanh đã tạo áp lực lớn cho địa phương về vấn đề giải quyết đất ở, đất sản xuất; việc bảo đảm các chính sách an sinh xã hội, đầu tư kết cấu hạ tầng đối với các khu vực dân DCTD cũng khó bắt kịp tình hình thực tế”.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui, huyện Krông Bông

Tương tự, ông Nguyễn Văn Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui (huyện Krông Bông) cho biết: Toàn xã có 6 thôn (với 1.236 hộ, 8.083 nhân khẩu) người DTTS phía Bắc di cư đến sinh sống. Do cư trú ở khu vực xa trung tâm, đường sá đi lại khó khăn, thiếu đất sản xuất, sinh đông con… nên cái nghèo vẫn cứ đeo bám mãi (75% số hộ thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo).

Nỗ lực ổn định dân DCTD

Để bảo đảm đời sống cho người dân, những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án quy hoạch, bố trí, sắp xếp ổn định dân DCTD. Cụ thể, từ năm 2004, thông qua nguồn hỗ trợ từ Chương trình 134 và 167 của Chính phủ, UBND tỉnh và huyện Krông Năng đã đầu tư dự án khu định cư thôn Giang Đông ngay cạnh trung tâm xã Ea Dăh (huyện Krông Năng) với đầy đủ hạ tầng cơ sở thiết yếu như nhà ở, điện, công trình cấp nước, nhà sinh hoạt văn hóa… Mục tiêu của dự án là bố trí cho 75 hộ dân tộc Mông sống tạm trong khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc xã Ea Dăh đến định cư, ổn định cuộc sống. Mỗi hộ dân được cấp một căn nhà cấp 4 rộng 24 m2, 1.000 m2 đất ở, 5 sào đất nông nghiệp để canh tác và hỗ trợ kinh phí chuyển nhà..., với tổng kinh phí thực hiện dự án khoảng 110 tỷ đồng.

Tương tự, để tạo điều kiện ổn định cuộc sống cho 131 hộ dân tộc Mông DCTD trong vùng lõi rừng thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Buôn Ja Wầm quản lý (thuộc xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar), từ năm 2009, tỉnh đã đầu tư 26 tỷ đồng triển khai dự án quy hoạch khu định cư sát đường liên huyện Cư M’gar - Ea Súp (gần trung tâm xã Ea Kiết). Nơi ở mới này, mỗi gia đình sẽ được cấp nhà và 600 m2 đất vườn, cấp sổ hộ khẩu, giấy khai sinh, trẻ đi học gần trường lớp khang trang...

Khu định cư thôn Giang Đông (xã Ea Dăh, huyện Krông Năng).
Khu định cư thôn Giang Đông (xã Ea Dăh, huyện Krông Năng).

Ngoài ra, từ năm 2006 đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã lập quy hoạch 17 dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân DCTD và đã được phê duyệt 15 dự án. Trong đó, hiện đã có 13 dự án đang được triển khai tại 5 huyện: Ea Súp, Cư M’gar, M’Drắk, Krông Bông và Lắk với tổng mức đầu tư 670,118 tỷ đồng, quy mô bố trí tập trung cho 4.402 hộ dân DCTD.

Theo ông Mai Trọng Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, nhìn chung các dự án đều mang lại hiệu quả nhất định, kết cấu hạ tầng được đầu tư kiên cố giúp việc đi lại của người dân được thuận tiện hơn, điện lưới quốc gia đã được kéo đến từng nhà, nhiều vùng đã có nước sạch để sinh hoạt, các dịch vụ xã hội cơ bản được đáp ứng, đời sống của người dân đổi thay từng ngày. Tuy nhiên, để đánh giá một cách toàn diện thì các dự án vẫn còn nhiều điểm bất cập, chưa đạt hiệu quả như mong đợi.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc